2 ca khúc giúp Lam Phương kiếm nửa triệu đô, mua xe sang, biệt thự

30/11/2019 - 07:41

PNO - Trong cuốn sách mới nhất về nhạc sĩ Lam Phương, dựa trên tư liệu của gia đình ông, tác giả cho biết Lam Phương từng đi mượn nợ để ra mắt ca khúc nhưng không lâu sau, ông giàu lên nhanh chóng.

Nhạc sĩ Lam Phương (tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937) là anh cả trong gia đình có 6 anh em. Thời điểm các em cùng đến trường, mẹ của Lam Phương – người phụ nữ bất hạnh khi không giữ được chồng, tất cả xuôi ngược để lo cho các con.

Chính cái nghèo đã đưa đẩy Lam Phương bỏ quê nhà Rạch Giá lên Sài Gòn năm 10 tuổi. Sau khi được người bác cho đi học nhạc, đến năm 15 tuổi, Lam Phương ra mắt ca khúc đầu tiên, nhưng khởi đầu nào cũng gian nan.

“Năm 1952, khi mới 15 tuổi, Lam Phương công bố bản nhạc đầu tay của mình đến với người yêu nhạc Sài Gòn. Lúc này, cái tên Lam Phương ký trên tờ nhạc của bản Chiều thu ấy hãy còn mới toanh. Vạn sự khởi đầu nan khi chàng nhạc sĩ tuổi thiếu niên phải đi vay tiền công bố ca khúc”, những dòng viết về nhạc sĩ Lam Phương trong cuốn Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương của tác giả Nguyễn Thanh Nhã.

2 ca khuc giup Lam Phuong kiem nua trieu do, mua xe sang, biet thu
Ca khúc Kiếp nghèo là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương

Khoản nợ ban đầu được tiết lộ là 200 đồng. Mặc dù nợ nần nhưng Lam Phương không dừng lại, ông tiếp tục sáng tác, tiếp tục mượn nợ, con số mượn nợ lên đến 600 đồng. Khúc ca ngày mùa, ra mắt năm 1954, đã đưa tên tuổi Lam Phương từ bóng tối ra khung trời rực rỡ. Nhưng cho tới khi ca khúc Kiếp nghèo xuất hiện, nhạc sĩ Lam Phương mới... thoát nghèo.

“Với bài Kiếp nghèo, Lam Phương tâm sự đã mua được căn nhà khang trang cho má mình ở cư xá Lữ Gia. Gia đình nhạc sĩ tiết lộ giá trị ngôi nhà thời điểm đó là 40 cây vàng. Năm 1960, ca sĩ Phương Dung đi hát ở mỗi phòng trà được cát-sê là 35.000 đồng/tháng, trong khi vàng chưa tới 30.000 đồng/cây. Trong khi đó, với Kiếp nghèo, Lam Phương thu tiền bán bản quyền lên tới 1.200.000 đồng để mua nhà cho má và các em”, thu nhập khủng của nhạc sĩ Lam Phương được kể lại.

Trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, có tới 217 ca khúc ra đời và nhiều bài trong số đó nằm lòng với khán giả. Nhưng sau Kiếp nghèo, chỉ có một ca khúc khác thay đổi cuộc đời của nhạc sĩ Lam Phương mà ông hay nhắc tới, đó là Thành phố buồn.

Câu chuyện gắn với Thành phố buồn ngoài cảm xúc, nội dung và sức lan toả giúp tên tuổi Lam Phương ngày càng nổi hơn, số tiền “khủng” từ bản quyền ca khúc, cho nam nhạc sĩ sống đời vương giả, cũng được bàn luận nhiều.

2 ca khuc giup Lam Phuong kiem nua trieu do, mua xe sang, biet thu
Nhạc sĩ Lam Phương kể về những ngày đầu khó khăn khi bắt đầu nghiệp sáng tác

Trong cuốn sách Đà Lạt, một thời hương xa của Nguyễn Vĩnh Nguyên, được trích lại trong Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương, có viết về Thành phố buồn: "... số lượng xuất bản rất cao và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí Sài Gòn đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền" (tương đương 432.000 USD).

Để dễ hình dung, một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng. Bản quyền ca khúc có thể giúp Lam Phương mua tới hơn 18 chiếc xe hơi. 

2 ca khuc giup Lam Phuong kiem nua trieu do, mua xe sang, biet thu
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh chụp cùng nhạc sĩ Lam Phương trong dịp nữ ca sĩ sang Mỹ

Năm 1971, vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 mét vuông, ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10, Sài Gòn. Ngôi nhà này hiện vẫn còn là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ Lam Phương.

Thành phố buồn giúp thay đổi cuộc sống của Lam Phương và những người thân trong gia đình ông. Từ giàu có nhờ tiền tác quyền các sáng tác, ông định danh với những chương trình âm nhạc vàng son một thuở nhờ các ca khúc được đông đảo khán giả yêu thích.

Thành phố buồn không chỉ xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh hay trên tờ nhạc mà trở thành bài hát quen thuộc của Ban Kịch Sống (ban kịch do nghệ sĩ kịch nghệ Tuý Hồng – vợ cả của nhạc sĩ Lam Phương thành lập, cùng với Ban Thẩm Thuý Hằng, Ban Kim Cương trở thành 3 ban thoại kịch lừng danh nhất Sài Gòn bấy giờ). Ký ức của người Sài Gòn xưa đi coi kịch của Ban Kịch Sống vẫn còn lưu giữ kỷ niệm đặc biệt với Thành phố buồn.  

“Tôi viết Kiếp nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bài Kiếp nghèo bằng những dòng nước mắt... Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng thanh bình lần đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường học.

Nhà tôi ở Đa Kao. Thường muốn về Đa Kao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào... Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm “thú đau thương”.

Lúc đó, tôi thấy thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.

Nhạc sĩ Lam Phương nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Kiếp nghèo

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI