100 năm cải lương - Chuyện những người thừa kế - Bài 2: Nốt trầm Thoại Miêu

12/09/2018 - 06:24

PNO - Nghiêm trang, chỉn chu, chừng mực, ngay cả một dáng ngồi để… phụ diễn, ở người nghệ sĩ đã kinh qua gần 50 năm sống chết cho nghề, Thoại Miêu vẫn giữ gìn, tươm tất...

Thật tình, tôi không thích lắm cách đặt để số đếm, nào là đào nhất, đào nhì, đào ba, với nghệ sĩ Thoại Miêu. Giữa bản tổng phổ cải lương, cái thanh âm đồng pha thổ ấy, cái sắc vóc dung dị, mực thước ấy, cái biểu đạt đầy sức mạnh nội tâm ấy là một nốt trầm chất chứa trọn vẹn linh hồn của âm nhạc ngũ cung.

Hơn thế, trên nền tảng của nghệ thuật ước lệ sân khấu phương Đông mà cô sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Hoa (tên thật của NSƯT Thoại Miêu) đã lĩnh hội căn bản, đầy đủ tại Khoa diễn viên cải lương của Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, nghệ thuật biểu diễn và khắc họa tâm lý, tính cách, số phận nhân vật của sân khấu phương Tây đã được người nghệ sĩ này khai thác, xử lý tinh tế, chỉn chu, thấu đáo.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 2: Not tram Thoai Mieu
NSƯT Thoại Miêu - Ảnh: Thảo Vân

Lê Duy Hạnh là một người tinh tường. Với “sóng thần” Bạch Tuyết, ông tuyệt đối hóa phẩm cách dấn thân, quyết đoán, tận cùng của Lý Chiêu Hoàng (Độc thoại đêm), Dương Vân Nga (Hoàng hậu của hai vua), An Tư (Trần Nhân Tông). Với nốt trầm Thoại Miêu, ông lưỡng phân tâm thế cho Ngọc Hà (Tâm sự Ngọc Hân), cho Sáu Bình (Cội nguồn), để với không gian trong ngoài, rộng hẹp, tiến thoái; thời gian sáng tối, hôm qua - ngày mai, nghệ sĩ khai phá sức sáng tạo biểu cảm.

Tâm sự Ngọc Hân, nhân vật trung tâm là công chúa Ngọc Hân (NSƯT Mỹ Châu) nhưng không phải là vai diễn trọng tâm mà là một sự đối xứng với vai diễn của Thoại Miêu - Ngọc Hà. Bi kịch của một công chúa nhà Lê cự tuyệt chính nhà Lê bởi sự đớn hèn, tham vọng cấu kết với ngoại bang, của một nàng dâu Tây Sơn lại bị chính nhà Tây Sơn nghi ngờ - là Ngọc Hân.

Nghệ sĩ Thoại Miêu, vở Tâm sự Ngọc Hân

Và ẩn sâu hơn, thảm kịch của công nương Ngọc Hà vẫy vùng giữa lòng hiếu đễ với cha (đại quan Lê Quý - Hoàng Giang) - vì phò Lê mà chậm nhận ra chính nghĩa Tây Sơn; tình cảm sâu nặng với người yêu (võ tướng Trần Chu - Quốc Hùng) - nghĩa khí, một lòng với chủ tướng Nguyễn Huệ; sự trung thành, ân nghĩa và cả những sợ hãi cho công chúa Ngọc Hân trong cuộc cờ thế sự.

Thoại Miêu đã chủ động (lùi lại, ẩn mình) trong sự thụ động (của nhân vật) khi đứng cạnh Mỹ Châu. Nhưng khi đối diện chính mình, Ngọc Hà đã được Thoại Miêu cởi bỏ lớp vỏ thụ động ấy, chính điều này càng tăng độ giằng xé cho nhân vật, thể hiện sự tôn trọng bạn diễn và là bản lĩnh sáng tạo của Thoại Miêu.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 2: Not tram Thoai Mieu
Công nương Ngọc Hà trong Tâm sự Ngọc Hân là một dấu ấn đẹp, khác biệt của NSƯT Thoại Miêu (bên trái) (Ảnh chụp lại từ video)

Cả về sắc vóc lẫn chất giọng, Mỹ Châu - Thoại Miêu khá tương đồng. Nhưng ở Thoại Miêu, chất đồng trong hơn nên độ cao cũng thanh hơn và nồng ấm hơn. Chính sự khác biệt này mà phải đến hơn 20 năm sau, khi vào vai Sáu Bình - vai diễn Lê Duy Hạnh viết riêng cho Thoại Miêu (hay Thoại Miêu là tác nhân cho cảm hứng sáng tác của tác giả nghiêm cẩn và… khó tính này), đã ấn chứng cho một vị thế không ai thay thế - của Thoại Miêu, là Thoại Miêu.

Một người đàn bà miền Trung, chứng kiến cảnh thảm sát dân làng mình - Bình An, Tây Sơn, Bình Định từ hơn 40 năm trước; cũng là người mẹ gặp lại con mình - qua những ân oán xưa nay để dằn vặt, đớn đau giữa mất và còn, chung lẫn riêng, oán trách hay tha thứ. Suốt cả vở diễn, tôi không một lần nhìn thấy ánh mắt ngước lên, chỉ có cái lặng lẽ cúi nhìn, thâm trầm tìm kiếm, xung quanh mình rồi trong chính ký ức tang thương của mình.

Vai Sáu Bình trong vở Cội nguồn đã được viết riêng cho nghệ sĩ Thoại Miêu

Dồn nén, câm lặng cho đến thời khắc, Sáu Bình ngửa mặt lên trời, đôi tay già nua nửa chắp lạy những linh hồn oan khuất, nửa dang ra mà đón nhận lời sám hối của kẻ đã gây nên tội lỗi: “Hỡi dân làng trong đêm thảm sát, còn lại trong đời chỉ có mình tôi. Tôi đã thề không đội trời chung. Nhưng thời thế giờ đã khác. Những gương mặt thanh xuân không chút oán thù. Bắt chúng ngược thời gian về lại đám sương mù. Hay là đẩy chúng tới tương lai mà lòng không vướng bận. Chắp tay thành tâm tôi khấn. Đành thôi khép lại hận thù”.

Thoại Miêu không vật vã, cấu xé, dằn hắt, nhưng mỗi bước chân chậm rãi, mỗi cái khoát tay run rẩy, mỗi cái xếp vuốt tà áo dài màu nâu đất, dải khăn đen là một tiếng nói vọng lên, dẫn dắt toàn bộ diễn tiến, tạo nên sức hút của vở diễn.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 2: Not tram Thoai Mieu
Vai Sáu Bình trong Cội nguồn đã được tác giả Lê Duy Hạnh viết riêng cho NSƯT Thoại Miêu - Ảnh: Thanh Hiệp

Nếu Sáu Bình là một “đặc ân” dành riêng cho Thoại Miêu thì bà Năm (Lối về, tác giả: Tô Thiên Kiều, đạo diễn: Phạm Minh Ẩn) lại là một sự “cứu rỗi” mà người nghệ sĩ này tự nguyện đối đãi với lớp trẻ. Kịch bản thường thường, dàn dựng bậc trung, chỉ mỗi dàn diễn viên là tràn trề sinh lực nhưng lại… non nghề. Thế là Thoại Miêu một mình làm bệ đỡ. Làm trong tư thế lùi lại, lót những đường dẫn vững chãi, căn cốt cho Diễm Kiều, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi… thỏa sức bay nhảy.

Nghiêm trang, chỉn chu, chừng mực, ngay cả một dáng ngồi để… phụ diễn, ở người nghệ sĩ đã kinh qua gần 50 năm sống chết cho nghề, Thoại Miêu vẫn giữ gìn, tươm tất. Đó đâu chỉ là chuyện nghề, nó là đạo đức, là cốt cách của một người làm nghề, tự trọng và tử tế.

Cũng trong cái sáng ấy, thứ Sáu, ngày 7/9, báo chí, mạng xã hội ngập ngụa thông tin các cô á hậu, MC bị bắt vì bán dâm, quán xá chỗ nào cũng bàn tán chuyện mấy con nhỏ đẹp đẽ thế, sung sướng thế mà hư, tôi ngồi dõi theo những màn diễn khóc cười. Nơi ấy, trên kia, hình như chẳng ai xao lãng, mảy may, họ chìm đắm trong những số phận tha nhân, cất một tiếng ca, dằn vặt một trạng thái. Tất cả đều say mê, nhiệt thành.

Không dưng, tôi chát chúa cho những kẻ vay mượn tiếng tăm, bán mua thân xác mà càng dậy lên trong lòng sự kính trọng những tài năng có thật, những hy sinh có thật đang lặng thầm, bền bỉ, nhẫn nại...

“Thoại Miêu vốn ít tạo sự ồn ào, xênh xang. Cô cần mẫn, tận tụy với anh em trẻ trong đoàn. Một thủ lĩnh xông xáo lại chính là người luôn tự nguyện lùi lại phía sau, đẩy những gương mặt mới ra sàn diễn, rọi đèn cho họ và luôn kiếm tìm những chỗ đứng tiếp theo để họ được làm nghề”.

NSND Bạch Tuyết


Lê Huyền Ái Mỹ

Bài 3: Lệ Thủy - người làm nền rực rỡ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI