Bão số 9 gây mưa lớn, gió mạnh từ sáng sớm

27/10/2020 - 19:00

PNO - Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định mưa nặng hạt vào sáng 28/10. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký công điện khẩn về ứng phó bão số 9.

Lúc 6g sáng nay, bão cách Quảng Ngãi 140km. Lý Sơn gió cấp 9, giật cấp 11

Lúc 6g sáng nay 28/10, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 14,7 độ vĩ bắc; 110 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 240km, cách Quảng Nam 175km, cách Quảng Ngãi 140km và cách Phú Yên 190km.

Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (là từ 115-150km/giờ), giật cấp 16.

Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ.

Lúc 6g, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 9, giật cấp11.

Đường đi của bão số 9 trên Biển Đông
Đường đi của bão số 9 trên Biển Đông

Quảng Ngãi: Đảo Lý Sơn đã "oằn mình"

23g, tại Quảng Ngãi, nhiều nơi mưa đã nặng hạt, gió mạnh và giật.

Nhiều người đang tại nơi trú bão nhưng không ngủ được vì lo lắng nhà mình bị gió làm tốc mái.

Hiện mưa và gió trên đảo rất mạnh, đã có một số cây ngã. Tiếng gió rít liên tục và âm thanh lớn.

Trước đó, khoảng 18g, khu vực cảng Dung Quất (huyện Bình Sơn) và thành phố Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to kèm theo gió lớn.

Một số nơi ở Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to, gió lớn
Một số nơi ở Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to, gió lớn

Ở Lý Sơn, ông Lê Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, từ 18g gió trên đảo đã mạnh dần, lên cấp 8 giật đến cấp 9. Người dân và bản thân ông không dám mở cửa ra ngoài. Công tác phòng chống bão số 9 trên địa bàn huyện Lý Sơn đã được triển khai đầy đủ, người dân trên đảo Lý Sơn đã đến nơi tránh bão ở Nhà nghỉ Công đoàn, Nhà nghỉ Thành An, trường học và Đồn biên phòng lý Sơn. Riêng ở đảo Bé, người dân sẽ đi trú bão tại các nhà văn hoá thôn. 

Người dân Quảng Ngãi chằng chống nhà cửa trước khi rời nhà đi tránh trú bão
Người dân Quảng Ngãi chằng chống nhà cửa trước khi rời nhà đi tránh trú bão
Gió bắt đầu "đổ bộ" vào đảo Lý Sơn.

Bình Định gió quật

Khoảng 17g, nhiều nơi tại Bình Định bắt đầu có mưa, theo sau đó là gió bắt đầu thổi mạnh. Hiện tại, tại Bình Định mưa đã  nặng hạt, gió mạnh.

Theo dự báo, sức gió của cơn bão số 9 (Molave) khi đổ  vào Bình Định giật cấp 12.

Nhiều hàng quán, cửa hàng người dân đã đóng cửa để tránh bão; đường sá thưa thớt người và phương tiện đi lại.

jfjf
Mưa bắt đầu nặng hạt từ 17g30 (ảnh ghi nhận tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn)
Quy Nhơn
Mặt đường phía trước sân bay Quy Nhơn đã bắt đầu nổi nước

Tính đến 16g ngày 27/10, Bình Định có 19 tàu nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Trong đó, 1 tàu gặp nạn.

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, tàu cá BĐ 96388-TS, do ông Lê Văn Minh (ở phường Tam Quan Nam, Thị xã Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng đang trên đường chạy vào Cam Ranh để tránh trú bão thì bị phá nước và chìm, vị trí cách bờ biển Cam Ranh khoảng 130 hải lý về phía Biển Đông. 12 thuyền viên trên tàu mất tích. 

Mưa nặng hạt tại Quảng Nam

23g30, TP. Hội An bắt đầu mưa to, gió mạnh đập liên hồi. 
Trước đó, 16g ngày 27/10, lượng mưa ở Quảng Nam dưới 10mm nhưng đến khoảng 17g30, mưa bắt đầu nặng hạt tại TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam, trong 17 hồ chứa nước trên địa bàn có 12 hồ đã đầy nước là: Đá Vách, Nước Rôn, Phước Hà, An Long, Hố Giang, Hương Mao, Cây Thông, Phú Lộc, Thạch Bàn Khe Tân, Đông Tiến, Cao Ngạn. Trước đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN Quảng Nam cũng đã có các công văn yêu cầu thủy điện A Vương, Đắc Mi, Sông Bung tổ chức vận hành hạ dần mực nước hồ thủy điện về mức nước đón lũ thấp nhất trước 19g ngày 27/10. Thủy điện Sông Tranh cũng được yêu cầu tổ chức thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ chứa ở thủy điện Sông Tranh 2 để đón lũ. Đồng thời, có các văn bản về việc đảm bảo an toàn cho hạ du sông Thu Bồn và Vu Gia.

Hiện có hơn 7.200 người dân Quảng Nam đã được di tản đến tại Trường tiểu học Lý Tự Trọng và Trung học cơ sở Kim Đồng.

Đường Hùng Vương, TP. Tam Kỳ
Đường Hùng Vương, TP. Tam Kỳ
Người dân ở xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam cơ bản đã di tản đến chỗ an toàn. Nhà cửa đã chằng chống và tắt điện.
Người dân ở xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam cơ bản đã di tản đến chỗ an toàn. Nhà cửa đã chằng chống và tắt điện

Đà Nẵng: Gió nhẹ, đường phố yên ắng

20g Đà Nẵng có gió nhẹ. Đường phố vắng lặng từ đầu buổi tối. Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, từ 20g tối nay người dân hạn chế ra đường, trừ người thực hiện công vụ. 

Nhiều ks ở ĐN thuê hoặc nhờ xe tải trọng lớn chắn trước cửa vào chống gió bão
Nhiều ks ở ĐN thuê hoặc nhờ xe tải trọng lớn chắn trước cửa vào chống gió bão
Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng thuê hoặc nhờ xe tải trọng lớn chắn trước cửa ra vào để chống gió bão

 

Trên các trang mạng xã hội, người dùng bày tỏ lo lắng trước sự yên ắng của thiên nhiên. Hiện người dân đã được sơ tán đến các nơi tránh trú bão. 

Người dân ở các khu vực xung yếu đã được Đà Nẵng đưa đến nhà tránh trú bão
Người dân ở các khu vực xung yếu ở Đà Nẵng đã được đưa đến nhà tránh trú bão

Thừa Thiên - Huế: Mưa bắt đầu nặng hạt

Đến 19g30, Thừa Thiên - Huế đã di dời 17.660 hộ trong tổng số 68.700 hộ trong kế hoạch di dời. UBND tỉnh yêu cầu, trừ lực lượng cứu hộ, cứu nạn, toàn bộ người dân không ra khỏi nhà từ 21g đêm nay, cho đến khi có thông báo mới của cơ quan chức năng.

Người dân ở vùng thấp trũng, nguy hiểm thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) được di dời đến nơi trường THCS Thuận An để ở tránh bão số 9
Người dân trong vùng nguy hiểm ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) được di dời đến trường THCS Thuận An để tránh bão 

 

Các tỉnh miền Trung cấm người dân ra khỏi nhà vào đêm 27/10

Chiều 27/10 tỉnh Bình Định đã ra thông báo yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, bắt đầu từ 22g ngày 27/10 cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu không còn nguy hiểm; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không ra đường khi xảy ra bão, mưa lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt khẩn cấp). 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ra thông báo khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21g đêm nay, 27/10/2020 cho đến khi có thông báo mới của cơ quan chức năng, trừ lực lượng cứu hộ, cứu nạn. 

UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20g đêm nay, cho đến khi có thông báo mới. 

Về các hồ thủy điện: 

Bắc Trung bộ: có 7 hồ đang xả qua tràn, gồm Hố Hô, Đakrông 1, A Lưới, Bình Điền, Hương Điền...

Nam Trung bộ: có 13 hồ đang xả qua tràn, gồm Sông Tranh 2, Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4A, Sông Bung, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Ba Hạ...

Tây Nguyên: có 20 hồ đang xả qua tràn, gồm Đăk Srong 3A, DrayHlinh 1, Bảo Lộc, Đăk Rtih 2... 

Trước khi đổ vào đất liền Việt Nam, bão Molave đã "càn quét" Philippines với sức gió tối đa 125km/h, giật 180km/h, khiến ít nhất 2 người chết và 19 người mất tích, nhiều ngôi làng ngập trong nước lũ và hơn 120.000 người dân ở Philippines phải sơ tán.

Cơn bão đánh sập một ngôi nhà ở Pilippines
Cơn bão đánh sập một ngôi nhà ở Philippines

Thủ tướng gửi công điện khẩn

Theo Công điện 1490/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký khẩn, bão số 9 cùng với cơn bão Xangsane (2006) dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây, có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung bộ và Tây nguyên.

Đường đi của bão số 9
Đường đi của bão số 9

Đêm nay (27/10) và ngày mai (28/10) bão sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các địa phương ven biển miền Trung, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Để ứng phó với bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương, trong đó tập trung các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải tiếp tục rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú.

- Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng... Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

- Chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, triển khai phương án bảo vệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để hạn chế thiệt hại do bão.

- Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai. Trường hợp cần thiết có thể cho nghỉ làm, nghỉ học. Kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện từ các địa phương khác đi vào vùng tâm bão trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.

- Triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão; đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

- Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI