Áp lực vô hình trong các gia tộc nghệ thuật

26/06/2018 - 21:18

PNO - Xuất thân từ những gia đình, gia tộc nghệ thuật lớn, ngoài lợi thế sẵn có, những thế hệ hậu bối cũng chịu nhiều áp lực vô hình.

Nghệ sĩ nối ngôi

Đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga có thế hệ nối tiếp gồm nhiều cái tên danh tiếng như: NSƯT Bảo Quốc, Hữu Châu, diễn viên Hồng Loan, Gia Bảo (con gái và cháu nội của nghệ sĩ Bảo Quốc), Hà Linh (con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga)...

Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ cũng không hề kém cạnh với thế hệ hậu bối gồm: NSND Thanh Tòng, NSƯT Trường Sơn, Xuân Yến, Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga, Lê Nguyễn Trường Giang...

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Nghệ sĩ Hà Linh, con trai cố NSƯT Thanh Nga

Video clip Hà Linh hát Mưa rừng - ca khúc gắn liền với nghệ sĩ Thanh Nga:

 

Bình Tinh, nữ nghệ sĩ cải lương thuộc thế hệ trẻ là cái tên nối nghiệp, giữ lửa nghề cho đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Mẹ của Bình Tinh là soạn giả Bạch Mai - tác giả nhiều vở tuồng cải lương nổi tiếng. Ca sĩ Hồng Phượng là người tiếp nối sự nghiệp nghệ thuật của mẹ - nghệ sĩ cải lương Hồng Nhung và cậu ruột - nghệ sĩ Vũ Linh. Lê Lộc - nữ diễn viên trẻ được chú ý trong khoảng một năm trở lại đây là một trong hai người con theo đuổi nghệ thuật của nghệ sĩ hài Duy Phương và Lê Giang.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Bình Tinh - hậu duệ của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long

Bên cạnh những nghệ sĩ danh tiếng đã được khán giả biết đến, vài năm trở lại đây, thông qua một số chương trình truyền hình, nhiều con em của các nghệ sĩ lớn cũng có cơ hội đến với khán giả. Họ nối nghiệp cha, mẹ, nhưng chưa có cơ duyên tỏa sáng. Một vài cái tên có thể kể đến như: Tống Hạo Nhiên (con trai nghệ sĩ Kim Phương), Châu Ngọc Tiên (con gái nghệ sĩ cải lương Châu Thanh), Hoài Anh Kiệt (con trai nghệ sĩ cải lương Hoài Thanh)....

Áp lực hậu bối

Xuất thân từ các gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, các nghệ sĩ luôn được xem là có lợi thế về nền tảng căn bản khi sớm tiếp xúc với nghệ thuật. Bên cạnh đó, uy danh  của các gia tộc cũng là chìa khóa mở cho họ nhiều cơ hội. Tuy nhiên, ngoài những ưu thế ấy, lứa hậu bối của những nghệ sĩ lớn cũng gánh chịu không ít áp lực vô hình.

Người đi sau luôn phải đối diện với danh tiếng, thành quả của người đi trước mà thường họ khó lòng vượt qua, thậm chí khó có thể sánh bằng. Trong 100 năm lịch sử cải lương, theo nhận xét của NSND Bạch Tuyết, chỉ có nữ nghệ sĩ Thanh Nga là người hội tụ đủ các yếu tố về thanh, sắc. Hàng loạt vở tuồng của Thanh Nga đã đi vào lịch sử như: Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu... và hầu như không có  phiên bản nào vượt qua.

Trong khi đó, Bảo Quốc là một cây hài đình đám trong làng hài kịch Việt Nam. NSND Thanh Tòng cũng sở hữu nhiều vai diễn để đời trong các vở cải lương tuồng cổ. Sự nghiệp cùng tầm ảnh hưởng của họ vô tình trở thành chướng ngại vật mà người đi sau khó thể vượt qua, bởi năng lực và duyên nghề không phải là miếng bánh chia đều.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Khán giả vẫn xem Gia Bảo như cái bóng của nghệ sĩ Bảo Quốc

Gia Bảo, Hà Linh... đều có cơ hội xuất hiện trên sân khấu từ rất sớm, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của nghệ sĩ Bảo Quốc. Trong mùa Sao nối ngôi 2017, Gia Bảo liên tục sử dụng các tác phẩm của ông nội để thể hiện. Đến nay, công chúng vẫn gọi Gia Bảo với danh xưng cháu nội nghệ sĩ Bảo Quốc hay Hà Linh là con trai Thanh Nga.

Hồng Loan - con gái của nghệ sĩ Bảo Quốc - cũng bị nhận xét tương đồng với cố nghệ sĩ Thanh Nga, từ ngoại hình đến cách hát. “Từng có thời điểm tôi tệ quá, nên cứ ai hỏi có phải con của cô Thanh Nga không, tôi đều chối cả. Tôi sợ khi nhìn tôi như thế, họ lại tự hỏi sao con của Thanh Nga lại tệ đến thế” - Hà Linh bộc bạch.

Tống Hạo Nhiên, Châu Ngọc Tiên, Hoài Anh Kiệt... hay một vài cái tên hậu bối khác của các gia đình nghệ thuật lại bị nhận xét chỉ có năng lực ở mức trung bình nên việc không sánh bằng người đi trước là thực tế hiển nhiên. Nỗ lực khẳng định bản thân của họ lại càng khó khăn, mờ mịt.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Châu Ngọc Tiên (thứ hai từ trái sang) là con gái của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh. Dù xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, nữ ca sĩ bị nhận xét có chất giọng quá yếu.

Cũng có những gương mặt hậu bối đủ tài năng, nhưng lại thiếu duyên để tỏa sáng. “Tôi tin ngôi sao do ông trời đặt. Có những người rất giỏi nhưng cả đời không thành sao được, có những người vừa bước vào nghề đã thành sao. Số phận sắp đặt, nhưng mình cứ cố gắng làm nghề, để không tiếc nuối chi” - Gia Bảo chia sẻ.

Với những gia đình, gia tộc cải lương, những năm về sau, thế hệ hậu bối càng ít cơ hội để phát huy tài năng khi sân khấu ngày càng xuống dốc. Điển hình là trường hợp của Lê Nguyễn Trường Giang - hậu duệ của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Khi có cơ hội xuất hiện trên sóng truyền hình, anh mới được khán giả biết đến nhiều hơn, dù có năng lực thực sự. “Nếu sinh ra sớm hơn một chút, khi nghệ thuật cải lương còn hưng thịnh, có lẽ tôi đã bớt áp lực hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp” - Trường Giang nói.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Sau nhiều năm theo nghề, Lê Nguyễn Trường Giang mới được khán giả biết đến rộng rãi khi đăng quang Sao nối ngôi mùa thứ hai

Dù là một khối, một thể thống nhất trong một gia tộc, một số nghệ sĩ thừa nhận, giữa các thành viên trong gia tộc cũng có sự cạnh tranh. Ai cũng muốn con cái giỏi giang để mở mày mở mặt với anh, chị, họ hàng, nên áp lực đổ dồn lên vai con trẻ. May mắn là, nhờ liên kết gia đình, sự cạnh tranh của họ đều diễn ra công bằng, có sự hỗ trợ lẫn nhau, không như những hơn thua ngoài thị trường.

Một nghệ sĩ bình thường, chỉ cần cố gắng và thể hiện tròn vai đã có thể được công nhận. Nhưng một nghệ sĩ "con nhà nòi" phải cố gắng gấp đôi, gấp ba mới mong được đón nhận, bởi khán giả hoàn toàn có lý do để cho rằng nếu nghệ sĩ đó diễn hay là do có nền tảng sẵn, là chuyện hiển nhiên. Còn khi diễn không tốt, không đạt, họ sẽ lập tức bị chỉ trích. Việc diễn không tròn vai, ảnh hưởng đến danh tiếng của cha mẹ, gia đình chính là nỗi ám ảnh thường xuyên đối với nhiều nghệ sĩ.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Dù gặp vấn đề về sức khỏe, NSƯT Tú Sương vẫn cố gắng hỗ trợ cho Lê Nguyễn Trường Giang ở một tập của Sao nối ngôi 2017. Hai chị em là thế hệ nối tiếp của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, cùng với Quế Trân, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo...

“Khán giả có thể chê bai, chỉ trích cá nhân chúng tôi. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi xuất thân từ những gia đình lớn thì những lời chỉ trích lại kéo theo cả gia tộc, người lớn - điều chúng tôi không hề mong muốn” - Lê Nguyễn Trường Giang thẳng thắn chia sẻ.

Còn nhớ vụ ồn ào Gia Bảo "cầm nhầm" kịch bản của NSƯT Thành Lộc để tham gia chương trình Sao nối ngôi năm 2017, ngoài bản thân nam diễn viên, tên của nghệ sĩ Bảo Quốc cũng được nhắc đến. Rõ ràng, bước ra từ một gia đình lớn, những scandal, ồn ào sẽ không dừng lại trong phạm vi cá nhân mà có thể lan rộng đến khó kiểm soát.

Có nền tảng tốt cùng sự nâng đỡ từ gia đình, nhưng những vì sao nối ngôi lại khó có cơ hội làm mới chính mình. Họ chịu áp lực nặng khi muốn phá cách, làm mới vai diễn hoặc muốn làm một điều gì đó khác biệt. Không ít trường hợp, chỉ khi gia đình nói được thì mới được làm, còn không sẽ phải dừng lại.

Ap luc vo hinh trong cac gia toc nghe thuat
Xuất thân trong những gia tộc có truyền thống nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ cũng gặp áp lực, khó khăn trong việc làm mới chính mình.

Áp lực giữ nghề, giữ thương hiệu cho gia tộc cũng khiến các nghệ sĩ trẻ đau đầu. Thời gian trôi, số lượng sân khấu không còn nhiều, họ phải chuyển sang đóng kịch, đóng phim... để vẫn được hoạt động nghệ thuật. Bình Tinh, Lê Nguyễn Trường Giang... đều cố gắng duy trì những suất diễn cải lương định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt để khán giả còn biết, còn nhắc đến gia đình.

Đi kèm lợi thế, danh tiếng luôn là những thách thức, trách nhiệm. Con nhà nòi có thể được dọn đường, chỉ lối sẵn, nhưng đường lập thân, lập nghiệp phải là nỗ lực của mỗi người, dưới những áp lực không hề nhỏ của gia tộc.

Thụy Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI