Xin em hãy dừng lại, hãy thương lấy chồng con, anh chỉ mong mình êm ấm lại thôi

11/10/2016 - 10:36

PNO - Xin em hãy dừng lại. Hãy thương lấy chồng con. Những gì em đã lỡ “chuyển giao công nghệ”, anh sẽ tiếp tục ráng làm thật tốt, chỉ mong gia đình mình êm ấm lại thôi.

Anh không nhớ công việc trong nhà đã dần chuyển hết sang tay mình như thế nào, nhưng có lẽ là rất êm ái. Lúc đầu chỉ là lăng xăng phụ em giặt đồ. Thấy bàn tay bé nhỏ của vợ đỏ tấy vì nước xà bông, anh bảo để mình thử xem sao. Anh làm và thấy cũng bình thường. Khoảng nửa tháng sau, thau đồ chình ình hàng ngày đã thuộc về phạm vi xử lý của anh.

Việc nấu cơm, rửa chén cũng vậy. Anh hay tò mò đứng xem em chế biến các món ăn, rồi làm thử. Lúc đầu thì dở, sau khá dần, vợ hết lời khen đức lang quân thông minh, khéo tay.

Thau chén lộn xà ngầu nhìn thấy ớn anh cũng thử và thấy hình như mình làm nhanh hơn vợ, tuy có lúc bị chê là làm ẩu. Rồi mọi chuyện trở nên “bình thường”, nghĩa là tất cả việc nhà anh đều làm tốt, “chuyển giao công nghệ” xem như thành công.

Xin em hay dung lai, hay thuong lay chong con, anh chi mong minh em am lai thoi
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Giờ anh đang phải đối mặt với việc em đi suốt ngày, bỏ mặc việc nhà và thằng con ba tuổi cho anh. Ở nhà thì rất nhiều việc không tên và việc có tên. Việc có tên gồm cho heo ăn, cắt cỏ bò, chăm vườn nhãn, nấu cơm, giặt đồ, cho con ăn... Việc không tên thì không thể kể hết, vì cứ vô giường ngủ là thấy đống đồ vợ bỏ bừa bộn, ra phòng khách lại thấy mấy đôi dép mỗi chiếc một nơi, ngoài sân lá rụng đầy, thằng nhỏ mắc ị, mắc tè bất tử...

Vậy mà em về tới nhà chỉ dựng xe rồi nằm dài ra võng than mệt. “Có ai làm ơn rót cho tui ly nước không? Có ai từ thiện cho chiếc khăn lau mặt không?”. Vậy là anh cũng tình nguyện làm hết.

Trách em đi kiểu gì mà chẳng còn nhớ đến nhà cửa, chồng con, em trợn mắt nạt: “Có biết tui đi đâu không? Đi kiếm tiền! Mà tiền là để nuôi cả nhà này”. Lại có hôm, chắc bị “sì-chét” quá, em quạu với chồng, đánh luôn con. “Mấy người có biết tui khổ lắm không? Ở nhà chỉ việc ăn ngủ mà quậy tui hoài”.

Vậy thì em đi đâu? Chẳng bao giờ anh dám hỏi. Nghe đâu em theo mấy chị đi bỏ mối hàng họ gì đó, đi làm “cò” mấy vụ sang đất, sang xe. Lại có thời gian nghe em theo đoàn nhà chùa làm từ thiện. Tiền bạc thì bữa đực, bữa cái.

Có hôm em về hỉ hả giở tiền ra đếm, khoe vô mánh hai, ba triệu. Có hôm lại thấy em mặt mũi ỉu xìu, lầm bầm chửi “con mẹ nọ, thằng cha kia chơi không đẹp”, người ta đi cực thấy bà mà thí cho có năm chục, một trăm. Nói thiệt lòng, nghe vợ kể công đi kiếm tiền nuôi hai cha con, anh cũng thấy có chút cảm động. Nhưng chuyện vợ gánh vác chồng con là thường tình mà. Em cứ thử nghĩ coi, bao nhiêu việc không tên và có tên của anh có đáng “đồng tiền, bát gạo” không?

Anh lâu lâu mới được xả hơi ngồi với bạn nhậu, chưa kịp nóng mặt đã bị em kêu về. Có thèm ly cà phê thì phải cõng cả thằng con theo, biết gởi cho ai. Tất cả công việc nội trợ trong nhà, anh thành thạo hết. Vậy mà em chỉ tối ngày kể công mình cực khổ kiếm tiền, không nhắc gì tới công của chồng.

Kết thúc những chuyện lu bu của vợ chồng mình là đầu tháng rồi em về, kêu khóc với anh là bị người ta giựt nợ. Em chung vốn với họ đi mua mủ cao su đất bỏ mối cho lái, tưởng ngon ăn, ai ngờ mới được chút tiền lời, bà làm chung lại bỏ theo bồ về miền Tây, ẵm theo mấy chục triệu của nhà mình. Anh nói là của “nhà mình”, vì khi bán lứa heo được mười hai triệu, em năn nỉ quá nên anh đưa luôn. Giờ thì “bắc thang lên hỏi ông trời/tiền đưa cho vợ có đòi được chăng?”.

Anh không dám kể công, nhưng nếu em chịu về nhà làm ăn chí thú như xưa, chắc vợ chồng mình sẽ bớt được những cuộc cãi vã, tranh công đổ lỗi như hiện nay. Xin em hãy dừng lại. Hãy thương lấy chồng con. Những gì em đã lỡ “chuyển giao công nghệ”, anh sẽ tiếp tục ráng làm thật tốt, chỉ mong gia đình mình êm ấm lại thôi.

Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI