Bình yên xanh thẳm UBein

14/11/2015 - 07:41

PNO - UBein giữ trong lòng nó một dấu tích cổ xưa, một quá khứ vàng son ở lại nghiêng mình trên dòng Taughmantha như tâm hồn của đế đô xưa.

Không biết đã đặt chân đến bao nhiêu câu cầu trong những hành trình rong đuổi, nhưng chưa nơi nào tôi tìm thấy cảm giác như buổi chiều gió thong dong bước trên UBein - cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới, ở vùng ngoại ô cố đô Amapura (Myanmar). Có lẽ không từ ngữ nào dành cho nơi này yên ả hơn là cụm từ "bình yên xanh thẳm".

Chúng tôi đến UBein vào lúc chiều tà, khi ánh nắng đã nghiêng vàng lấp loáng trên hồ Taungthaman và những nhà sư thuộc dòng Phật giáo Nam Tông bắt đầu tản bộ thong dong trên cây cầu gỗ dài 1,2km.

Binh yen xanh tham UBein
Cầu gỗ UBein

UBein không có tầm nhìn lộng gió như cầu cảng Phú Quốc, cũng không rộng thênh thang như cầu Thị Nại (cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á ở Bình Định, Việt Nam), nhưng lại mang đến cho du khách một cảm giác “mênh mang, lộng gió” khác trong tâm hồn. Nó pha trộn giữa cái xưa cũ và không khí hiện đại, nhộn nhịp mà vẫn thanh thoát, rộn rã mà cũng tĩnh lặng lạ lùng.

Khoảnh khắc đứng giữa cầu UBein ngắm nhìn hoàng hôn, bãi mía nương ngô trên bãi bồi và chiếc thuyền con lững lờ trôi trên dòng nước ươm vàng đẹp như một bức tranh thủy mặc, tôi đã không kìm lòng được mà thốt lên với người bạn đi cùng, rằng: “Hình như đây là cảm giác bình yên nhất em từng nhận được trong đời”. Và tôi cũng đã nhìn thấy nụ cười của chị - cái cười lấp lánh bình an.

Chiều gió UBein lấy đi của chúng tôi tất cả những mỏi mệt, áp lực của cuộc sống thường ngày. Hiện tại chỉ còn một nỗi vui xanh trong hồn nhiên. Bốn người chúng tôi trở thành tỷ phú thời gian mặc sức nhìn ngắm đùa vui, hứng nắng, chụp ảnh.

Binh yen xanh tham UBein
Chùa vàng Shwedawon - biểu tượng tự hào của xứ sở chùa tháp Myanmar

Cố đô Amarapura là vùng đất nghèo nên miền ngoại ô cũng giữ lại trong lòng nó những gì hiền lành và hoang sơ. Du thuyền trên hồ Taungthaman cũng là những chiếc thuyền độc mộc, khách ngồi trên đó tận hưởng mây nước và bình minh, cạnh bên có khi là đàn vịt tung tăng bơi lội.

Giản dị như một khúc sông quê miền Tây chiều chiều ta lấy xuồng chèo đi hái bần, ổi và tình cờ ngang qua khóm ngô khoai, nhìn thấy những chú chó đùa nghịch trên bờ và cái dáng bơi hối hả của lũ vịt khi thấy bóng người.

UBein nghèo, người dân không có gì bán cho khách du lịch ngoài váy longi - trang phục truyền thống của người dân Myanmar và Thanakha - bột phấn thoa mặt vừa là đồ dùng trang điểm vừa có tác dụng làm dịu mát làn da trong những ngày nắng nóng ở đây.

Trên cầu cũng có những thúng hàng rong bán các loại bánh chiên, mía, nước uống… Chị đồng nghiệp đi cùng tôi mua một chiếc longi khá đẹp, mặc chụp ảnh cùng UBein và trong những ngày lưu lại Myanmar.

Binh yen xanh tham UBein
Du khách có thể đi thuyền độc mộc trên hồ, xa xa là cầu gỗ UBein

Điều tôi nhớ nhất, và cũng là yếu tố khiến cảm nhận trong tôi về UBein quá đỗi bình yên chính là bóng áo nhà sư trên cầu. Cây cầu dẫn đến ngôi chùa ở trên đồi bên kia, chiều muộn, các sư thong dong hóng mát, những bóng áo cà sa ngược chiều nắng trở về. Với tôi, đó còn là bóng dáng của sự thanh tịnh, vô ưu.

Mỗi khi đứng trên một chiếc cầu nào đó trong những chặng hành trình, tôi hay so sánh cảm giác từ điểm tựa “bình yên xanh thẳm” ở UBein. Như đêm lung linh ở cầu quay sông Hàn (Đà Nẵng), cầu Trường Tiền (Huế); lăn trầm cảm xúc rêu cổ cùng cầu Long Biên (Hà Nội), Hiền Lương (Quảng Trị); tự hào hân hoan ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ; lang thang cầu Bãi Cháy (Hạ Long), ngẩn ngơ bên cầu treo bắc qua dòng Serepok... Mỗi chiếc cầu gánh trên vai nó một sứ mệnh, kết nối đôi bờ mà cũng là giữ lại lịch sử của vùng đất.

UBein đẹp một cách bí ẩn. Tên cầu cũng là tên người thị trưởng đã mang gỗ xây cầu từ những năm 1800. Vật liệu gỗ tếch được lấy từ cung điện bỏ hoang khi vua Mindo dời kinh đô về Mandalay.

UBein giữ trong lòng nó một dấu tích cổ xưa, một quá khứ vàng son ở lại nghiêng mình trên dòng Taughmantha như tâm hồn của đế đô xưa, để rồi trở thành nơi được du khách thập phương đánh giá là “địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới”.

Tiểu Nhị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI