Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp liên tiếp tổ chức học tập thực địa: Đi nhiều, học được bao nhiêu?

20/03/2020 - 07:53

PNO - Với lý do học tập thực địa để tăng cường hiệu quả chuyên môn và giao lưu học hỏi, Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp đã liên tục tổ chức nhiều chuyến đi học tập thực địa, thậm chí học tận… Đông Bắc Việt Nam!

Bốn tháng bốn chuyến đi học ngoài thành phố

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, giáo viên (GV) đang công tác tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) ngao ngán khi chỉ trong thời gian ngắn cuối học kỳ I mà Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp thông báo tới bốn chuyến đi học tập thực địa ở các địa phương.

“Cán bộ quản lý, GV giỏi… có thể được trường chi trả chi phí nếu đầu năm đã có kế hoạch trong chi tiêu nội bộ. Nhưng có trường, GV phải bỏ tiền túi để đi. Đi như vậy, hiệu quả không bao nhiêu vì thời gian tham quan, giao lưu chiếm phần lớn”, GV nêu trong đơn phản ánh.

Thông báo kế hoạch tổ chức chuyến đi học tập thực địa của Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp
Thông báo kế hoạch tổ chức chuyến đi học tập thực địa của Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp

Qua tìm hiểu, chỉ trong hai tháng 10 và 11/2019, trường này đề ra kế hoạch bốn chuyến đi ngoài thành phố. Cụ thể, ngày 1/10, trường có kế hoạch tổ chức học tập thực địa “Tìm hiểu phong cảnh, tính đa dạng của hệ sinh thái, điều kiện tự nhiên và con người tại đảo Hòn Sơn, Kiên Giang” trong hai ngày hai đêm (tối 25/10 đi đến 27/10), giá 2.350.000 đồng/người. Đối tượng là cán bộ quản lý chuyên môn tiểu học, giáo viên các bộ môn mỹ thuật, tiếng Anh, tin học… các trường tiểu học. 

Tiếp đó, ngày 14/10, đơn vị này tiếp tục có kế hoạch thực hiện học tập thực địa chủ đề “Tìm hiểu điều kiện tự nhiên, xã hội, con người tại tỉnh An Giang” hai ngày hai đêm (tối 1/11 đến ngày 3/11). Đối tượng tham gia là cán bộ quản lý và GV giỏi bậc mầm non. Chuyến đi có chi phí 2.250.000 đồng/người. Ngày 4/11, trường ban hành kế hoạch tổ chức học tập thực địa “Giao lưu trao đổi kinh nghiệm về công tác y tế và văn thư trường học tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên”. Chuyến đi được tổ chức thành hai ngày một đêm (ngày 7 và 8/12/2019). Chi phí là 2,4 triệu đồng/người, được thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và cá nhân tự đóng góp. 

Đáng nói, ngày 18/11, trường này tiếp tục đề ra kế hoạch thực hiện chuyên đề ngoại khóa “Tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa con người vùng Đông Bắc” và “Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc”. Chuyến đi diễn ra từ ngày 8-12/1/2020 (năm ngày bốn đêm) tại Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; mức phí là 12 triệu đồng/người. Đối tượng tham gia là cán bộ, nhân viên Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Trường Bồi dưỡng giáo dục; tổng phụ trách, khối trưởng chủ nhiệm, GV bộ môn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… của trường THCS.

Không bắt buộc

Trao đổi với chúng tôi ngày 19/3, bà Trần Thị Bích Thuận, Phó hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Gò Vấp, khẳng định: đây là những chuyến đi học tập thực địa theo kế hoạch của Phòng GD-ĐT đã được UBND quận phê duyệt. Mỗi chuyến đi được thực hiện trình tự từng bước, xuất phát từ chủ trương đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình mới rất đề cao hoạt động trải nghiệm cho người học. Nếu đã yêu cầu tăng cường học tập trải nghiệm cho học sinh thì không lý do gì GV không được. 

Vị phó hiệu trưởng cho chúng tôi xem các bảng tổng hợp ý kiến từ các trường và khẳng định những chuyến học tập là từ đề xuất của GV, các trường đầu năm học. Trên cơ sở đề xuất từ các trường, cấp học gửi về, tổng hợp lại ý kiến chung và đưa ra bàn thảo tại hội nghị tổng kết năm học, nội dung nào phù hợp sẽ đưa vào kế hoạch hoạt động. Theo bà Thuận, để đảm bảo khách quan, minh bạch, mỗi chuyến học tập có ba đơn vị báo giá rồi chọn công khai, có văn bản cho biết vì sao chọn đơn vị đó để cả ngành hiểu. 

Bà Thuận cho biết thêm, nhìn mốc thời gian thì thấy có vẻ dồn dập nhưng thực tế không phải tập trung vào một cấp học hay tất cả phải đi; mỗi chuyên đề học tập chỉ phù hợp với chuyên môn của cấp học, đối tượng cụ thể. Quá trình tổ chức hoàn toàn không ép buộc GV hay trường nào phải đi, trên tinh thần tự nguyện đăng ký. Nếu không đi, ngành vẫn có nhiều hình thức và lớp bồi dưỡng tại chỗ như: tập huấn, chuyên đề, thao giảng, hoặc có thể học hỏi lại từ đồng nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho rằng: việc tổ chức đi đã được tính toán chi li về kinh phí. Thực tình, việc đi học như vậy ngoài hiệu quả chuyên môn thì GV cũng rất vui vì có cơ hội giao lưu, học tập nhau nhiều hơn. GV không có những trải nghiệm thực tế thì chỉ truyền kiến thức; thiếu cảm xúc để dạy hiệu quả hơn. 

Cứ cho rằng, phải sờ tận tay day tận mắt mới mang lại cảm xúc và trải nghiệm thực tế. Và giả dụ rằng bài thu hoạch sau mỗi chuyến đi thực sự có hiệu quả đi nữa thì vẫn có thể tổ chức học tập ở những địa phương gần hơn, xung quanh TP.HCM để chi phí nhẹ hơn. Việc gì phải “kéo nhau” ra tận Đông Bắc để học và phải đi qua tận năm tỉnh, thành? Rồi, để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhân viên văn thư, y tế thì đâu cần thiết phải đi Nam Cát Tiên. Một cuộc họp ngay tại TP.HCM vẫn có thể trao đổi. Hiệu quả đâu nằm ở địa điểm tổ chức, thứ quan trọng chính là ở nội dung. 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
  • Đàm Lan 21-03-2020 19:41:57

    Theo ý kiến cá nhân tôi thấy việc tổ chức tham quan học tập của trường bồi dưỡng quận GV như thế là ổn thể theo nguyện vọng của giáo viên( có lấy ý kiến giáo viên) cũng k bắt buộc phải tham gia. Giáo viên mỗi khối lớp chỉ đi 2 năm/ lần thì k gọi là dày đặc dc. Mục đích của chuyến đi là để GV học tập và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thư giãn sau những tháng ngày dạy học vất vả. Còn về kinh phí cũng dc sự hỗ trợ từ nhà trường theo hội nghị CBCNVC từ đầu năm chứ k có chuyện GV phải đóng 100%. Tôi đã được tham gia vào chuyến học tập như thế và cảm thấy rất bổ ích, tôi có cơ hội dc học hỏi từ các đồng nghiệp nhiều hơn và biết thêm nhiều về cảnh quan cũng như văn hoá của nhiều vùng miền. Nhờ những chuyến đi như vậy tôi có sự trải nghiệm thực tế nhiều hơn và khi giảng bài cho các em đến những nội dung đó thật sự rất hào hứng!

  • Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc 21-03-2020 19:23:45

    Chuyên đề thiết thực và ý nghĩa, tại sao lại phản đối? Ngoài việc dạy học, giáo viên cũng cần phải học hỏi, giao lưu, tìm hiểu thực tế thông qua các chuyên đề bồi dưỡng. Thử hỏi chúng ta có thể nắm vững tất cả kiến thức ở mọi phương diện, phong tục tập quán, đặc điểm kinh tế, văn hóa từng vùng miền không? Khi tham gia học tập thực địa, giáo viên đâu phải đóng toàn bộ số tiền. Vả lại, không một trường nào bắt buộc các giáo viên tham gia cả.

  • Lê Thanh Hùng 21-03-2020 16:43:35

    Chào các bạn !
    Tôi là Thanh Hùng ,giáo viên trong ngành năm nay được 22 năm và đã tham gia nhưng chuyến đi học tập , thực địa , giao lưu do Phòng Giáo Dục quận Gò Vấp tổ chức . Tôi nhận thấy những chuyến đi như thế rất bổ ích và cần thiết vì tạo điều kiện cho giáo viên được học tập, mở rộng tầm nhìn , bổ sung thêm kiến thức trong quá trình giảng dạy , được trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau , học các hay , nhìn ra được cái hạn chế của đơn vị bạn khi đến giao lưu học tập để từ đó có những điều chỉnh , phát huy trong quá trình công tác .
    Đúng như ông Thanh Thuỷ - trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp - và bà Bích Thuận - phó hiệu trưởng Trường bồi dưỡng đã nêu trong bào viết . Các chuyến đi đều trên tinh thần tự nguyện ( không bắt buộc) , có văn bản , kế hoạch , chương trình cụ thể rõ ràng. Các đối tượng tham dự luân phiên mỗi năm mỗi khác nhau chứ không phải năm nào cũng đi.
    Còn về kinh phí đóng góp cho chuyến đi, tôi nhận thấy là hợp lý vì ngành chúng ta còn nhiều khó khăn nên không thể lo trọn 100% kinh phí mà đòi hỏi sự đóng góp của cá nhân( đăng kí tham gia),
    các trường ( theo đúng văn bản từ Hội nghị cán bộ công chức ) .
    Tóm lại : Tôi và giáo viên trường tôi rất vui và phấn khởi khi được tham gia các chuyến học tập thực địa do Phòng Giáo Dục quận Gò Vấp tổ chức .

  • Liên Hoa 21-03-2020 14:53:10

    Đây chỉ là ý kiến chủ quan của một ai đó không phải đa số.

  • Ái Khanh 20-03-2020 16:49:09

    Để thầy cô vui là chính

  • Lam Thúy 20-03-2020 15:46:55

    Chúng ta nhìn các kế hoạch thì thấy nhiều nhưng thật ra mấy năm giáo viên mới được đi một lần vì đi luân phiên theo khối chứ không phải năm nào cũng đi.

  • Thai Nguyen 20-03-2020 14:13:53

    Tôi cũng là giáo viên, tôi thấy những chuyến đi như vậy rất bổ ích, giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, bên cạnh đó tìm hiểu về quê hương, tập quán, lịch sử các vùng...giúp bổ sung kiến thức.Rất cần thiết

  • Xuân Thanh 20-03-2020 13:24:38

    Tôi là giáo viên của Gò Vấp đã nhiều năm, chúng tôi thấy những chuyến đi thực địa rất bổ ích giúp chúng tôi rất nhiều trong giảng dạy và cũng chưa bao giờ bị ép buộc phải đi.

  • Anh Tâm 20-03-2020 13:16:44

    Tôi là giáo viên của Gò Vấp gần 20 năm, tôi và các đồng nghiệp của tôi đều thấy những chuyến học tập thực địa rất bổ ích, giúp cho chúng tôi rất nhiều trong giảng dạy và chưa bao giờ chúng tôi bị ép buộc phải đi cả. Chúng tôi thấy hay nên tự nguyện đăng ký với nhà trường để được tham gia những nơi mà chúng tôi không thể tự tổ chức.

  • Vo Ngoc 20-03-2020 12:03:52

    Nên tổ chức nhiều chuyến học tập thực địa để giáo viên có cơ hội giao lưu, học tập, biết thêm về đất nước, con người các vùng miền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI