Thôi chào những phù du...

29/12/2017 - 12:00

PNO - Qua một trận bệnh, về thu xếp lại đời mình, nhiều chị em nói với Hạnh Dung rằng, họ càng thấm thía: không chỉ thể chất, mà chính tinh thần tích cực và an lành, mới quyết định chất lượng sống.

Vì sao người người khắp thế giới đều chào nhau bằng câu “khỏe không”, năm mới tới thì chúc nhau sức khỏe trước nhất? 

Trước, nghe người ta chúc nhau sức khỏe, tung hô rằng “sức khỏe là vàng” có khi ta cảm thấy thật sáo rỗng. Có trải qua một vài biến cố đời sống, một vài trận ốm dai dẳng, mới thấm thía, khi cái thứ “ngớ ngẩn và sáo rỗng” ấy bỏ mình mà đi thì thật chẳng còn tha thiết tới quần áo, son phấn, trai gái lứa đôi... gì nữa.

Thoi chao nhung phu du...
 

Lúc ấy, chỉ ước sao được như bình thường đã là sung sướng, hạnh phúc. Có vẻ khó tin, nhưng cứ sau mỗi đợt bệnh, người ta mới biết sợ, mới hiểu mình không còn nhiều thời gian và tuổi trẻ để mà phung phí. Ra đường, thi thoảng có bị kêu bằng “cô”, “dì” cũng không còn quá hậm hực, buồn rầu.

Một chị viết cho Hạnh Dung rằng, những ngày đau bệnh yếu ớt ấy, chị thường đến cơ quan bằng xe buýt. Ơ hờ nhìn qua khung cửa xe, chị hay nhìn thấy căn nhà từng mơ sẽ sắm được vào một ngày nào đó, với toàn bộ mặt tiền bằng kiếng, hàng rào sơn trắng phủ nhiều dây leo. Chị chợt muốn được bắt đầu lại cuộc đời mình, theo một cách nào đấy, đầy tiếc nuối…

Thiên hạ bảo, đàn bà ở mỗi giai đoạn sẽ yêu thương, thần tượng những mẫu đàn ông khác nhau. Điều đó phản ánh sự thay đổi trong tính cách, mong chờ của họ. Kiểu như bạch mã hoàng tử gầy gầy, dong dỏng cao của thời mới lớn hay người đàn ông lịch lãm, bệ vệ của tuổi trưởng thành, và giờ là cậu trai nhỏ xinh, mắt nhấp nháy như sao, miệng léo xéo tỏ tình theo một kiểu đảm bảo không đụng hàng: “Em yêu mẹ”. Rồi có chị tự hỏi tại sao mình lại có lúc thần tượng chàng A, anh B hay lão C vô dụng, mồm mép được nhỉ. Chị kể, trước kia chị ham đi chơi, tụ họp bạn bè lắm, rồi ước mình còn son rỗi hay dòm ngó nhỏ đồng nghiệp này số hưởng, trầm trồ cô gái nọ suốt ngày được xê dịch.

Giờ, chị chỉ muốn nhanh về nhà, thả mình lên chiếc nệm quen thuộc, xối nước trong cái nhà tắm khá bề bộn với cái máy sấy tóc “chập cheng”, vậy mà mừng; mặc kệ những phấn đấu, bon chen, áp lực ngoài kia. Đi đâu tới tối tới khuya cũng được, chứ qua đêm là lại nhớ nhà, nhớ con. Chỉ thèm cảm giác đầm ấm thân thuộc, an lòng…

Thoi chao nhung phu du...
 

Có chị chưa tới tuổi 40 đã không còn hứng thú chuyện tham quan, du lịch. Đến một vùng đất mới, xuống một sân ga xa lạ, chị nói chỉ muốn ngồi tĩnh lặng ở một góc phố, ngắm người qua lại. Một mình cũng được, không thấy buồn, thấy chán, cô đơn lạc lõng chi cả. Rồi thủng thẳng ghé cái chợ địa phương để coi ngó, xem có gì ưng mắt thì mang về. Cái tính “tha rơm về tổ” dường như càng có tuổi càng phát triển. Đi công tác tỉnh, gặp gì cũng muốn mua, từ hũ chao khoai môn cho tới mấy củ cải muối, con khô cá thu tới mớ cam xoàn miệt vườn. Ừ thì ngọt lành chẳng phải là tiêu chí đầu tiên của cuộc sống bình yên đó sao?

Nhiều chị soi mình trong gương, thấy nhan sắc đàn bà như con tàu một chiều chẳng quay trở lại. Đành tự an ủi về một thứ vẻ đẹp mang tên “thần thái”, như để huyễn hoặc chính mình, rằng tới độ tuổi này, các thể loại váy áo, trang sức hay trang điểm cũng chỉ nên đơn giản, nhẹ nhàng thôi. Quan trọng là bản thân đừng tăng cân, đừng xù xì, đen sạm. Tự dặn mình chăm vận động, chí ít cũng chịu khó đi bộ lên xuống cầu thang. Và nụ cười đầy vẻ yêu đời mới thật đáng để kiếm tìm, để mình rạng ngời, trẻ mãi trong mắt người thương.

Thoi chao nhung phu du...
Ảnh minh họa

Xưa, chỉ cần một lời khen của sếp dành cho cô đồng nghiệp là đêm ấy có chị mất ngủ vì ấm ức. Nói ganh thì hơi quá, nhưng sâu thẳm trong lòng, đàn bà vẫn đua với nhau từng chút một - muốn được chứng tỏ bản thân, thể hiện mình giỏi, có năng lực, coi sự nghiệp là lẽ sống. Giờ, cô bạn ấy vừa qua một đợt xạ trị, tóc chỉ còn lơ thơ đến tội. Căn bệnh trên trời ụp xuống khiến không chỉ bạn mà cả những người đàn bà xung quanh đều giật mình ngoảnh lại, rằng đời người hữu hạn lắm. Mọi được mất, nay mai rồi cũng đều hư ảo và vô nghĩa.

Không lười biếng, không buông xuôi, không thờ ơ mặc kệ, nhưng hãy chậm lại, vì hạnh phúc là cả một hành trình; là hiện tại, là bây giờ, chứ không phải là đích đến. Hạnh phúc không phải số tiền tích cóp được ở thì tương lai hay con xe bóng bẩy cả nhà đang nhắm tới, càng không ở những hơn thua vật chất bề ngoài. Hạnh phúc ở ngay trong đời sống nhẹ nhàng, biết đủ.

Qua một đợt bệnh tật, người đàn bà bỗng đa cảm khi nhớ nhung mùi the the của vỏ cam do bàn tay con gái nhỏ vắt cho mẹ, mùi lá xông chồng mỗi tối đi làm về ghé mua, treo lủng lẳng trên xe. Bài học trân quý bản thân, bất kể những lo toan, bộn bề của đoạn đời không mấy náo nhiệt mình đã trải qua, đều phải nằm lòng. Dẫu có muộn, đàn bà chúng ta cũng cần phải nhận ra điều gì mới là quan trọng nhất, ở tuổi của mình, phải không các chị?

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI