Biệt thự cổ Sài Gòn: ‘Giải cứu’ bằng cách nào?

22/10/2019 - 07:43

PNO - Trong khi nhiều biệt thự cổ ‘bốc hơi’, xuống cấp trầm trọng, công tác đánh giá, phân loại vẫn chưa xong... cơ quan chức năng vẫn còn mâu thuẫn trong chính sách thực hiện.

Còn đâu biệt thự cổ Sài Gòn?

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, lấy số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc- đơn vị tư vấn trực tiếp thực hiện việc kiểm kê, đánh giá biệt thự, cho biết trong 1.300 biệt thự xây dựng trước năm 1975 của Sài Gòn, hiện đã "bốc hơi" khoảng 600 căn.

Trong nhiều hội thảo, nhiều cuộc nói chuyện về di sản Sài Gòn, nhiều chuyên gia nặng lòng với các công trình di sản văn hoá đều đau lòng khi trong nhóm biệt thự đã “bốc hơi” ấy, nhiều công trình có giá trị kiến trúc, văn hoá đặc biệt. 

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Biệt thự cổ gần 100 năm tuổi tại địa chỉ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh nay chỉ còn trong quá vãng. Hiện tại, khu đất đã được san phẳng, xây dựng công trình mới.

Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc cho thấy, trên đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn biệt thự cổ hiện chỉ còn 24, đường Hai Bà Trưng chỉ còn 20 trên tổng số 40 căn, đường Lê Quý Đôn và Mạc Đỉnh Chi nay chỉ còn 6 trong số 20 căn... Và trên nhiều tuyến đường từng mang biểu tượng của hàng loạt biệt thự cổ như Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai... 

“Giải cứu” biệt thự cổ là vấn đề không mới vì đây không phải lần đầu tiên được nhắc đến, thậm chí từng cấp bách và nóng sốt hơn hiện tại khi một vài công trình bị khai tử. Nhưng, oái ăm thay, cho tới khi 600 căn biệt thự cổ mất đi, công tác đánh giá, phân loại  biệt thự cổ - cơ sở để từ đó có phương án bảo tồn chính thức - vẫn chưa xong.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Địa chỉ 6C, Tú Xương, quận 3 từ biệt thự cổ ban đầu được cơi nới thành khu nhà dân, bãi giữ xe, mặt bằng được cho thuê mở quán cơm trông nhếch nhác.
Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Bên trong biệt thự đang được sửa chữa thêm để hoàn thiện nhưng hầu như không còn giữ được kiến trúc ban đầu.

Cụ thể, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết: “Hiện tại, tỉ lệ kiểm kê đang đạt 70% nhưng đây là kiểm kê bước đầu. Sau khi kiểm kê xong phải đưa hồ sơ sang Hội đồng phân loại để đánh giá, phân loại biệt thự nhóm 1-2-3”. Vị đại diện này cho biết địa bàn quận 3 là nơi tập trung nhiều di tích, biệt thự cổ cần kiểm kê nhất nhưng giống nhiều địa bàn khác trên thành phố, công tác đánh giá xếp loại phức tạp, không dễ thực hiện.

Ông Trần Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND quận 3 khẳng định quận biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ thống công trình di sản, đặc biệt là biệt thự cổ vì cùng với quận 1, quận 3 là lõi di sản của thành phố. Tuy nhiên, việc “giải cứu”, dù quận cũng muốn nhanh chóng nhưng không biết phải nhanh thế nào.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Biệt thự nằm ở số 113 Hai Bà Trưng sau thời gian được bao vây bởi hàng quán, chỉ thấy được tầng trên.

“Có rất nhiều khó khăn ngay từ việc nộp hồ sơ để đánh giá xếp loại. Sau đó, thành phố giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng phối hợp với các trung tâm, các viện kiến trúc... để đánh giá phân loại nhưng giờ vẫn chưa xong. Ở cấp độ quận, chúng tôi chỉ sơ loại vì hoàn toàn không có khả năng phân loại. Cho nên, câu chuyện phân loại vẫn còn bỏ ngỏ đó.

Chúng tôi đã kiến nghị đẩy nhanh quá trình đánh giá phân loại biệt thự cổ, di tích vì theo thời gian, các công trình đều xuống cấp, đợi đến khi được xếp loại lại xảy ra việc”, ông Trần Thanh Bình nói.

Ai “giải cứu” ai?

Trong câu chuyện "giải cứu" biệt thự cổ, ngay từ ban đầu, trách nhiệm "giải cứu" được đặt cho cơ quan chức năng nhưng đến nay, đại diện các cơ quan chức năng cũng than trời vì khó.

Cái khó đầu tiên nằm ở sự thiếu hợp tác của người dân có nhà thuộc dạng "cổ". “Khó khăn lớn nhất là những công trình thuộc chủ sở hữu tư nhân, vì họ không muốn biệt thự rơi vào danh mục bảo tồn vì sẽ hạn chế sự đầu tư, xây dựng của họ”, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nói.

Cái khó còn nằm ở thủ tục giấy tờ. Khi một công trình biệt thự thuộc nhóm cần kinh phí bảo tồn, từ khi lập hồ sơ đến khi thông qua, công trình từ hư hỏng ít đã rơi vào trạng thái hư hỏng nặng vì chờ đợi quá lâu. 

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Sau nhiều năm đề xuất sửa chữa, biệt thự nằm ở số 110-112 Võ Văn Tần đã được thực hiện đại trùng tu. Dự kiến đến tháng 10/2020 sẽ hoàn thành.

Biệt thự gần 100 tuổi ở địa chỉ 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, trước khi kịp xếp loại đã bị san phẳng. Biệt thự ở số 12 Lý Tự Trọng, quận 1 cũng có số phận tương tự sau khi chủ nhà mua lại với giá hơn 200 tỉ đồng kèm theo đơn xin cải tạo, cụ thể là tháo phần ngói, chống dột, làm lại hệ thống điện... rồi cho tháo dỡ toàn bộ, san bằng khu đất để xây dựng công trình mới. Hiện tại, một khách sạn cao vút “mọc” lên trên vị trí biệt thự cổ mà nếu không tìm hiểu, chẳng ai còn thấy được vết tích nào của công trình trăm năm trước đó từng hiện hữu.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Biệt thự cổ tại 12 Lý Tự Trọng, quận 1 giờ đây đã "bốc hơi", nhường chỗ cho một công trình khách sạn lớn.

 Ở góc độ này, ông Trần Thanh Bình bức xúc: “Lâu nay, mình nói nhiều về công tác bảo tồn nhưng thú thật từ thành phố đến các quận, huyện chưa thật sự chú tâm đến câu chuyện bảo tồn.

Chúng ta có thiết chế công tác bảo tồn nhưng còn thiếu. Chúng ta yêu cầu người dân phải bảo tồn, giữ gìn nhưng lại không trang bị cho họ kiến thức để bảo tồn. Chúng ta không có những khuyến khích cụ thể, ví dụ như có những biệt thự, chủ sở hữu bỏ ra cả ngàn lượng để mua trong khi chúng ta không giúp sức được gì nhưng lại kêu gào họ giữ gìn”.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Dãy biệt thự từ số 7 - 19 trên đường Ngô Thời Nhiệm hàng quán cũng mọc lên tứ phía. Bên trong biệt thự, nhiều không gian được cho thuê mở quán ăn uống.

Ông Bình cho rằng để tránh trường hợp rơi vào thế bị động, phải có chính sách để các chủ sở hữu không thiệt thòi khi thực hiện công tác bảo tồn. "Họ có thể kinh doanh nếu hoạt động đó không tác động đến công trình, chứ không thể chỉ buộc chủ sở hữu giữ nguyên hiện trạng biệt thự, ở ngay những khu đất vàng như giữ một “xác ướp”, ông Bình nhấn mạnh.

Mâu thuẫn giữa lợi ích của chủ sở hữu tư nhân và các quy tắc đô thị, giá trị kiến trúc, văn hoá khó thể hoà giải khi không ai đứng ra giảng hoà. Thiếu chính sách, thiếu sự linh hoạt, thiếu một cái nhìn đủ nhân văn với di tích lịch sử... thành ra, công tác bảo tồn di sản vẫn treo lơ lửng ở đó và biệt thự cổ cứ bị cơi nới trái phép, xuống cấp, thậm chí “bốc hơi”.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Biệt thự ở số 33 Lê Quý Đôn, quận 3 hiện tại được tận dụng triệt để không gian để kinh doanh. Trong hình là một góc khuôn viên, ở cổng chính là nhà hàng sang trọng, phá vỡ không gian kiến trúc.

“Liên quan đến hỗ trợ, hướng dẫn trùng tu sửa chữa di tích hoặc các công trình nằm trong danh mục kiểm kê, phải thực hiện đúng theo quy định, phải phối hợp giữa quận, sở và các sở ngành. Thôi bây giờ, cái mình cố gắng là vận động, giúp đỡ những cơ sở/cá nhân cần trùng tu sửa chữa làm hồ sơ để xét duyệt, thực hiện đúng quy trình”, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM, nói.

Rằng "thôi thì cố gắng vận động” của ông Huỳnh Thanh Nhân như một dấu chấm lửng cho những gì đang diễn ra với biệt thự cổ nói riêng và thực trạng di sản tại TP.HCM nói chung.

Tuy nhiên, đến đây thì lại vướng thêm một khó khăn khác. Theo chia sẻ từ Sở Quy hoạch Kiến trúc, hình thức sở hữu không phải là nội dung chủ yếu của nguyên tắc kiểm kê, nên chưa có số liệu về chủ sở hữu đối với danh sách biệt thự cũ, tức chưa rõ bao nhiêu biệt thự thuộc sở hữu của nhà nước, bao nhiêu thuộc về tư nhân.

Biet thu co Sai Gon: ‘Giai cuu’ bang cach nao?
Một lời kêu cứu có thể dễ dàng thốt ra nhưng cứu như thế nào, cho đến nay, vẫn chưa được giải quyết triệt để

HĐND TP.HCM vừa có đợt giám sát bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua các buổi làm việc với UBND các quận, huyện, nhiều kiến nghị được đưa ra về việc cơ quan chức năng phải nhanh chóng hơn trong việc công nhận di sản, pháp lý hóa các công trình có giá trị cần bảo tồn. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ quyền lợi của người dân có công trình thuộc diện bảo tồn để khuyến khích họ thực hiện.

Đặc biệt, ở quận 1 và quận 3 được xem là lõi di sản với hàng trăm công trình biệt thự cổ, công tác đánh giá, phân loại cần được quyết liệt thực hiện. Trên địa bàn quận 1 có 26 công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Với địa bàn quận 3, con số danh mục cần kiểm kê chưa được thông báo.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI