Tôi mua sắm lãng phí để trêu ngươi chồng chi li, cuối cùng thì...

28/09/2016 - 06:30

PNO - Không chạy về với mẹ nữa, tôi khóc với chính mình. “Sao mãi mà vẫn chưa trưởng thành hả con?”. Bây giờ tôi mới hiểu câu nói của mẹ. Xấu chàng hổ thiếp ích gì cho gia đình tôi?

Lần thứ ba tôi bế con về, mẹ tôi lắc đầu: “Mãi mà vẫn chưa trưởng thành được hả con?”.

Tôi quay trở lại với chồng và bắt đầu lại bằng cách ghi rõ mọi chi tiêu trong ngày vào tờ giấy A4. Trước đây, khi chồng hỏi: “Tiền anh đưa có thấy em mua sắm gì đâu mà hết nhanh vậy?”, tôi ú ớ vì không thể nhớ rõ, mà những món tôi nhớ được thì cộng lại không trùng khớp với tiền chồng đưa. Cứ nhớ nhớ quên quên kiểu đó khiến tôi điên đầu mỗi khi chồng thở dài. Một cô vợ vụng về thật đáng để chồng thở dài. Mình có vụng về quá không? Nhiều lần tôi tự hỏi.

Ghi rõ ra giấy mới thấy có nhiều khoản lặt vặt mà cộng lại thì thành con số đáng kể. Ví dụ như mua cái khăn mặt hai chục ngàn đồng, tuýp kem đánh răng bốn chục, và cũng giá bốn chục hai cái bàn chải đánh răng loại lông mềm, đổ xăng hết năm chục và chở con đi học về ngang qua hàng bánh bao ngừng lại mua cho cu Tý hai chục ngàn. Sau đó là cây kem dưa lưới giá cũng hai chục.

Về tới nhà, vô bếp, mới nhớ ra đã hết dầu ăn. Vội chạy xuống siêu thị ở tầng một mua chai dầu đậu nành giá bốn tám ngàn. Quầy bên cạnh có thông báo khuyến mãi nước mắm mà hôm nay là hạn cuối, mua luôn hai chai giá chín chục ngàn. Ông bảo vệ chìa ra tờ giấy thu tiền internet một trăm chín hai ngàn năm trăm cộng với phí năm ngàn và nhắc tôi nợ ba lăm ngàn tiền tôi nhờ ông đem cái bàn ủi đi sửa giùm…

Toi mua sam lang phi de treu nguoi chong chi li, cuoi cung thi...
Ảnh mang tính minh họa. Internet

Chồng lướt mắt qua những dòng chữ và con số kín đặc trang giấy và nói bằng giọng thờ ơ: “Lung tung quá”. Tôi cũng thấy là lung tung quá. Nhưng mà rõ ràng hơn trước khi tôi ghi ra giấy rất nhiều. Chí ít là tôi biết rõ mình không vụng về làm mất tiền. Rơi rớt một tờ năm trăm ngàn đâu phải chuyện đùa.

***

Đôi khi tôi lại rơi vào bối rối khi chồng hỏi: “Anh nhớ là mới Chủ nhật vừa rồi em mua cả thùng sữa tươi mà đã hết rồi sao?”. Ừ, chồng nhớ rất chính xác. Và tôi cố lục lọi trong đầu để nhớ ra buổi chiều Chủ nhật đó có ông chú tới chơi. Nhà chú đông con, tôi gửi mấy lốc sữa về làm quà cho mấy đứa cháu. Thêm một kinh nghiệm, vậy nên tờ giấy A4 có thêm dấu hoa thị chú thích lý do cho những món hết nhanh.

Toi mua sam lang phi de treu nguoi chong chi li, cuoi cung thi...

Tôi ghét cái kiểu chồng lướt mắt qua tờ giấy chi chít chữ và số một cách thờ ơ, cứ như việc tôi ghi ra giấy là vì tôi thích quan trọng hóa vấn đề. Đôi khi tôi bỗng thấy lòng mình sôi sùng sục và tôi bùng nổ bằng tờ giấy chỉ ghi một dòng “hũ kem dưỡng da triệu hai”.

Nhìn hai con mắt chồng khựng lại trên tờ giấy, tôi khoái trá hả hê. Muốn mọi sự rõ ràng thì tôi rõ ràng cho mà biết. Tôi nhận ra tôi có thể trả đũa tính chi li của chồng bằng cách tiêu xài thẳng tay. Tuần sau, thêm tờ giấy chỉ có một dòng, là tôi mua một cái váy giá triệu rưỡi với lý do đám cưới con bà cô. Và tuần sau nữa, là cái áo khoác da ba triệu chuẩn bị cho mùa đông sắp đến. Lý do thật chính đáng.

Hai mùa đông liên tiếp trời không lạnh nên cái áo khoác da vẫn mới tinh trong tủ mà kiểu dáng thì đã lỗi thời. Tôi chợt nhận ra mình xử sự tệ hại chẳng kém gì cái tính chi li của chồng. Tôi chỉ muốn lên án chồng và hành xử theo cảm tính. Ích gì cho tôi? Ích gì cho cu Tý đã biết hỏi tại sao thế này tại sao thế kia và đã biết lấm lét lặng im khi tôi và chồng mặt nặng mày nhẹ bên mâm cơm.

Tôi đang làm gì gia đình mình đây khi chỉ muốn bực bội và đối đầu?

Nhận thức bất ngờ khiến tôi khóc một trận đã đời. Không chạy về với mẹ nữa, tôi khóc với chính mình. “Sao mãi mà vẫn chưa trưởng thành hả con?”. Bây giờ tôi mới hiểu câu nói của mẹ. Xấu chàng hổ thiếp ích gì cho gia đình tôi?

***

Tôi thôi những trò mua sắm lãng phí để trêu ngươi chồng và bắt đầu hành trình dành dụm. Thay vì than thở với mọi người về tính chi li của chồng khiến tôi nhiều khi phải xấu hổ thì hàng ngày tôi bỏ ống, dành tới khi hai bên nội ngoại có việc thì thay mặt chồng đóng góp.

Không buồn phiền kể lể nữa, tôi tham dự những cuộc họ hàng và xóm giềng như một đại diện của gia đình và khi ai đó hỏi tới chồng thì tôi tìm lý do chính đáng cho sự vắng mặt của anh. Tôi kể những mẩu chuyện vui về anh. Vậy, tôi biết là mình có bổn phận làm đẹp mặt chồng tức là làm đẹp cho gia đình mình.

Và lạ lùng sao, khi nói vui về chồng, tôi bỗng cảm thấy như từ trước tới giờ mình quá khắt khe với anh. Có phải tôi đòi hỏi quá không? Bạn bè tôi tâm sự có ông chồng tính trăng hoa, có ông chồng rượu chè ham chơi… Có khi đồng nghiệp tôi tới công ty với gò má sưng vù và chẳng ai tin lời dối bị đập mặt vô cánh cửa.

Nhân vô thập toàn. Mà chồng tôi hết giờ làm việc thường về nhà ngay, anh không vô bếp nhưng anh sẵn sàng chơi với con để tôi rảnh tay nấu nướng. Buổi tối, anh là người đọc truyện cổ tích cho cu Tý nghe. Tôi ghét mùi khói thuốc lá, mỗi khi hút anh đều đi ra ngoài ngay cả khi trời đang mưa...

Nếu có ai đó thắc mắc, mọi thứ đều ghi rõ trong tờ A4 thì làm sao tôi dành dụm tiền riêng được? Thật khó trả lời rành mạch câu hỏi này. Là đàn bà, trừ phi bạn muốn buông tay, còn một khi bạn muốn vun vén xây đắp cho gia đình mình thì bạn sẽ tìm ra cách.

Mười năm trôi qua kể từ khi tôi nhận ra hạnh phúc gia đình mình không thể tự nhiên mà có. Tôi đã “trưởng thành” như mẹ tôi nói đã làm vợ và làm mẹ thì cần phải vậy.

Những tờ giấy A4 không còn là nỗi buồn. Khi tôi ghi ra những con số chi tiêu trong ngày là chính tôi muốn kiểm soát tài chính gia đình mình và thậm chí tôi còn bắt chồng phải “khai” ra luôn những khoản chi của anh. Tôi còn bắt anh phải bỏ thuốc lá. Chỉ vì tiết kiệm thôi, chẳng phải vì tôi lo cho sức khỏe của anh đâu!

Vậy, bằng sự thay đổi tích cực của mình, tôi đã “giành” được quyền kiểm soát và không phải chỉ là tiền bạc...

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI