'Cải lương - Trăm năm nguồn cội': 'Nếu ba còn sống ông sẽ vui lắm'

08/07/2019 - 14:18

PNO - Chia sẻ của TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, cũng là con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch- người trăn trở về cải lương đến cuối đời đã nói lên tất cả những gì mà 'Cải lương - Trăm năm nguồn cội' làm được.

Có một hiệu ứng rất đặc biệt với Cải lương - Trăm năm nguồn cội, bởi không hiếm những dòng trạng thái được đăng tải trên các trang cá nhân của khán giả sau buổi ra mắt một chương trình nghệ thuật, nhưng hiếm có chương trình nào tìm được “mẫu số chung” trên các trang cá nhân như sau chương trình này.

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Phần mở màn nhanh chóng chạm vào cảm xúc người xem bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh, giai điệu.

Có lẽ đã từ lâu lắm, hiếm khi không gian khán phòng của một chương trình cải lương trở thành nơi giao hoà cảm xúc của khán giả và nghệ sĩ. Cải lương  - Trăm năm nguồn cội đã kiến tạo được không gian tuyệt vời ấy ngay trong đêm công diễn đầu tiên vào tối 7/7.

Dẫu người xem không khỏi có ít nhiều nghi ngại về một ê-kíp làm cải lương gồm những người “lạ hoắc”, vốn chưa “liên quan” gì đến cải lương trước đó như tác giả - đạo diễn Quang Thảo, đơn vị sản xuất Công ty Green Horizon; hay đến rạp với tâm trạng chỉ để xem một chương trình tổng hợp về cải lương chứ không phải nguyên tuồng hát… vẫn được chạm vào một cảm xúc rất đặc biệt. 

Cảm xúc đó là khi những giai điệu, lời ca của bài Tình ca (nhạc sĩ Phạm Duy) và Dạ cổ hoài lang (nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cất lên, hoà quyện cùng nhau trong khung cảnh làng quê hiền hoà và những bộ áo dài trắng mộc mạc, những đôi guốc mộc chân quê…

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Cụm từ "ca ra bộ" vốn không lạ nhưng với không ít khán giả cải lương, đây là lần đầu tiên được xem trực tiếp để hiểu 

Những người thực hiện chương trình từng nói: “Chúng tôi không dám tham vọng kể hết câu chuyện của cải lương một trăm năm, mà chỉ muốn nhắc lại những dấu ấn đẹp của cải lương trong một thế kỷ bằng niềm tin cải lương không bao giờ cũ, dẫu có trải qua thật nhiều thăng trầm, biến cố thì cải lương vẫn mãi là tinh hoa văn hoá của dân tộc”. Bắt tay vào làm chương trình bằng niềm tin đó, hành trình hình thành và phát triển của cải lương đã được kể lại đầy cảm xúc, bắt đầu từ khi hình thức ca ra bộ ra đời.

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Nghệ sĩ Ngọc Đợi ngọt ngào, da diết với bản Dạ cổ hoài lang- bản chuẩn với giọng hát của chị hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Cao Văn Lầu, Bạc Liêu.

Bà Nguyễn Thế Thanh – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM chia sẻ trên trang cá nhân: ". Một chương trình thưởng thức nghệ thuật tinh hoa kết hợp học hỏi kiến thức được cấu trúc khéo léo đầy cảm xúc. Người xem - người học chỉ trong 120 phút có thể cảm và có thể hiểu vì sao các làn nhịp và điệu bộ của cải lương lại có khả năng diễn tả đầy đặn đến thế các cung bậc của cảm xúc và đã ăn sâu vào cảm thức của người Nam bộ...

Đáng chú ý hơn nữa, có lẽ là lần đầu tiên trên một sân khấu hoành tráng của Sài Gòn, bài nhạc cổ (bản chuẩn) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được cất lên ý nhị một cách cổ xưa qua giọng ca ngọt ngào của nghệ sĩ Ngọc Đợi... Công bố bản chuẩn, ca theo bản chuẩn cả lời và nhạc - đó là một yêu cầu bảo vệ sự thật mà những người làm chương trình bộc bạch cùng khán giả của mình khi dàn dựng hết sức trang trọng bản , một bản nhạc cổ đã trở thành vọng cổ - một trong những bài bản chính của sân khấu cải lương”. 

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Phần trò chuyện hóm hỉnh giữa MC Đình Toàn và Ths - NSƯT Huỳnh Khải cung cấp cho người nghe khá nhiều kiến thức về âm nhạc, nhạc cụ của cải lương.

Chỉ 2 giờ đồng hồ, khán giả không chỉ được nghe, được xem những bài bản nổi tiếng, trích đoạn cải lương kinh điển của sân khấu cải lương, mà còn được hiểu rất nhiều điều thú vị về âm nhạc, bài bản cải lương, về mối tương quan giữa các thành phần trong một đoàn hát: bầu gánh, bộ phận ánh sáng, phục trang, hậu đài… để cùng kiến tạo sự thành công cho một đêm diễn; về sự chỉn chu, kỹ tính trong làm nghề của các nghệ sĩ… 

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Lớp diễn chỉ vài phút giữa "cô Lựu" và "Hội đồng Thăng", dù đã rất quen thuộc nhưng vẫn lấy nước mắt người xem, một lần nữa chứng minh tài năng diễn xuất của "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết.

Nhận mình là người Sài Gòn rất yêu cải lương, nhà báo Vũ Kim Hạnh cũng đã có dòng trạng thái đầy cảm xúc: “Vũ Linh hát bài vọng cổ Hàn Mạc Tử của Viễn Châu. Ngọc Đợi ca Dạ cổ hoài lang. Bạch Tuyết, Việt Anh và Trinh Trinh - diễn lớp gay cấn nhất của Đời cô Lựu. Quế Trân, Tú Sương, Điền Trung trong lớp diễn dữ dội trích từ Câu thơ yên ngựa. Tuy còn thiếu nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, những nghệ sĩ có mặt đã mang những hạt ngọc của cải lương rót vào tim khán giả, làm dậy lên những tràng vỗ tay đầy xúc động.

Nghe thấu ruột gan giọng vàng Ngọc Đợi với bài Dạ cổ hoài lang. Vũ Linh vẫn ngọt ngào hấp dẫn, còn Bạch Tuyết thì quá tài hoa đa dạng khi ca diễn và thật là bản lĩnh khi nói về sức sống của kho tàng kỹ thuật, nghệ thuật tinh tế của cải lương qua các phối thức sắc sảo giữa ý tình, âm nhạc, phục trang, cảnh trí, ánh sáng, âm thanh, điệu bộ, các làn điệu ai, xuân, oán làm thành cái chất rất riêng của cải lương”. 

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
Thượng Dương Hoàng hậu (lớp diễn Xử án Thượng Dương), vai diễn thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của NSƯT Quế Trân, đủ để khán giả kỳ vọng cải lương sẽ có thêm một NS đủ nội lực và đam mê để đảm nhận những vai diễn độc thoại khó, tâm lý nhân vật phức tạp.

Là con gái NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, người từng yêu thương, trăn trở với cải lương đến những năm tháng cuối đời, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã viết trên trang cá nhân của mình: “Bằng tình yêu có phần thiên lệch với cải lương – cái nghiệp cả đời sống chết của ba tôi – tôi thật cảm động khi xem chương trình này. Không phải là một vở diễn hoàn chỉnh mà chương trình là một câu chuyện về trăm năm của nghệ thuật cải lương. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ, từ bản Dạ cổ hoài lang tới bản vọng cổ, từ vở diễn xã hội đến tích tuồng lịch sử... Đặc biệt các thế hệ nghệ sĩ cải lương đã được chương trình trân trọng nhắc nhớ tôn vinh một cách đầy tình cảm, các nghệ sĩ giao lưu gần gũi với khán giả...

Chương trình là sự giới thiệu khái quát nhưng sắc nét thế nào là cải lương, và qua đó phần nào lý giải vì sao cải lương được người Nam bộ yêu quý và tới giờ vẫn phổ biến trong đời sống người Nam bộ… Hôm nay, nếu ba tôi còn sống chắc ông sẽ vui lắm. Cải lương Nam bộ sẽ không mất đâu ba, một thế hệ trẻ đã biết yêu quý và gìn giữ cải lương bằng cách thức mới. Một chương trình nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc đẹp”. 

'Cai luong - Tram nam nguon coi': 'Neu ba con song ong se vui lam'
NSND Bạch Tuyết khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi lối trò chuyện dung dị, gần gũi và rất duyên dáng khi chia sẻ những kiến thức sâu rộng của mình về cải lương và những câu chuyện làm nghề nghiêm túc, chỉn chu của những người bạn diễn.

Chợt nhận ra, cải lương từ bao đời nay vẫn vậy, mộc mạc, giản dị và chân thành hệt như bản chất người Nam bộ. Trữ tình trong cảm xúc, như lời tự tình với dân tộc và nhẹ nhàng chinh phục khán giả, để những xúc cảm đẹp cứ mãi vấn vương trong tâm trí người mộ điệu, bởi cải lương đâu cần ồn ào để sắm vai "người khổng lồ”.

         Nguyễn Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI