Vợ tự ý bán đất chung rồi bỏ theo người tình, xử lý thế nào?

24/10/2018 - 12:00

PNO - Tôi làm nghề tài xế nên thường xuyên đi xa vắng nhà, thỉnh thoảng mới về, vợ tôi ở nhà chăm sóc các con. Vừa rồi tôi tá hỏa phát hiện vợ đã bán đất, rồi bỏ đi theo người khác.

Hỏi: Tôi và vợ tôi cưới nhau và có đăng ký kết hôn vào năm 2012. Trong quá trình chung sống chúng tôi sinh được 2 con, tạo lập được tài sản chung là một căn nhà và một mảnh đất. Đến tháng 06/2017, vì muốn có tiền để đầu tư làm ăn, tôi về nhà và bàn với vợ bán mảnh đất, vợ tôi cứ nói lảng tránh, sau đó tôi mới phát hiện vợ tôi đã âm thầm bán mảnh đất đó.

Khi mọi chuyện bại lộ, vợ tôi đã bỏ trốn cùng người đàn ông khác. Sau đó tôi đã báo công an. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì mảnh đất này ban đầu vợ chồng tôi đã thỏa thuận là để vợ tôi đứng tên, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có tên tôi, liệu tôi có lấy lại được mảnh đất không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi.

An (Sóc Trăng)

Trả lời:

Chào bạn, trước hết chúng tôi xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải để chúng tôi được giải đáp và hỗ trợ bạn. Tôi xin đưa ra lời tư vấn để giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề này nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Vo tu y ban dat chung roi bo theo nguoi tinh, xu ly the nao?
Hình minh họa

Căn cứ theo khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Do đó như bạn đã trình bày, mảnh đất này được tạo lập trong thời kì hôn nhân nên đây là tài sản chung của vợ chồng bạn, việc vợ bạn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm mất đi quyền sử dụng đất của bạn đối với mảnh đất này.

Bên cạnh đó, theo Điều 26 Luật HN&GĐ 2014 quy định về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.

Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại điều 24 và điều 25 của Luật LN&GĐ 2014. Cụ thể là :

- Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật HN&GĐ, bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

- Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của luật này, bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Như vậy, trong trường hợp dù vợ bạn đứng tên chủ sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi xác lập giao dịch liên quan đến mảnh đất phải có sự thỏa thuận thống nhất của 2 vợ chồng thì giao dịch mới phát sinh hiệu lực. Trong trường hợp của bạn, trong thời gian bạn đi làm vắng nhà, vợ đã lén lút chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không hề có sự thỏa thuận để đại diện cho vợ chồng tham gia giao dịch với đối tượng là tài sản chung của vợ chồng nên giao dịch này có thể bị vô hiệu, vì liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba - bên nhận chuyển nhượng pháp luật quy định về các trường hợp ngay tình hay không ngay tình.

Cụ thể, căn cứ theo điều 133 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Khi này, bạn không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu vợ bạn phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Vo tu y ban dat chung roi bo theo nguoi tinh, xu ly the nao?
Ảnh minh họa

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu sẽ được giải quyết theo điều 131 Bộ luật dân sự 2015:  “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả”. Tức là vợ bạn phải trả lại số tiền đã nhận của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, và bên nhận chuyển nhượng phải chuyển giao lại giấy tờ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  

Bên cạnh đó, việc vợ bạn bỏ trốn có thể cấu thành hành vi vi phạm pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên việc này còn chờ vào kết luận điều tra của cơ quan công an bạn đã thông báo. Trong trường hợp của bạn, để tránh trường hợp vụ việc phức tạp, bạn có thể yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao quyền sử dụng này cho người khác cho đến khi sự việc được giải quyết.

Trên đây là những ý kiến pháp lý có liên quan đến trường hợp của bạn. Khi có vấn đề cần hỗ trợ bạn vui lòng liên hệ trực tiếp để nhận được sự hỗ trợ từ chúng tôi.

Thân chào và cảm ơn bạn.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

(Hãng luật Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI