Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM: Lại quay về thi tuyển

25/10/2013 - 10:55

PNO - PN - Từ năm học 2014-2015, TP.HCM sẽ chính thức xóa bỏ hình thức xét tuyển vào lớp 10 công lập. Thay đổi này khiến nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) có con đang học lớp 9 bị “sốc”, dù đó là việc đã dự báo từ trước; đồng thời...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xét tuyển = chất lượng thấp

Nghe thông tin chỉ còn một hình thức là thi tuyển vào lớp 10 công lập, chị Nguyễn Tâm Anh, PH có con đang học lớp 9 trường THCS Hoàng Lê Kha (Q.6) tỏ vẻ hài lòng vì con chị sẽ có cơ hội trúng tuyển vào trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) - trường “hot” nhất khu vực. Nếu xét tuyển, con chị buộc phải vào một trường khác. Tuy nhiên, nhiều HS khác, lẽ ra đường hoàng “có suất” vào trường THPT Mạc Đĩnh Chi nay lại phải vất vả đối mặt với thi tuyển.

Trong khi đó, ban giám hiệu và giáo viên các trường THPT ở khu vực xét tuyển đón nhận thông tin này một cách hồ hởi. Trước khi áp dụng hình thức xét tuyển, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) là một trong những trường phổ thông tốt, mặt bằng điểm thi đại học của HS luôn nằm trong tốp đầu so với các trường phổ thông cả nước.

Nhưng, sau khi áp dụng hình thức xét tuyển, kết quả này “rơi” xuống top 200. Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) cũng được tính là trường điểm danh giá, thời còn thi tuyển, điểm chuẩn vào trường nằm ở tốp giữa, HS khá mới mong có cơ hội vào trường. Từ khi xét tuyển, chất lượng đầu vào giảm hẳn nên số HS thi lại, lưu ban cứ tăng dần qua các năm. Vài năm gần đây, trường có gần 100 trường hợp HS thi lại, trong đó gần một nửa phải lưu ban, điều trước đó rất hiếm xảy ra.

Ông Lê Đình Hoe, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung từng nhiều lần trăn trở: Trước đây còn có thi chuyển cấp từ tiểu học lên THCS nhưng sau đó đã bỏ. Từ lớp 1 đến lớp 9 không có một kỳ thi nào mang tính quyết định nên HS có tâm lý ỷ lại, học lơ là vì thiếu động lực. Giáo viên cũng sẽ có tâm lý đó. Kết quả học tập không được “kiểm chứng” bằng những kỳ thi nên chất lượng đầu vào thấp, không đồng đều. Nếu như trước đây, phải thi tuyển thì các em đạt mức A mới vào trường này, mức B sẽ vào trường khác…

Khi xét tuyển, chỉ cần đúng hộ khẩu thì trình độ nào cũng vào được. Giáo viên thường dạy theo mặt bằng chung của lớp, những em học quá yếu, không theo kịp dễ chán nản, bỏ học.

Tuyen sinh lop 10 o TP.HCM: Lai quay ve thi tuyen

Thí sinh làm bài dự thi vào lớp 10 năm học 2013-2014

“Thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”

Cách đây gần 10 năm, TP áp dụng duy nhất hình thức thi tuyển với ba nguyện vọng đã đánh rớt không ít thí sinh điểm cao. Để giảm bớt căng thẳng thi cử, ngành giáo dục đã “đấu tranh” để áp dụng thêm hình thức xét tuyển. Xuất phát từ mục đích tốt, sự thay đổi đã nhận được những phản hồi tích cực từ người học. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu giáo dục nhận ra, xét tuyển dù hình thức phổ biến ở nhiều nước có nền giáo dục phổ thông phát triển, nhưng tốt người chưa hẳn đã hợp với ta. Thời điểm đó, nhiều nhà nghiên cứu đã dự báo, trước sau gì thì cũng sẽ quay trở lại hình thức thi tuyển vì một lý do nghe có vẻ vô lý nhưng lại đúng: không thi chắc chắn chất lượng sẽ giảm.

Thế nhưng, các nhà quản lý vẫn tiến hành xóa thi tuyển. Lẽ ra, những nhà quản lý giáo dục phải dự trù được những tình huống có thể xảy ra, nhưng tiếc là họ đã không nhìn thấy. Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai năm học mới của Sở GD-ĐT TP.HCM hồi tháng Tám, một lần nữa, đại diện các trường lại yêu cầu phải quay về hình thức thi tuyển.

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Nền giáo dục ở ta còn chú trọng đến bằng cấp, thi cử. Vì vậy, thi gì thì dạy theo đấy, không thi thì xí xóa cho qua. Vì thế mới có chuyện không thi tốt nghiệp môn sử thì HS vứt đề cương sử… Xét tuyển là rất hay, giảm được áp lực thi cử, mà giáo dục phổ thông càng nên như vậy. Nhưng, phương thức này chỉ phát huy tính ưu việt khi dạy thật - học thật, chất lượng giáo dục được đảm bảo.

Tuy nhiên, bệnh thành tích vẫn còn nặng nên chất lượng qua những con số chưa phải là kết quả thực chất. Vì vậy, thi tuyển vẫn còn phù hợp trong lúc này. Hơn nữa, thi tuyển lớp 10 sẽ góp phần phân luồng HS sau THCS. Những HS không đủ khả năng học tiếp THPT thì nên rẽ sang học nghề để lập nghiệp.

Sau tám năm triển khai, nhận được những kết quả không khả quan, ngành giáo dục lại quay về con đường cũ. Cũng còn may là ngành giáo dục đã chịu nhìn ra sai lầm của mình về phương án tuyển sinh.

 Gia Tuệ 

Từ năm học 2006-2007, TP.HCM bắt đầu thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo hình thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Theo đó, những quận huyện có đủ trường lớp đáp ứng học sinh vào THPT như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn và các quận 2, 9, 6, Thủ Đức, Bình Tân thực hiện phương thức xét tuyển; những quận còn lại thi tuyển.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI