Về rừng, "làm tổ" nuôi con

12/11/2015 - 07:51

PNO - Trong trăm ngàn cách để đi qua cuộc đời, vẫn có một chọn lựa, là làm điểm tựa cho ai đó, suốt đời.

Đằng sau cánh cổng “Khu du lịch sinh thái Thủy Điện Duy Sơn” là rừng núi im lìm. Mùa mưa, phòng bán vé vắng tanh, cô nhân viên chống cằm ngồi trong ô cửa, hờ hững nhìn ra. Bước qua cổng, đi thêm 500m trên con đường khúc khuỷu, bước xuống một chiếc cầu bé xíu bắc qua con suối nhỏ, rồi lại lên một con dốc nữa, mới tới cái quán nước màu xanh, nằm đơn độc, chìm khuất giữa bạt ngàn núi rừng.

Đó là chốn mưu sinh, cũng là nơi người mẹ Nguyễn Thị Năm ấp iu, nuôi nấng hai đứa con tật nguyền tuổi đôi mươi.

Ve rung,
Ngôi nhà đơn độc, lẩn khuất giữa núi rừng của gia đình chị Năm

Những đứa trẻ "không bao giờ lớn"

Nguyễn Thị Ánh Hồng chào đời năm 1990, một năm sau ngày chị Nguyễn Thị Năm nên duyên cùng anh Nguyễn Văn Thêm. Bốn tháng tuổi, thấy Hồng vàng da, chị Năm mang con xuống Trung tâm Y tế H.Duy Xuyên, được chẩn đoán viêm túi mật. Một năm trời thuốc thang vẫn không thấy tiến triển, mang con đi cùng khắp các bệnh viện thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng, chị Năm cũng chỉ nghe kết luận duy nhất: Hồng bị bại não, nhiều khả năng chịu tật nguyền cả đời.

Mười hai tháng tuổi, không biết lật, không biết bò, không một tương tác nào với người thân ngoài những tiếng ú ớ vô hồn, những tràng cười vu vơ, nhưng nhìn Hồng trắng trẻo, tròn trịa không khác những bạn cùng tuổi, chị vẫn hy vọng.

Mỗi ngày, tiễn chồng đi làm ở một trại mộc gần nhà, chị Năm lại quay vào với khung cửi, gửi Hồng cho mẹ chồng chăm nom. Một ngày hai lần, cứ đến giờ, chị lại gác công việc, quay sang tập cùng con gái những bài vật lý trị liệu đơn giản học từ một thầy lang trong vùng.

Thời đó, thợ mộc lương thấp, nghề dệt ẩm ương theo sức khỏe thất thường của con; lại thêm thuốc thang cho mẹ già, con dại, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Nhiều năm trời chị Năm không ra khỏi thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên, Quảng Nam, nơi chị cư trú. Năm 1994, “đánh liều” sinh cô con gái Nguyễn Thị Ánh Vân, đến năm 1999, thấy Vân khỏe mạnh bình thường, vợ chồng chị Năm lại sinh thêm đứa con trai út Nguyễn Văn Hải.

Ba tháng ròng rã sau ngày ra đời, Hải không hề ngủ đêm, cứ đến chiều lại giãy khóc, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cho biết con trai út của chị mắc bệnh bại não, động kinh.

Khi ấy, Hồng vừa lên chín, vẫn nằm một chỗ, ngơ ngác như đứa trẻ chưa tròn tuổi. Bế Hải về từ bệnh viện, đặt lên chiếc giường đứa con đầu đã nằm chín năm qua, chị Năm ôm lấy Ánh Vân, bật khóc. Từ độ ấy, chật vật chăm hai đứa con “không bao giờ lớn”, mà mỗi lần thấy Vân bệnh, dù chỉ là cảm sốt thông thường, chị cũng cuống cuồng sợ hãi.

Năm 2003, khi Vân đã vào tiểu học được hai năm, sức khỏe bình thường; chị Năm bắt đầu bế Hải ra Đà Nẵng, theo tập vật lý trị liệu ở một địa chỉ từ thiện với lời động viên của người quen: “trẻ dưới năm tuổi thì vẫn còn hy vọng”. Ở nhờ nhà người chị ở Q.Sơn Trà, mỗi sáng, chị Năm bắt xe ôm, rồi bế con qua thêm một chuyến phà, đến một trung tâm trị liệu ở Q.Hải Châu để chữa bệnh.

Không có tiền sắm sửa dụng cụ, phần lớn thời gian, hai mẹ con phải tự tập lấy trong lúc chờ tới lượt dùng dụng cụ của trung tâm. Mấy năm trời, Hải không chút tiến triển. Những lúc ngồi nhìn đứa con đang huơ huơ cánh tay theo tác động của mình, chị lại thẫn thờ nghĩ đến người chồng đã bỏ nghề mộc, bất chấp hiểm nguy theo nghề rà sắt để kiếm thêm chút tiền gửi ra thành phố, hai đứa con gái - một bệnh tật, một đang tuổi học hành - đang trông cậy vào mẹ già ở quê.

Một buổi sáng, khi xe ôm đến đón hai con như thường lệ, chị nói với Hải: “Về thôi con, về nhà với chị, tụi con ra sao má cũng sẽ lo được hết”. Rồi, bế đứa con trai ngơ ngác, với tay xách cái túi đi đường đã thu xếp sẵn, chị đứng dậy, lên xe ôm ra bến xe.

Ve rung,
Một buổi sáng thảnh thơi của ba mẹ con

Hơi ấm của hoang vu

Trong cái quán nước lồng lộng gió núi, chị đặt Hải trên đùi, một tay giữ tay con, một tay cẩn thận giữ hộp sữa, vừa đút từng chặp vào khuôn miệng méo mó, vừa trò chuyện, dỗ dành.

Đứa con trai 16 tuổi nằm mà đôi chân choãi ra khỏi lòng mẹ, cất lên giữa không trung vì các khớp đã khô cứng. Mỗi lần được đưa sữa vào miệng, Hải lại ngọ nguậy, tay chân quờ quạng như cố giữ thăng bằng. Rồi tấm thân gầy guộc như phải cơn co giật, nảy mạnh lên mỗi lần em nuốt một ngụm sữa.

Hải nuốt được ngụm sữa đầu tiên, chị Năm cúi xuống, vừa hôn cuống quít lên má con, vừa nựng nịu, ngợi khen, rồi ngước lên giải thích: “Mỗi lần nuốt là phải… lấy đà vậy đó!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI