Bệnh "đẳng cấp"

28/11/2015 - 08:42

PNO - Đêm 20/11, chương trình The Master of Symphony diễn ra ở Nhà hát Hòa Bình lần đầu tiên năm giọng ca nữ nổi danh của nhạc Việt hát với nhau.

“Cuộc chiến” của Trần Thu Hà và Thu Phương quanh chuyện liệu giọng ca Dòng sông lơ đãng có phải là diva hay không đến nay vẫn chưa kết thúc, khi fan của họ tiếp tục nâng thần tượng, dìm đối thủ và “tổng xỉ vả” lẫn nhau.

Trong cuộc đối đầu nảy lửa đó còn có lượng “dầu” được châm thêm từ các trang mạng, qua những bài viết phân tích giọng hát, sự nghiệp của mỗi người. Không ai nhìn vào mấu chốt, nguồn cơn sự việc: cái gọi là danh hiệu diva.

Đêm 20/11, chương trình The Master of Symphony diễn ra ở Nhà hát Hòa Bình khiến khán giả nức lòng khi lần đầu tiên năm giọng ca nữ nổi danh của nhạc Việt - Trần Thu Hà, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương - cùng hát với nhau.

Chương trình được nhiều người gọi ngắn gọn là “đêm nhạc năm diva” theo cách lâu nay các nữ ca sĩ này vẫn thường được xưng tụng. Dư âm của chương trình lẽ ra rất đẹp nếu không xuất hiện ý kiến cho rằng việc Thu Phương góp mặt trong đêm diễn đã cho thấy cô xứng đáng là diva thứ năm của nhạc Việt đương đại.

Benh
Năm giọng ca vàng tại chương trình

Trần Thu Hà đã lên tiếng phản bác trên mạng xã hội, rằng khi những Linh, Nhung, Lam trở thành ngôi sao trên các sân khấu lớn Hà Nội thì Thu Phương vẫn chỉ là ngôi sao hát vũ trường và rằng khi Thu Phương sang Mỹ sinh hoạt văn nghệ thì ở Việt Nam đã thừa nhận bố n diva. Đỉnh điểm là câu Hà viết: “Khán giả yêu mến mỗi giọng hát khác nhau có chọn lựa, ưu ái riêng của họ, nhưng không vì đứng hát chung mà thay đổi lịch sử âm nhạc được”.

Kỳ thực, không có lịch sử âm nhạc nào thừa nhận nhạc Việt có diva. Đó chỉ là sản phẩm của truyền thông vào những năm 2000, khi Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung gặt hái thành công trên sân khấu phía Nam - đất của showbiz. Điều này tương tự như chuyện trước 1975, giới ký giả suy tôn Hùng Cường, Chế Linh, Duy Khánh, Nhật Trường là tứ trụ nhạc vàng; tương tự như người ta gọi Giao Linh là Nữ hoàng sầu muộn, gọi Phương Dung là Nhạn trắng Gò Công…

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh từng nói “Sẽ rất vô duyên nếu nghệ sĩ tự xưng mình là diva”, bởi chẳng có nghệ sĩ nào ở Việt Nam có tầm ảnh hưởng ra được khỏi chiếc ao làng nhạc Việt.

Diva chỉ là một sản phẩm của truyền thông, ai thích gọi sao cũng được, theo ý thích của mình, nên mới có chuyện sau thành công của Uyên Linh ở Vietnam Idol, đã có phó ng viên xưng tụng cô như một diva mới hay chuyện một số nữ ca sĩ làm đêm nhạc đặt tên là Diva’s Night.

Họ quên mất câu chuyện cuộc bình chọn Diva thế hệ mới 10 năm trước đã không có nữ ca sĩ nào dám đến nhận danh hiệu do một tạp chí trao. Thậm chí có nữ ca sĩ còn xin rút tên ngay từ đầu vì biết đó là danh xưng quá lớn so với mình cũng như không muốn dính vào những cuộc tranh cãi.

Nhưng một người gọi rồi nhiều người gọi. Đến hôm nay thì mặc nhiên những Thanh Lam, Mỹ Linh đều là diva. Cả một số giọng ca của nhánh âm nhạc hàn lâm, nhạc kịch cũng xưng diva, divo dù chẳng được ai thừa nhận.

Hậu quả là chính nghệ sĩ cũng quên mất rằng đó chỉ là danh hiệu nghe cho “xôm” mà nhầm lẫn thành đẳng cấp của mình, để tranh nhau, để gom phần, trở thành trò lố trong mắt công chúng và người am hiểu về hiện tình nhạc Việt.

Cái đáng ngại hơn là những danh hiệu tự phong đó, nhiều năm nữa, như một thói quen, rất có thể sẽ trở thành danh hiệu chính thức, gắn với sự nghiệp của nghệ sĩ, đứ ng cạnh những danh hiệu chính quy khác như NSƯT, NSND.

Đó là nguy cơ thấy rõ như giờ đây giới người đẹp đã xóa nhòa mọi ranh giới của những cuộc thi nhan sắc uy tín, tầm cỡ với những cuộc thi ao làng, hội chợ khi ai cũng kêu vang hoa hậu, á hậu, hoa khôi, nữ hoàng...

Giá trị của một nghệ sĩ nằm ở các danh hiệu của truyền thông chưa bao giờ hội tụ cả điều kiện cần và đủ. Dù có được gọi triệu lần là nữ hoàng hay ông hoàng, diva hay divo mà không được công chúng đón nhận, không có các sản phẩm chất lượng được giới chuyên môn ghi nhận thì danh hiệu ấy cũng bằng không.

Ngược lại, những ca khúc được hát lên, những chiếc vé bán ra, những album được lưu trữ qua thời gian... sẽ bảo chứng cho sức sống của nghệ sĩ dù không hề có danh hiệu.

Trên sân khấu The Master of Symphony, công chúng đã được chứng kiến hình ảnh đẹp khi các nữ ca sĩ tài danh đứng hát bên nhau, để rồi hình ảnh ấy bị chính nghệ sĩ đá nh mất ở chốn hậu trường. Nếu có ghi nhận, lịch sử âm nhạc sẽ ghi nhận chuyện cô ca sĩ đã thành danh, lại đi tranh với đồng nghiệp một danh hiệu mà không ai kiểm chứng. Nhạc Việt đã bao giờ có diva đâu!

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI