Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tục xâm lấn các nước láng giềng

29/04/2013 - 10:22

PNO - PN - Ngày 28/4, ba tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý. Đây là ngày thứ chín liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực này.

Cùng ngày, giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, chính thức cho nhổ neo một tàu du lịch chở khách ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Con tàu chở 100 người đã “được chọn lựa kỹ lưỡng về sức khỏe, nhân thân”, được truyền thông Trung Quốc đưa tin giới hữu trách nước này sẽ phối hợp “bảo đảm an ninh” cho chuyến du lịch trái phép này.

Trước đó, báo Sankei Nhật Bản ngày 27/4 đưa tin, hôm 23/4, Trung Quốc đã điều động ít nhất 40 chiến đấu cơ, trong đó có hơn một nửa là Su-27 và Su-30, tham gia hộ tống tám tàu hải giám nước này đổ bộ ra vùng biển phụ cận nhóm đảo Senkaku. Như đã biết, sáng 23/4, tám tàu này đã tới Senkaku khi một nhóm 80 nhà hoạt động bảo vệ chủ quyền, điều tra nghề cá của Nhật Bản đi tàu ra Senkaku với sự hộ tống của khoảng 10 tàu cảnh sát biển Nhật. Tin tình báo cho biết, tàu ngầm và máy bay cảnh báo P3C của hải quân Nhật Bản cũng đang có mặt gần đó.

Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) cũng đã triển khai máy bay chiến đấu F-15 từ một căn cứ không quân ở đảo Okinawa ra vùng trời Senkaku/Điếu Ngư ngăn chặn máy bay Trung Quốc.

Trung Quoc bi cao buoc tiep tuc xam lan cac nuoc lang gieng

Lực lượng cảnh sát biển Nhật ngăn cản tàu Trung Quốc

Cùng ngày 27/4, Bộ trưởng Quốc phòng Shashi Kant Sharma báo cáo trước Quốc hội Ấn Độ rằng, hai tuần trước, khoảng 30 binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua giới tuyến không chính thức giữa hai nước, vào sâu trong vùng đất do Ấn Độ kiểm soát gần 20km để dựng trại. Đến nay, mọi cuộc đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết vụ việc vẫn chưa mang lại kết quả nào, trong khi Trung Quốc vẫn khẳng định binh sĩ của mình chưa hề lấn qua đường phân ranh.

Tại Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang cố áp đặt “sự chiếm đóng trên thực tế” đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Ông del Rosario cho biết, ba tàu công vụ Trung Quốc vẫn đang có mặt gần bãi cạn này để xua đuổi ngư dân Philippines, bất chấp cam kết cùng rút tàu ra khỏi khu vực sau đợt căng thẳng hồi giữa năm 2012.

Trong một diễn biến khác gây căng thẳng vùng Đông Bắc Á, ngày 28/4 hãng Yonhap đưa tin, tình báo Hàn Quốc ghi nhận những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận phối hợp giữa không quân và lục quân quy mô lớn quanh thành phố cảng Nampho phía Tây Nam Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được thời điểm cuộc tập trận.

Trong lúc đó, đài KBS đưa tin, chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho khu công nghiệp Kaesong, sau khi quyết định rút toàn bộ công dân ra khỏi tổ hợp công nghiệp này. Nếu quyết định này được thực hiện, khoảng 1/4 trong số 30.000 hộ dân ở Kaesong sẽ bị thiếu nước sinh hoạt do điện bị cắt, trạm xử lý nước sẽ ngừng cung cấp nước.

Hải Phương
(AP, AFP, Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI