Trên hòn đảo hôm ấy, tôi đã viết cho Dương

15/07/2018 - 06:00

PNO - Tôi bỏ từng lá thư vào để tận hưởng cảm giác thơ mộng xưa cũ. Tình yêu với thư tay, nỗi xúc động với chữ viết tay vừa được đánh thức. Căn phòng vắng lặng ban nãy, cũng đã trở thành một không gian viết thư...

Bưu điện đảo Trường Sa nằm trong khu hành chính cấp thị trấn - một dãy nhà “mặt tiền” của con đường dẫn ra cầu cảng. Buổi chiều tôi đến, bầy trẻ con vừa làm lễ đón khách ngoài cầu cảng đã kịp chạy vào, đuổi nhau cười đùa inh ỏi dưới những tàn cây trước sảnh ủy ban. 

Tôi leo lên tam cấp, đi về cánh trái của sảnh,  “không gian thư từ” mở ra bên trong ô cửa sổ có treo tấm biển tông màu cam nhạt quen thuộc của ngành bưu chính Việt Nam. Tấm biển ghi dòng chữ “Bưu điện Trường Sa”. 

Tren hon dao hom ay, toi da viet cho Duong
 

Bên trong, một người đàn ông tầm 45 tuổi đang lúi húi với xấp giấy tờ. Cái bưu điện nhỏ xíu, kê một chiếc tủ kính, một chiếc bàn và dành khoảng không gian sau cùng cho một căn phòng ngủ đơn sơ của anh bưu tá. Anh bưu tá đang cặm cụi sắp xếp giấy tờ sau quầy. Căn phòng yên tĩnh nhìn suốt ra không gian ở cánh cửa sau cùng. Thỉnh thoảng, mấy đứa trẻ đùa giỡn nhau, chạy xô vào bưu điện, vòng tay “chào bác” rồi líu ríu chạy ra. Khung cảnh thanh bình như miêu tả về một hòn đảo thanh bình và xa xôi trong những cuốn tiểu thuyết xưa khiến tôi muốn viết một lá thư tay. Tôi hỏi mua một tấm bưu thiếp. Anh bưu tá hồ hởi lấy ra một xấp, nói: “Hình như thời này người ta không viết tay nữa hả em?”. Câu hỏi vu vơ như một câu trả lời. 

Anh vốn là nhân viên bưu điện ở Khánh Hòa, rời đất liền ra Trường Sa từ 4 năm trước. Ở bưu điện Trường Sa, anh luôn trữ những tấm bưu thiếp in hình các hòn đảo để khách mang về tặng người thân. Nhưng càng ngày, lượng mua càng giảm. Tôi chọn 10 tấm bưu thiếp chụp các hòn đảo từ trên cao, rồi ra chiếc bàn trà, ngồi viết. 

Tren hon dao hom ay, toi da viet cho Duong
Tấm bưu thiếp dưới đây đã về đến Sài Gòn hồi cuối tháng Tư. Cô bạn tôi đã thấy nó đâu đó ở Osaka (Nhật Bản) với hình trang trí là những cành hoa nhìn... hổng giống hoa sen, nên mua lấy rồi viết vài dòng mà gửi về Việt Nam. 

Trải nghiệm này tôi từng có dễ trăm lần. Mỗi lần xúc động vì cảm giác mình đang “ở xa”, tôi lại muốn viết vài chữ gửi cho người thân. Những chuyến đi cùng đoàn, tôi thường phải mua vội vài tấm bưu thiếp đẹp rồi đợi đến lúc thảnh thơi, ngồi viết. Tấm bưu thiếp trong lần đầu đến Đà Lạt được tôi viết bên một gánh sữa đậu nành ở góc hồ Xuân Hương. Có tấm bưu thiếp viết tại ga Nha Trang. Rồi đợt tôi đi Đài Loan, người thân ở Việt Nam lại nhận được những tấm bưu thiếp sau nhiều lần ngồi viết trên những chuyến tàu điện liên đài. 

Thấy tôi loay hoay lồng mấy tấm bưu thiếp vừa viết xong vào bịch ni-lông, anh bưu tá cầm hai con dấu chạy đến, khoe: “Để anh đóng dấu Trường Sa cho!”. Anh đóng dấu tròn, ghi ngày tháng. Rồi cẩn mật cầm con dấu hình chữ nhật ra, làm như trình diễn. Con dấu để lại trên lá thư tôi một hàng chữ màu đỏ: “Thư gửi từ Trường Sa”. Dòng chữ thật thà làm tan chảy trái tim những kẻ thích viết thư tay ở một nơi xa. Anh nói: “Dấu bưu điện đóng rồi, em có thể tự mang bưu thiếp về tặng, hoặc gửi đây, hồi nào có tàu về đất liền anh sẽ gửi theo đường bưu điện cho”. 

Tôi cất những tấm bưu thiếp có địa chỉ khó tìm vào túi, gửi theo đường “tự mang về”. Thấy tôi loay hoay chỗ bàn viết, vài người phụ nữ đi cùng đoàn cũng ghé vào xem. Anh bưu tá chu đáo dắt tôi ra phía trước, chỉ nơi đặt hộp thư tín. 

Tren hon dao hom ay, toi da viet cho Duong
 

Chiếc hộp thư quen thuộc mà “rảnh rang” thấy thương. Tôi bỏ từng lá thư vào để tận hưởng cảm giác thơ mộng xưa cũ. Đến lúc quay vào bưu điện để gửi lời chào, tôi thấy anh bưu tá đã bị chìm lẩn đâu mất giữa một nhóm đông các chị đang rộn ràng chọn mua bưu thiếp. Tình yêu với thư tay, nỗi xúc động với chữ viết tay vừa được đánh thức. Căn phòng vắng lặng ban nãy, cũng đã trở thành một không gian viết thư...

Thiên Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI