Ung thư - “kẻ thù” không giấu mặt

29/05/2013 - 14:35

PNO - PN - Trong gần hai giờ đã có 147 câu hỏi của bạn đọc gửi về tòa soạn Báo Phụ Nữ tham gia giao lưu trực tuyến “Gen ung thư: cách phát hiện và xử lý” tổ chức sáng 28/5. Bên cạnh yếu tố di truyền gen đột biến gây ung thư (UT) từ...

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

Khoảng 500 gen gây ung thư 

Trả lời cho câu hỏi của chị Nguyễn Thanh Nga, 37 tuổi (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) về khả năng của y học hiện đã phát hiện ra bao nhiêu gen gây UT vú?, trong đó, loại nào phổ biến và đáng sợ nhất?, bác sĩ (BS) Bùi Đắc Chí, Trưởng khoa Di truyền, Trung tâm Y khoa Medic, nguyên giảng viên Bộ môn Phôi - di truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Có khoảng 500 gen gây UT vú nói chung, trong đó có khoảng 140 gen thật sự “lèo lái” UT vì những gen này làm cho tế bào UT trở nên ưu thế hơn tế bào bình thường. Một tế bào bình thường để trở thành tế bào UT phải chịu tác động của nhiều gen đột biến, tối thiểu là 2 - 30 gen đột biến. Riêng gen gây UT vú mang tính di truyền có khoảng 15 gen, trong đó gen BRCA1, BRCA2, PTEN nguy hiểm nhất".

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

BS Bùi Đắc Chí

BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khuyến cáo: “Trong gia đình, nếu có một người phụ nữ mắc bệnh UT vú thì nguy cơ mắc bệnh UT vú của những phụ nữ còn lại (mẹ, chị, em gái) sẽ tăng lên gấp đôi. Những trường hợp UT vú có yếu tố gia đình thường liên quan tới gen BRCA1, BRCA2. Ở những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 thì có đến 85% có nguy cơ mắc bệnh UT vú ở tuổi 80 và 60% nguy cơ mắc bệnh UT buồng trứng ở tuổi 70. Ở nam giới, nếu bị đột biến gen này, cũng sẽ tăng thêm nguy cơ bị UT vú và UT tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam và ngay cả tại các nước phát triển, xét nghiệm gen BRCA1, BRCA2 không được chỉ định một cách thường quy cho tất cả những phụ nữ có yếu tố gia đình mắc UT vú. Điều quan trọng nhất đối với những phụ nữ này là phải thường xuyên tầm soát, khám định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường nếu có và xử lý kịp thời".

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

BS Đặng Huy Quốc Thịnh

Các BS cho biết, nếu phát hiện ra gen đột biến thì người bệnh nên đến các BS chuyên về UT và di truyền để được tư vấn nên mổ cắt bỏ hay theo dõi. Việc theo dõi thường quy được thực hiện qua các phương tiện tầm soát như: siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp nhũ ảnh, chụp CT bốn chiều... Tuy nhiên, có những loại UT chưa có kỹ thuật xét nghiệm gen đột biến thì phải tầm soát theo kiểu truyền thống. Ví dụ, người bệnh chỉ cần xét nghiệm máu có thể phát hiện những triệu chứng gián tiếp của UT gan như sự gia tăng của chất AFP. Chất này bình thường chỉ có trong giai đoạn phôi thai. Khi bị UT gan, các tế bào UT sẽ tiết ra rất nhiều AFP. Đối với UT đại tràng hoặc thực quản, dạ dày, việc chẩn đoán cũng đơn giản. Ngày nay, ngoài việc siêu âm, chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ thì việc nội soi thực quản, dạ dày, đại tràng cũng đủ để chẩn đoán UT ở các bộ phận này.

BS Phạm Văn Bùng, Trưởng đơn vị Ung bướu, Bệnh viện Hồng Đức III TP.HCM khuyên, với những trường hợp đã bị UT thì các BS sẽ cân nhắc chọn lựa các phương pháp như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị. Tất cả các phương pháp điều trị này đều gây xâm lấn và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Sau khi điều trị, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên, định kỳ để phát hiện việc tái phát hoặc di căn. Thông thường trong khoảng ba năm đầu, BS khuyên bệnh nhân nên đi tái khám ba tháng/lần; trong khoảng năm thứ tư đến năm thứ năm, sáu tháng/một lần. Và sau 5 năm, mỗi năm đi khám một lần. Người bệnh cần sống lạc quan, yêu đời và năng tập luyện thể dục thể thao để nâng sức đề kháng cơ thể, chống lại bệnh tật.

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

BS Phạm Văn Bùng

Lối sống công nghiệp tăng nguy cơ mắc bệnh

Nhiều câu hỏi quan tâm đến vấn đề thực phẩm bẩn gây bệnh UT. BS Đặng Huy Quốc Thịnh khuyên: “Kinh tế đang khó khăn, giới công nhân hay các bà nội trợ chỉ dám mua thực phẩm rẻ cho gia đình. Đây cũng là điều kiện để nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là thức ăn hư thối được tái chế bằng các hóa chất độc hại có dịp được tiêu thụ. Các loại thực phẩm này chắc chắn sẽ nguy hiểm tới sức khỏe và góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh UT. Ngay cả thức ăn đã được chế biến đúng cách như thức ăn dưới dạng đóng hộp lưu trữ lâu ngày cũng có thể phát sinh ra những chất độc hại như nitrosamin. Chất này đã được khẳng định là chất gây UT mạnh. Các thức ăn được lưu giữ lâu như: cá muối, dưa hành muối, cà muối… cũng đều có thể phát sinh ra chất này. Ngoài ra, thói quen thức quá khuya, ăn nhiều dầu mỡ động vật sẽ làm tăng nguy cơ của nhiều loại UT khác nhau như: UT vú, UT đại trực tràng...”.

Lối sống công nghiệp còn đẩy tỷ lệ dân số đô thị mắc bệnh UT ngày càng tăng. TS-BS Phạm Văn Bùng lý giải, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số hút thuốc lá rất cao. Điều đáng lo khi nhiều phụ nữ và trẻ em bị ngửi phải khói thuốc của người khác khiến họ có thể bị UT vùng họng, miệng, lưỡi và phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc nhiều loại UT: UT phổi, gan, dạ dày; UT hốc miệng, họng, thanh quản. Tuy nhiên, vẫn chưa có xét nghiệm gen nào có thể cho biết nguy cơ UT vòm họng. Hiện nay khoảng 20% dân số Việt Nam bị viêm gan siêu vi B, C; nếu người mắc bệnh viêm gan uống quá nhiều rượu hoặc tiêu thụ các thức ăn bị nấm mốc sẽ dễ dẫn đến UT gan.

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

Môi trường ô nhiễm (khói xe, khói thải từ nhà máy, hóa chất thải từ nhà máy ra nguồn nước...), hóa chất bảo quản thực phẩm (đồ hộp, chất ướp thực phẩm để lâu hư, chất bảo quản trái cây...), tia phóng xạ (nhà máy điện hạt nhân, tia X, tia cực tím) càng khiến nhiều người dễ mắc UT. Các BS nhấn mạnh, hiện nay, hầu hết các cơ quan, xí nghiệp đều có máy photocopy. Các hóa chất trong mực in là những yếu tố có thể gây nên một số loại UT: bọng đái, thận. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tiếp xúc với hóa chất có trong mực in liên tục hơn 5 năm thì nguy cơ mắc các loại UT trên có thể tăng 1,2-1,5 lần.

Theo các BS, để giảm bớt nguy cơ gây UT từ chế độ ăn uống, nên dùng những thực phẩm có lợi cho sức khỏe như: ăn nhiều chất xơ, rau xanh, giảm bớt những thức ăn dầu mỡ, nướng, chiên xào, ăn ít chất đường. Ngoài ra, cần thường xuyên vận động để nâng sức đề kháng của cơ thể, chống lại bệnh tật.

 Nhóm phóng viên CT-XH

Ung thu - “ke thu” khong giau mat

Câu hỏi “Nếu bị UT vú mà không muốn cắt bỏ vú có được không?” của chị Trần Thị Phong My (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội, có nickname: tranthimai@) đã được độc giả “like” nhiều nhất. BS Đặng Huy Quốc Thịnh chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi đã được chẩn đoán UT vú, tất cả phụ nữ đều phải cắt bỏ vú. Tuy nhiên, các tiến bộ hiện nay cho phép bảo tồn tuyến vú ở những phụ nữ UT vú giai đoạn sớm. Phương pháp này chỉ cần cắt bỏ khối bướu cùng với một ít mô vú lành xung quanh, phối hợp với xạ trị hoặc hóa trị, nội tiết.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI