Áo dài cách tân qua các thời kỳ trên sân khấu

05/02/2017 - 12:14

PNO - Giữa làn sóng tranh cãi "áo dài - váy đụp", tối 4/1, rất nhiều người đã đến với Bảo tàng áo dài để chiêm ngưỡng quá trình cách tân áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, được trình diễn sống động trên sân khấu.

Tại đây, khán giả chứng kiến hàng loạt áo dài quen thuộc, từ chiếc áo tứ thân, áo dài Hippy tân thời, áo dài cổ thuyền, áo tay raglan, áo dài midi, áo dài thổ cẩm, áo dài vẽ của các nhà thiết kế nổi tiếng theo từng thời kỳ như: họa sĩ Nguyễn Cát Tường, Thái Thúc Nha, Đỗ Thành, Sĩ Hoàng, Minh Hạnh... những người đã làm nên những chiếc áo dài có sức ảnh hưởng trong các thời kỳ.

Cho đến nay áo dài đã trở thành một biểu tượng khi nhắc đến Việt Nam. Áo dài có sức hút bởi chính sự linh hoạt, cũng như sự thể hiện tính cách của người phụ nữ đẹp một cách kín đáo, tế nhị, dịu dàng ý tứ đạo đức bên trong. Có lẽ vì thế Áo Dài là một trong số ít những trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của một thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc.

Với mục đích, định hướng lại thế nào là một chiếc áo dài đích thực, ban tổ chức đã khá công phu sắp xếp các tiết mục trình diễn, các khán giả được quyền phản biện các ý kiến để đưa chiếc áo dài trở về với đúng bản sắc văn hóa Việt, mang hơi thở hoà nhập với thời đại mới ngày nay.

Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Áo dài tứ thân, có từ thế kỷ XVII, khoảng năm 1645. Thời này do khổ vải dệt chỉ từ 35 - 40 cm, nên thân áo trước là hai tà tách riêng, thân áo sau được khâu ghép lại thành một đường dài gọi là sống áo nên gọi là áo tứ thân. Áo tứ thân được may màu vải nâu, không có khuy cài, thả dài xuống hoặc được cột gọn khi làm việc đồng áng, buôn bán. Bên trong mặc chiếc yếm có màu đậm dành cho phụ nữ đứng tuổi hay màu trắng, màu thắm đỏ hoa đào dành cho các cô gái trẻ. Ngoài yếm là chiếc áo cánh ngắn màu trắng. Dải lụa dài màu xanh thắt  giữa áo cánh với cạp váy đen.
Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Sau Áo dài Tứ thân, áo dài 5 thân xuất hiện với hai khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. 
Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Một mẫu khác của áo dài 5 thân. Áo dài 5 thân này xuất hiện năm 1884. Áo luôn có 5 cúc (khuy) cài áo thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Có hai loại là áo năm thân tay hẹp và áo năm thân tay rộng. Đây là mẫu áo dài được vua Bảo Đại và Hoàng hậu yêu thích mỗi khi ra ngoài cung.
Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau

Áo dài cổ cao. Thập kỷ 1950 – 1960 áo nịt ngực ngày càng phổ biến nên áo dài được may chít eo, ôm sát vào người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, nhất là ở phần mông.Cổ áo rất cao, trong khi gấu áo cắt thẳng ngang và dài gần đến mắt cá chân. Kiểu áo dài này tôn lên rất nhiều vẻ đẹp hình thể và dáng vóc của người mặc.

Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Kiểu áo dài cổ thuyền độc đáo từ 1958 đã gây chấn động trong thế giới thời trang quý bà, vẫn phổ biến đến ngày nay. Bởi khi mặc chiếc áo dài kiểu này, thì cảm nhận ngay sự tôn lên phần thân trên của cổ và bờ vai đẹp của người phụ nữ, hợp lý với thời tiết nhiệt đới của miền Nam Việt Nam.
Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau

Áo dài Hippy. Vào cuối những năm 1960, ảnh hưởng bởi trào lưu văn hóa và thời trang Hippies bắt nguồn từ Mỹ, thể hiện cho triết lý sống “ Live fast, die young ”- Sống hết mình. Áo Dài Hippy (Mini) đã xuất hiện và ngay lập tức trở thành mốt thời thượng với chất liệu nhẹ nhàng, sắc màu sặc sỡ của các họa tiết cỏ cây, hoa lá, hình kỷ hà. Vạt áo may hẹp và ngắn đến đầu gối, thân áo rộng lượn theo dáng người và không chiết eo, cổ áo thấp, quần được may rất dài với ống rộng đến 60 cm, hoặc mặc với quần tây. Kiểu áo dài này thịnh hành mãi đến thập niên 1980.

Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Áo dài vẽ, NTK Sĩ Hoàng, năm 1989. Là họa sĩ và giảng viên Mỹ thuật, khi làm công việc thiết kế thời trang Sĩ Hoàng đã đưa ngôn ngữ hội họa vào trang phục áo dài truyền thống. Mở đầu cho một trào lưu áo dài được vẽ bằng tay trên vải với những trang trí hình hoa lá, lập thể, hoa văn cổ, phong cảnh…
Ao dai cach tan qua cac thoi ky tren san khau
Nghệ thuật vẽ áo dài thổi hồn trên từng tà áo. Do đó, nó trở thành tác phẩm nghệ thuật sinh động được sáng tạo riêng để tôn thêm vẻ đẹp của từng người mặc. Đó là một công việc đòi hỏi tính cảm xúc của người vẽ, sự khéo tay tỉ mỉ, kỹ thuật chất liệu với những loại màu vẽ, những hiệu ứng khác nhau trên từng chất liệu vải để cho ra đời những mẫu áo dài mang dấu ấn hòa quyện giữa người sáng tạo với phong cách người mặc.

Lữ Đắc Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI