Từ nịnh, nhờ đến sai vợ như ôsin

05/12/2017 - 09:43

PNO - Rồi từ nhờ, anh chuyển sang ra lệnh, kiểu như làm vợ, làm mẹ là phải làm những việc… vặt ấy - những việc vặt vô cùng mất thời gian khiến tôi ngán ngẩm.

Sau khi sinh con đầu lòng, chồng không gọi tên thật của tôi nữa, mà đổi  thành… mẹ. Anh luôn “mẹ ơi” khi muốn nhờ hay hỏi tôi điều gì. Ban đầu, tôi rất thích được gọi như thế - hãnh diện khi được anh âu yếm gọi bằng đại từ thể hiện vị thế người mẹ của tôi.

Vì thích, tôi thường mềm lòng đáp ứng mọi nhu cầu của anh, nhất là khi nghe cái giọng đầy tha thiết ấy. Tôi không hề nghĩ chồng chỉ nịnh kiểu “mồm miệng đỡ tay chân” và càng không nặng nề gì mấy chuyện linh tinh chồng nhờ như rót ly nước, ủi áo quần, sắp xếp lại kệ sách, lau hộ đôi giày…

Tu ninh, nho den sai vo nhu osin
 

Nhưng dần dà tôi nhận ra, lúc chồng nhờ, không phải vì anh bận, mà có khi đang chơi game, xem ti vi, trong khi tôi đang một mình với bao nhiêu là việc nhà; tôi bắt đầu mệt mỏi và thất vọng. Rồi từ nhờ, anh chuyển sang ra lệnh, kiểu như làm vợ, làm mẹ là phải làm những việc… vặt ấy - những việc vặt vô cùng mất thời gian khiến tôi ngán ngẩm.

Đành rằng việc nhà không khó - một đứa trẻ, một cụ già cũng có thể làm được, nhưng một khi đã về chung sống, nhận gánh trách nhiệm chung, mà chỉ có vợ hoặc chồng làm việc nhà thì thật không ổn. Tôi hỏi chồng, vậy chuyện lớn là chuyện gì. Chồng bảo là những chuyện “không liên quan gì đến chuyện vặt trong nhà”.

Chuyện thế nào là lớn, chuyện nào là nhỏ? Phụ nữ có thể bê được thùng nước 20 lít, làm thợ hồ, tự lái xe hơi, thậm chí có thể sửa được các thiết bị công nghệ trong nhà, và có khi kiếm tiền giỏi hơn chồng. Đàn ông có thể mang tạp dề, lau nhà, tắm cho con, ra chợ, nấu ăn. Chẳng có chuyện gì là lớn hay nhỏ. Chuyện vặt, chuyện nhỏ mà chỉ một người gánh vác, cũng trở thành “chuyện lớn”.

Trong gia đình, việc nuôi dạy con cái, duy trì tình cảm vợ chồng là những điều phải được bồi đắp thường xuyên để bảo vệ hạnh phúc. Mà hạnh phúc lại thường bắt nguồn từ những chia sẻ thật nhỏ thì làm sao xác quyết thế nào là lớn hay nhỏ, chuyện nào của đàn ông, đàn bà?

Tôi cũng bắt chước gọi anh là bố. Mỗi khi cần giúp đỡ hay muốn anh hợp tác làm việc gì, tôi cứ “bố ơi”, “bố hỡi” thật thắm thiết. Tôi tạm ít nhờ những việc anh cho là của đàn bà mà nhờ anh đưa rước con, rửa xe, chở đi mua sắm… Thật ra, đối với những ông chồng lười thì mới phải “nhờ”.

Đã là vợ/chồng thì thấy gì làm nấy, cùng san sẻ việc nhà, chứ không thể gọi là nhờ đón con. Con đâu phải của riêng ai; chiếc xe là phương tiện để đi làm kiếm tiền, xây dựng tổ ấm chung, nên chỉ cần thấy xe vợ dơ, chồng tự ý dắt đi rửa, mới phải. “Nhờ”, chẳng qua là lịch sự với nhau. Tôi muốn chồng hiểu rằng mọi việc trong nhà đều nên làm vì nhau chứ không phải việc đó là của vợ hay của chồng.

Chồng tôi vẫn chưa bỏ thói quen sai khiến, nên tôi bảo anh đừng gọi tôi là “mẹ” nữa mà hãy trả lại tên cho tôi, hoặc gọi là Ôsin, có vẻ hợp lý hơn; như thế để  anh biết rằng, anh cũng như những người bình thường khác, là tên tôi, ai cũng có thể gọi được. 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI