Trò đùa khiếm nhã không còn đất sống

03/05/2019 - 10:00

PNO - Là nạn nhân của trò quấy rối tình dục, Marie Laguerre cũng không ngờ cô chính là biểu tượng cho sự thay đổi cả một hệ tư duy cũ kỹ, đầy bảo thủ và định kiến dành cho nữ giới...

Những kẻ quấy rối giờ đây phải cúi đầu khi đối diện với nạn nhân.

Năm ngoái, khi Marie Laguerre (22 tuổi) đi ngang qua đường phố Paris, cô phải nghe những tiếng huýt sáo quấy rầy. Thay vì im lặng bỏ đi, Marie đã quay lại, yêu cầu kẻ quấy rối mình là Firaz M ngừng hành động khiếm nhã ấy. Thật bất ngờ, Firaz M xông vào đánh Marie. Tất cả hình ảnh lỗ mãng ấy đã bị camera công cộng ghi lại và Marie đã đưa bằng chứng này lên YouTube, “tuyên chiến” với hành vi bẩn của kẻ xa lạ.

Tro dua khiem nha  khong con dat song
Marie Laguerre bị tấn công trước sự ngỡ ngàng và phẫn nộ của những người xung quanh

Đoạn video đăng lên từ cuối tháng 7/2018, đến nay đã thu hút hơn 7 triệu lượt xem, tạo nên làn sóng tranh luận không chỉ ở Pháp mà lan sang những quốc gia khác, buộc mọi người phải nhìn nhận về giới hạn và vạch rõ khái niệm quấy rối, tấn công tình dục.

Đoạn clip dài hơn 1 phút cho thấy mọi người xung quanh, ai cũng ngỡ ngàng với hành vi của gã đàn ông với đầy đủ khả năng nhận thức mình đang làm gì. Hắn hung hăng xông đến, tấn công Marie khi bị cô gái khước từ bằng thái độ dứt khoát. Mọi người giật mình khi Marie lãnh một quả đấm trời giáng vào mặt và đó cũng là khoảnh khắc gây chấn động với những người chứng kiến, bởi bấy lâu, chuyện huýt sáo trêu ghẹo các cô gái vẫn được ngầm thừa nhận ở Pháp. Không ai gọi đó là hành vi quấy rối, mà chỉ xem đó là trò đùa.

Trước khi vụ tấn công Marie xảy ra, dư luận Pháp đã xôn xao với hàng loạt chia sẻ của những nạn nhân bị “cưỡng hôn”, sờ mó, tấn công tình dục ngay trên đường phố. Họ bị cuốn theo đám đông đang hò reo chiến thắng của Pháp trước Croatia trong trận chung kết World Cup hồi giữa tháng 7/2018. Họ hoảng hốt và sợ hãi khi chứng kiến những tên yêu râu xanh nhan nhản trên đường phố và với những tràng cười khả ố, chúng tấn công phụ nữ, xem đó là trò vui ăn mừng - trò vui xuất phát từ ý thức lệch lạc, bệnh hoạn, bất chấp pháp luật.

Cảnh sát trưởng Paris - Michel Delpuech - lúc ấy đã kêu gọi các nạn nhân, thay vì chia sẻ sự việc lên mạng xã hội thì hãy báo với cảnh sát và cam kết cảnh sát sẽ nỗ lực hết sức để tìm ra những kẻ tấn công họ. Nhưng các nạn nhân không thể chờ. Họ đã lên tiếng, trước tiên là để gây sự chú ý của cả cộng đồng. Sau nữa là mong muốn xóa bỏ vĩnh viễn một niềm tin phi lý đã tồn tại quá lâu trong xã hội Pháp, rằng nam giới có quyền thô lỗ với phái nữ. Điều này không được ghi trong bất cứ văn bản hành chính nào, nhưng đã ăn sâu vào lối sống.

Nhắc đến nam giới ở Pháp, nhiều người trên thế giới đều liên tưởng ngay đến vẻ lịch thiệp, hào hoa của họ; thậm chí ấn tượng với khái niệm “nụ hôn kiểu Pháp” hay “quý tộc Pháp”. Nhưng song song đó là một thực tế không thể chối cãi: trong các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Pháp đứng thứ năm về tỷ lệ bạo lực gia đình. Tỷ lệ này được ghi nhận ở các gia đình Pháp là 44%, phần lớn nạn nhân là nữ giới.

Trên YouTube cá nhân, Marie Laguerre viết: “Người đàn ông này không phải là người đầu tiên có hành vi quấy rối và tôi không thể chấp nhận bị xúc phạm như thế. Tôi đã bảo anh ta im miệng. Ngay sau đó, anh ta ném thẳng gạt tàn thuốc vào tôi và đuổi theo đánh tôi giữa đám đông. Hành vi này không thể chấp nhận được, nhưng nó đang diễn ra hằng ngày, ở khắp nơi. Đã đến lúc mọi thứ phải thay đổi”.

Firaz M bị phạt gần 3.000 USD, đồng thời nhận án tù treo 6 tháng. Chưa hết, y còn phải trải qua khóa giáo dục đặc biệt về bình đẳng giới cũng như những quy chuẩn xử sự với phụ nữ ở nơi công cộng.

Sự việc chưa dừng lại ở đó. Đoạn clip và những dòng chia sẻ mạnh mẽ của Marie đã góp phần tạo nên sự thay đổi thật sự, ở phạm vi lớn hơn. Hội đồng Quốc gia Pháp đã thông qua luật mới, siết chặt hơn những hành vi mà bấy lâu vẫn được xem là không phải tấn công, quấy rối tình dục.

Theo luật mới ở Pháp, bất cứ ai có những lời bình luận, câu nói nhắm vào việc hạ thấp, làm nhục, đe dọa, mang tính thù địch, gây hấn sẽ bị phạt từ 100-900 USD. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 450 người đã bị phạt. Bộ trưởng Bình đẳng giới Pháp - bà Marlène Schiappa - cho rằng, đây là thành công của những nỗ lực xóa tan định kiến bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội Pháp, rằng nam giới hiển nhiên có quyền xâm phạm nữ giới ở nơi công cộng và lấp liếm rằng đó chỉ là trò đùa vô hại.

Thiên Như

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI