6 ca khúc từ những vụ án mạng có thật

11/08/2017 - 12:28

PNO - Có một sự thật thú vị một cách rùng rợn, là các vụ giết người chấn động còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm âm nhạc từ vài thế kỷ trước, phát triển thành những bản hit gây tranh cãi trong thời hiện đại.

Đôi khi, các nhạc sĩ chọn cách này để tạo gây sốc, tạo tiếng vang. Nhưng trong một số trường hợp, họ chỉ cố gắng đào sâu vào tâm lý con người, hoặc với mục đích tưởng niệm những nạn nhân xấu số, hoặc để phản đối những họ cho là bất công. 6 ca khúc nổi tiếng dưới đây là 6 điển hình thú vị cho phong cách sáng tác này.

Murder in the Red Barn – Tom Waits

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
Cap Tom Waits – tác giả của ca khúc Murder in the Red Barn

Năm 1827, một phụ nữ ở Suffolk có tên Maria Marten đã bỏ trốn theo người tình William Corder – tay lừa đảo Corder khét tiếng. Tuy nhiên, tay này đã bắn chết cô tại một nơi mà người bản địa gọi là Red Barn. Sau đó, khi nhiều người thắc mắc khi không thấy Marten đi cùng Corder, tên này đã nói rằng “vợ” hắn có lẽ đang ở Ipswich hoặc Great Yarmouth, và cuối cùng giả vờ như cô vẫn còn sống bằng một loạt thư gửi về cho gia đình cô. Chỉ đến khi mẹ kế của Marten bỗng dưng có những giấc mơ kì lạ về cái chết của cô, người ta mới bắt đầu tìm kiếm và phát hiện thi thể của cô gái xấu số bị chôn vùi ở Red Barn.

Phiên tòa xử Corder đã khiến dư luận một phen sửng sốt và nó trở thành nguồn cảm hứng cho khá nhiều vở kịch đương thời, một bộ phim kinh dị bán chạy và ít nhất là 5 bản ballad. Năm 1992, nhà soạn nhạc người Mỹ Tom Waits đã đưa vụ án này về một bối cảnh khác – chính là vùng sâu Nam Mỹ và cho ra đời một bản ballad hiện đại mang tên Murder in the Red Barn, nằm trong album Bone Machine của ông.

Các ca khúc về The “Preppy Killer”

Năm 1986, thi thể của thiếu nữ 18 tuổi có tên Jennifer Levin được tìm thấy ở Central Park (New York). Cùng ngày, Robert Chambers - một người đương thời đã uống rượu cùng cô gái này tại một quán bar tên Upper East Side – lập tức bị bắt vì tội giết người.

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
Ban nhạc The Killers

Các tờ báo lá cải thi nhau đưa ra các giả thiết về một chuyện tình dục của vị thành niên hay hậu quả khôn lường khi các cậu ấm cô chiêu say xỉn. Trong một số trường hợp, Chambers được cho là vô tội mặc cho quá khứ đầy tiền sự về trộm cắp, gian lận thẻ tín dụng của tên này. Bên cạnh đó, luật sư biện hộ của hắn đã cố gắng đẩy hết tội về phía nạn nhân Levin vì hành vi tự hủy hoại bản thân và dối trá. Chambers bị kết án 15 năm tù giam và được phóng thích vào năm 2003. Chưa đến một năm sau đó, hắn tiếp tục hầu tòa do bị buộc tội liên quan đến ma túy.

Với một cái tên như The Killers, không quá ngạc nhiên khi ban nhạc Las Vegas này luôn tìm thấy sự hấp dẫn từ những tác phẩm dựa trên chủ đề tội phạm. Hai ca khúc trong album Hot Fuss (2004) – Jenny Was a Friend of Mine (tạm dịch: Jenny là bạn tôi) và Midnight Show (tạm dịch: Buổi diễn lúc nửa đêm), cùng với Leave the Bourbon on the Shelf (tạm dịch: Đặt chai rượu Bourbon lên kệ) ra mắt công chúng trong album Sawdust vào năm 2007 đã tạo thành cái mà ban nhạc này gọi là “bộ ba ca khúc chết người” về “Preppy Killing”.

Nhạc sĩ của Killers – Brandon Flowers – chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Morrissey – người đã viết nên ca khúc Suffer Little Children về vụ sát nhân nhà Moors. Và “Preppy Killing” không phải là vụ án mạng duy nhất đã mang đến nguồn cảm hứng cho ban nhạc này. Được biết, khi đang biểu diễn tại Glasgow, Flowers đã đọc được bài báo về Jodi Jones – một thiếu nữ bị chính bạn trai mình hạ sát vào năm 2003. Sau đó, ông viết nên ca khúc Where Is She nhưng lại không thu âm sau khi những tranh cãi về nó nổ ra.

Angle Down – Lady Gaga

Vụ nam sinh người Mỹ gốc Phi Trayvon Martin (17 tuổi) bị bắn chết ngay tại trường trung học ở Florida bởi một người bảo vệ khu phố có tên George Zimmerman đã trở thành tin tức gây chấn động toàn cầu vào năm 2012. Theo BBC News, “Zimmerman đã ngồi trong xe quan sát đường phố và trông thấy Martin. Cảm thấy nghi ngờ về cậu học sinh, anh ta gọi điện cho các nhà chức trách, sau đó lái xe đuổi theo Martin”.

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
Ca khúc Angle Down của nữ ca sĩ quái dị Lady Gaga trong album Joanne phát hành hồi năm 2016 cũng là một điển hình

Zimmerman phủ nhận chủ đích bắn Martin, theo BBC News đưa tin, rằng “cậu thiếu niên trở nên hung dữ và đe dọa hắn, buộc anh ta phải giành lấy khẩu súng và bắn tự vệ”. Đến năm 2013, Zimmerman được trắng án do bắn người vì mục đích tự vệ.

Bên cạnh làn sóng phản đối gay gắt rộ lên khắp nước Mỹ cùng lời bình luận từ Tổng thống Barack Obama, cái chết của Martin trở thành nguồn cảm hứng cho một số bản nhạc. Với nhiều mức độ khác nhau, vụ án của Martin là chất liệu cho các nghệ sĩ như Kendrick Lamar, Chaka Khan (Super Life) và rapper Plies, người đã viết nên ca khúc với tuyên bố vững chắc rằng cậu thiếu niên 17 tuổi sẽ mãi sống trong lòng mọi người.

“Nữ hoàng quái chiêu” Lady Gaga cũng không đứng ngoài cuộc khi bắt tay viết ca khúc Angel Down nằm trong album Joanne. Lời bài hát như một lời cáo buộc về sự bất công cũng như những gì cô coi là sự suy đồi đạo đức của loài người. “Thiên thần đã ngã xuống, đã ngã xuống, nhưng loài người chỉ đứng vây quanh”. Trong cuộc phỏng vấn với Beats 1 về cái mà Lady Gaga từng gọi là “đại dịch của những người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi đang bị sát hại ở đất nước này”, nữ ca sĩ trả lời: “Vì sao tôi không được phép nói lên điều gì đó? Làm sao tôi có thể cho ra  mắt một album chỉ về việc tôi ngoáy mông trong hộp đêm?”.

Hurricane – Bob Dylan

Năm 1966, hai người đàn ông và một phụ nữ người da trắng bị bắn chết trong một quán bar ở New Jersey. Theo lời khai của các nhân chứng, thủ phạm chính là hai người đàn ông da đen và bỏ chạy bằng một chiếc ô tô được mô tả giống hệt như chiếc xe của võ sĩ quyền Anh Rubin “Hurricane” Carter.

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
 

Qua điều tra, phía cảnh sát phát hiện người này đang sở hữu một khẩu súng sử dụng cùng một loại đầu đạn thu được tại hiện trường. Carter cùng đồng phạm John Artis đã bị buộc tội giết người. Mặc dù các nạn nhân còn sống sót của vụ tấn công không khẳng định hai người này là thủ phạm nhưng Carter và Artis vẫn bị kết án giết người một năm sau đó.

Đến năm 1975, Carter gửi cho Bob Dylan một bản sao của cuốn tự truyện. Sau đó, cả hai đã có một cuộc gặp gỡ trong tù. Tin rằng Carter vô tội, Dylan đã dựa trên chất liệu của vụ xả súng nọ để viết nên ca khúc Hurricane cùng Jacques Levy. Tác phẩm nói lên sự bất công mà một người có thể đã là “nhà vô địch thế giới” phải hứng chịu, với “những quân bài đã bị đánh dấu trước” bởi một “bồi thẩm đoàn toàn những kẻ da trắng”. Lời bài hát khiến người ta không khỏi hoài nghi về mức độ tin cậy trong lời khai của các nhân chứng, khiến các luật sư sợ bị buộc tội phỉ báng. Vì lẽ đó, họ yêu cầu Dylan phải viết lại ca khúc.

Không chỉ biểu diễn tại nhà tù nơi giam giữ Carter, Dylan còn trình diễn ca khúc này tại hai concert khác của mình để gây quỹ cho cuộc bào chữa diễn ra vào năm 1976. Carter vẫn thua, nhưng vào năm 1985, công lý được lập lại khi H. Lee Sarokin đã tuyên bố mức án phạt đã được đưa ra “dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hơn là lý trí”.

Polly - Gerald Friend

Vào năm 1987, trên đường đến một buổi trình diễn nhạc rock, một thiếu nữ đã bị Gerald Friend – một kẻ từng có tiền án 20 năm tù vì tội tấn công tình dục và bắt cóc trẻ vị thành niên năm 1960 - bắt cóc ở bang Washington. Tên Friend này từng liên quan đến vụ sát nhân sông Green ở Washington, nhưng đã được  xác minh vô tội khi kết quả DNA xác định thủ phạm chính là Gary Ridgway – kẻ được coi là sát nhân hàng loạt kinh khủng nhất mọi thời đại tại Mỹ.

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
 

Kurt Cobain – một thành viên của ban nhạc Nirvana vô tình đọc được bài viết về vụ án. Từ đó, ông đã viết nên ca khúc Polly, được phát hành trong album Nevermind vào năm 1991. Toàn bộ phần lời là tiếng nói của kẻ bắt cóc, và chi tiết các sự cố trong tiếng nói của kẻ bắt cóc. Giai điệu vừa thư thả vừa ngọt ngào như dụ dỗ trẻ nhỏ một cách đáng sợ trong câu hát “Polly muốn một chiếc bánh quy giòn” như tái hiện lại cảnh nạn nhân dần mất máu và bị giam cầm cho đến khi cô gái may mắn trốn thoát.

Graffiti Limbo – Michelle Shocked

Năm 1983, nghệ sĩ graffiti người Mỹ gốc Phi kiêm người mẫu Michael Stewart đã bị bắt vì vẽ lên tường ga tàu điện ngầm New York. Ông đã tử vong sau 13 ngày bị cảnh sát bắt giữ. Trưởng phòng pháp y của thành phố đã xác định nguyên nhân tử vong là do suy tim, nhưng sau đó đã thay đổi, cho rằng nguyên nhân là do chấn thương tủy sống, mặc dù kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Stewart là nạn nhân của một vụ bạo hành.

Các sĩ quan có mặt trong quá trình bắt giữ và giam giữ Stewart bị buộc tội vô ý giết người và khai man, nhưng lại được xử trắng án. Thêm vào yếu tố bồi thẩm đoàn toàn người da trắng, nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả vụ án diễn ra trên khắp New York.

6 ca khuc tu nhung vu an mang co that
 

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Michelle Shocked đã viết ca khúc Graffiti Limbo về vụ của Stewart vào năm 1988 để tỏ rõ thái độ của mình. Phần điệp khúc “Graffiti limbo/Anh đi đâu đấy?/Graffiti limbo/Khi chẳng có công lý” khiến nhiều người liên tưởng ngay đến người nghệ sĩ xấu số. Trong một phiên bản live, còn có một câu hát: “Vì thế khi tôi nói với bạn rằng viên cảnh sát đã đánh mất đôi mắt Michael Stewart/Bạn có hiểu được ý của tôi khi tôi nói rằng công lý là mù quáng”.

Ryan Lưu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI