Bài 8: Khát vọng người Việt làm phim Việt

30/08/2018 - 19:00

PNO - Ngày 28/12/1895, lần đầu tiên nhân loại biết đến máy chiếu phim - phát minh của L. Lumière, người Pháp. Chỉ 3 năm sau, người Sài Gòn đã được thưởng thức loại hình nghệ thuật ấy với tên gọi 'trò chớp bóng' hoặc 'hát hình máy'.

Ngày 6/10/1898, bộ phim Yêu tinh râu xanh đã được chiếu trước nhà quan Tổng đốc Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm).

Bai 8: Khat vong nguoi Viet lam phim Viet
Nghệ sĩ cải lương Tám Danh - đạo diễn phim Trọn với tình - phim đầu tiên do người Việt đạo diễn

Nhiều rạp chiếu bóng lần lượt ra đời theo năm tháng, chiếu chủ yếu phim nhập từ Pháp. Mãi đến thập niên 1920, các đạo diễn người Pháp mới thực hiện những bộ phim lấy chất liệu, bối cảnh Việt Nam. Trong đó, phải kể đến phim Kim Vân Kiều do Công ty phim và chiếu bóng Đông Dương thực hiện.

Nhận thấy nhiều nguồn lợi từ phim ảnh và nhất là nhận thức đây cũng là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá văn hóa, một lớp trí thức trẻ người Việt đã mạnh dạn đầu tư vào điện ảnh.

Một đồng kẽm tậu được ngựa là bộ phim đầu tiên do người Việt thực hiện. Ông Nguyễn Lan Hương - chủ hiệu ảnh Hương Ký tại Hà Nội - tự viết kịch bản, quay, dựng phim, chỉ dài 6 phút, nhại theo truyện ngụ ngôn Cô nàng Perrette và bình sữa của La Fontaine.

Sau một vài phim nữa, không rõ vì lý do gì, ông Hương ngừng làm phim trở về nghề nhiếp ảnh. Nhìn chung, thời điểm này, phim Việt chưa tạo được dấu ấn gì đáng kể.

Phải đợi đến năm 1936, tình hình chính trị ở Đông Dương “dễ thở” hơn với thắng lợi của chính phủ Bình dân tại nước Pháp, “cởi trói” nhiều chính sách ở các nước thuộc địa.

Tại Hà Nội, các trí thức trẻ Nguyễn Doãn Vượng, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Dương, Nguyễn Phổ, Nguyễn Xuân Hiệp… đã thành lập An Nam nghệ sĩ đoàn với tinh thần yêu nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ khát khao thực hiện một “phim Việt Nam hoàn toàn do tài tử Việt Nam đóng, nói tiếng Việt Nam”.

Bai 8: Khat vong nguoi Viet lam phim Viet
Đoàn làm phim Cánh đồng ma

Sau khi hoàn thành Cánh đồng ma, được xem là kịch bản văn học chỉn chu nhất cho đến thời điểm đó (về sau có in thành sách), ngày 20/11/1937, Đàm Quang Thiện ký hợp đồng với nhà đầu tư Pei Song King - chủ rạp chiếu bóng Trung Quốc tại Hàng Bạc, đại diện cho Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa.

Theo đó, phía An Nam nghệ sĩ đoàn viết kịch bản, xuất tiền tuyển 22 đạo diễn “đóng trò”; chịu chi phí vé tàu khứ hồi từ Hải Phòng đi Hồng Kông; hưởng 15% sau khi trừ toàn bộ chi phí. Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa chịu chi phí đạo diễn, quay, dựng phim, làm hậu kỳ, sản xuất... hưởng 85% lợi nhuận.

Được mời làm diễn viên đóng vai khán hộ của Bệnh viện Phủ Doãn trong Cánh đồng ma, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết Một chuyến đi, kể lại nhiều chuyện về làm phim. Nhờ vậy, ta biết thêm nhiều chi tiết về lịch sử điện ảnh nước nhà.

Dù hợp đồng nêu rõ phải có sự đồng ý của ông Thiện mới được thay đổi chi tiết trong kịch bản, sang đến Hồng Kông, đạo diễn Trần Phi đã thay đổi kịch bản phim.

Về cốt truyện Cánh đồng ma, Đàm Quang Thiện tóm tắt: “Nơi được gọi cánh đồng ma là mảnh đất hoang gần hồ Bảy Mẫu. Tại đây, vào những năm 1930 đã xảy ra nhiều vụ án mạng, trong đó có 5 người bị ám sát. Sở Mật thám Pháp, dù đã lấy được vân tay của kẻ sát nhân, vẫn không bắt được nó. Giáo sư Hoàng Tố Nguyên, bằng cách phân tích tâm lý bệnh nhân, đã tìm ra thủ phạm”.

Phim nhằm “đưa ra luận thuyết về khoa học và di truyền”, thông qua nhân vật Hùng - một sinh viên y khoa thông minh, nhưng xuất thân trong gia đình bất hảo nên một khi tiếp thu được khoa học - nếu sai lầm, phạm pháp thì tác hại sẽ rất ghê gớm.

Diễn biến tâm lý này đòi hỏi khả năng diễn xuất với hỗ trợ từ góc quay, kỹ thuật… nhưng Trần Phi lại lái câu chuyện theo hướng trinh thám, đâm chém, đàn bà trụy lạc để câu khách.

Trong Một chuyến đi, Nguyễn Tuân cay cú: “Người Tầu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa. Tôi đã từng gặp nhiều chú khách cổ cao một ngấn, hai ba cái cằm in nét ở mặt, về quan niệm mỹ thuật mù tịt, đứng làm giám đốc về việc bài trí những phim ảnh. Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám”.

Vụ thay đổi kịch bản gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội, nhưng vì yếu thế do góp ít vốn, lại nơi đất khách nên An Nam nghệ sĩ đoàn đành chấp nhận. Họ diễn xuất trong tư thế gượng gạo, miễn cưỡng.

Để trả đũa, sau 13 ngày đêm làm việc cật lực và hậm hực nhau, bộ phim Cánh đồng ma quay xong vào ngày 30/1/1938 thì đúng hai ngày sau, ngày 1/2/1938 (mùng 2 tết năm Mậu Dần), Công ty Điện ảnh Nam Trung Hoa tống các diễn viên ra khỏi nơi cư trú.

Kết quả, bộ phim bị dư luận báo chí đương thời lẫn nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Quả là một trò rối”.

Dù thất bại, những người Việt mê điện ảnh vẫn không nản lòng. Tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Đinh - chủ hãng đĩa hát Asian - đã thành lập Hãng phim châu Á và tuyển diễn viên vào đầu năm 1938 để quay bộ phim Trọn với tình, dài 90 phút, trên phim nhựa 35mm đen trắng. Đạo diễn chính là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Tám Danh (Nguyễn Phương Danh). Tuy phim còn kém cỏi nhiều mặt, báo chí thời ấy đã hết sức biểu dương, cổ động cho phim.

Từ thất bại Cánh đồng ma - bộ phim truyện có tiếng đầu tiên của Việt Nam, đến Trọn với tình do người Việt đạo diễn, ta thấy, muốn làm phim theo ý mình thì phải có kinh phí dồi dào, có tay nghề… Kinh nghiệm ấy đến nay vẫn nguyên giá trị. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI