TP.HCM: Dự án đưa người nghèo xuất khẩu lao động bị... ế!

08/08/2013 - 07:27

PNO - PN - Tâm lý ngại xa nhà, thu nhập thấp, cộng với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nên dù được hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí làm thủ tục… nhưng những lao động nghèo, thân nhân của người có công, người dân...

Đăng ký... để đó

Sau khi Cục Quản lý lao động ngoài nước có hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ - không bao gồm NLĐ thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quy định tại quyết định số 71/TTg của Thủ tướng Chính phủ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, TP.HCM đã bắt tay thực hiện. Năm 2012, ngân sách để hỗ trợ đưa NLĐ nghèo, thân nhân của người có công và người dân tộc thiểu số ở TP.HCM đi làm việc ở nước ngoài là 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 60 người đăng ký học, khi gọi lên thì... không ai đến. Năm 2013, kinh phí hỗ trợ tăng lên 3,3 tỷ, nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn.

Năm 2012, anh Đ.T. (SN 1992, Q.Bình Thạnh) thuộc diện gia đình chính sách đã tìm hiểu dự án và đăng ký tham gia, nhưng sau khi có thông tin về thị trường, mức lương, anh T. đã lặng lẽ rút lui. Bà T.Q., mẹ của T., cho biết: “Khi biết chương trình hỗ trợ toàn phần cho gia đình chính sách, bố mẹ và các em rất muốn T. đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Nhật Bản để có công việc ổn định, thu nhập khá, nhưng khi được mời lên giới thiệu về dự án, T. nói họ tuyển ngành nghề hàn, tiện, xây dựng với yêu cầu cao như: sức khỏe tốt, ứng viên phải có trình độ 12/12. Nhật là thị trường lao động khó tính nên yêu cầu tay nghề phải giỏi và sẽ tổ chức thi tay nghề trực tiếp. “Thấy yêu cầu cao quá nên T. nói, nếu đáp ứng được yêu cầu đó thì ở nhà làm cho các công ty lương cũng khá mà không phải xa nhà”.

Tương tự, L.L. (SN 1988, Q.Tân Bình), là con thương binh, kể: Sau khi được phường thông báo về chương trình, L. cũng đăng ký học để đi XKLĐ. Sau đó, nghe nói đào tạo xong phải chờ rất lâu, có khi sáu, bảy tháng vẫn không có, nếu chờ đợi như vậy sẽ rất phí thời gian nên L. quyết định rút lui.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, NLĐ thuộc diện này không mặn mà với XKLĐ vì không quen làm việc xa nhà. Nhiều LĐ còn sợ học không vô, không đủ tiêu chuẩn về thể lực... Đa phần NLĐ cho biết, chỉ có thể làm công nhân may ở những thị trường có mức lương thấp như Malaysia, Đài Loan, vì không yêu cầu trình độ cao, chỉ biết may máy công nghiệp thì lương đã khoảng bảy-tám triệu đồng/tháng, làm công nhân tại TP, nếu chăm chỉ tăng ca cũng được từ sáu-bảy triệu đồng/tháng.

TP.HCM: Du an dua nguoi ngheo xuat khau lao dong bi... e!

Làm việc tại Nhật Bản lương cao, nhưng đòi hỏi NLĐ phải có trình độ tay nghề (Ảnh mang tính minh họa)

Quá nhiều rào cản

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động tiền lương, tiền công, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết: Năm 2012, TP không triển khai được dự án hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc vì gặp nhiều rào cản, cụ thể: Theo quy định, trong vòng sáu tháng kể từ ngày kết thúc đào tạo, Sở và doanh nghiệp (DN) tiến hành thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí. Nếu có dưới 90% số học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì DN chỉ được thanh toán học phí theo số LĐ thực tế xuất cảnh. Theo bà Dân, chính sách trên chưa thu hút được các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tham gia dự án. Ngoài ra, chúng ta còn chưa chủ động được thị trường LĐ; đối với NLĐ thuộc hộ nghèo và cận nghèo áp dụng theo chuẩn quốc gia (6 triệu đồng/người/năm), trong khi đó, TP áp dụng chuẩn nghèo dưới 12 triệu đồng/người/năm và cận nghèo từ trên 12-16 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2014 sẽ nâng lên. Nếu theo chuẩn quốc gia thì TP.HCM không còn hộ nghèo.

Một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông tin: “Năm ngoái triển khai dự án, các DN XKLĐ không muốn tham gia nên năm nay Sở đã giao Công ty dịch vụ XKLĐ và chuyên gia (Suleco) làm đầu mối phối hợp với các DN có chức năng XKLĐ thực hiện nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy ai đăng ký”.

Trong khi đó, nhiều DN XKLĐ cho rằng, nguyên nhân chính không tuyển được LĐ do DN được giao làm dự án không có thực lực, các DN có tiềm lực lại không được giao. Cụ thể, bà Dương Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ dầu khí Sài Gòn Nhân Lực nhận định: "Một số DN có tiềm năng, tiềm lực thì không được giao làm đầu mối triển khai dự án, trong khi một số DN trực thuộc Bộ, Sở được giao lại không có thực lực. Theo tôi, chúng ta không thiếu nguồn LĐ, nhưng triển khai đã đúng đối tượng chưa? Hay vẫn còn tồn tại người muốn đi không được biết thông tin, người biết thông tin lại không muốn đi. Bên cạnh công tác tuyên truyền phải có sự phân cấp thị trường. NLĐ trình độ lớp 5 mà tư vấn cho họ đi Nhật thì làm sao qua nổi. Do đó, Sở cần yêu cầu công ty được giao báo cáo thường xuyên tình hình khảo sát: cụ thể khảo sát ở địa phương nào, tiến độ tìm thị trường đến đâu. Nếu họ không làm được thì giao cho các DN khác cùng tham gia. Công ty chúng tôi không biết thông tin này. Nếu được giao, công ty sẽ làm ngay”.

Đến nay, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ năm 2013 nên thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã đề ra các giải pháp: đề nghị Bộ cho phép vận dụng chuẩn nghèo TP; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực nhận thức XKLĐ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, in tờ rơi để tuyên truyền đến NLĐ...; nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của phòng LĐ-TB-XH quận, huyện; tư vấn giới thiệu việc làm sau khi về nước: phối hợp với các công ty XKLĐ khảo sát đánh giá nắm bắt nhu cầu đối với NLĐ để từ đó có cơ sở tư vấn và giới thiệu việc làm…

 Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI