Sự lựa chọn nào không có giá

10/11/2017 - 11:11

PNO - Mọi thứ trên đời vẫn vậy - lựa chọn điều này thì phải mất điều kia. Còn loay hoay, mỏi mệt phải chăng do ta không thấu đáo lẽ đời giản dị đó?

Su lua chon nao khong co gia
Ảnh minh họa

1. Đến nhà em chơi, đôi mắt hun hút của em nhắc tôi nhớ về con đường làng ngoằn ngoèo, xa ngái ở quê vào những tối không trăng. Ánh mắt của cô gái mới một năm về nhà chồng mà sao chông chênh, sâu hoắm vậy?

Giận chồng, tôi chạy về với mẹ, nhăng nhít luộc khoai lang, vừa ăn vừa cười hay túm lấy cô bạn thân ngồi tâm sự chuyện hồi đại học, hoặc giả không có ai thì một mình ăn tô bún riêu đầu ngõ, nhìn mấy em bé mầm non lũn tũn níu tay ông bà giờ tan học để nghe lòng nhẹ nhõm hơn

Hồi dì mời đám cưới em, tôi cứ ngỡ em lấy cậu trai vẫn quấn quýt với em từ hồi trung học. Nhưng không, đó là người đàn ông thành đạt đã có cô con gái nhỏ, là giám đốc nơi em làm việc. Đi sau bóng lưng của em, tôi cầu mong hạnh phúc sẽ đến với em mình. Vài người xì xào về cái nhà mới xây của dì, về chiếc xe máy mới của em trai em, cả việc cậu bạn của em thất nghiệp, lông bông quán cà phê đầu ngõ...

Tôi không dám nghĩ, cũng không dám nói gì. Mỗi người đều có lý do để lựa chọn cuộc sống cho riêng mình.

Su lua chon nao khong co gia
Ảnh minh họa

2. Tôi nhớ mãi cái cảm giác như buốt tay khi nghe giọng em gái từ một nơi rất xa, rất khác với xứ mình: “Tuyết đang rơi, chị. Em đang đi bộ từ nhà ra trạm xe bus. Không một bóng người. Em bật danh bạ điện thoại, một cái list rất dài, mà em không biết gọi cho ai, kể cả ba mẹ”. Ngày em lấy chồng, biết em sẽ đến một nơi mà có thể cả đời mình cũng không có dịp ghé thăm, cả nhà ai cũng ưu tư. Ba mẹ tôi không dư dả gì, nhưng cũng vắt hết một đời đưa bốn chị em tôi đi hết giảng đường đại học.

Em tôi đi đâu, gọi cho ai những khi hờn giận - lẽ thường của cuộc sống hôn nhân - nơi xứ người? Không thể kể hết những tháng ngày em nghén, sinh rồi nuôi con, loay hoay chỉ có một mình...

Em là em kế tôi, thông minh, học giỏi từ nhỏ. Khi em mặc chiếc áo tốt nghiệp, ôm tấm bằng bác sĩ đa khoa màu đỏ, mắt ba tôi ngấn nước. Có lẽ ba đã yên tâm phần nào, lỡ bệnh tật có hiện diện trong nhà thì có đứa con bác sĩ của ba lo. Để em đi xa vì tình cảm của em, vì em muốn có dịp được nhìn, hít thở không khí ở một vùng trời khác là cả sự cố gắng của ba mẹ và cả nhà.

Mẹ tôi đã nhiều lần nén giọng nghẹn ngào, đưa điện thoại ra xa xa, kìm giọt nước mắt chực rơi, cố cười thành tiếng để em an tâm. Là chị, bước trước, tôi biết rồi em cũng sẽ có những bước chân như tôi, như mẹ, như tất cả mọi người trên hành trình đời, không làm sao tránh khỏi. Tôi hiểu vì sao giữa mịt mùng gió tuyết, em không đi với chồng mà nhấc từng bước nặng nề trên con đường trắng xóa, không người.

Su lua chon nao khong co gia
Ảnh minh họa

Có lần tôi hỏi: “Đã bao giờ em hối hận vì chọn đi xa?”. “Không chị. Em giờ cái gì cũng làm được. Hồi ở nhà, rửa chén em còn trốn. Nay em được đi học ở ngôi trường em mơ ước. Con em được sống và học ở một trong những nơi đáng sống, đáng học nhất thế giới. Em chấp nhận vất vả, chấp nhận xa người thân. Cái gì không có giá hả chị?” - em đáp. Em đã nói thay tôi cái ý nghĩ luẩn quẩn về cái giá của mọi lựa chọn.

3. Nhiều người xót chị, bạn tôi, khi thấy chị vừa đẹp vừa giỏi, sống chu toàn trước sau, chồng chị lại hết sức bình thường. Thời đại “bão táp” mà anh vẫn bình chân như vại - sáng ôm cặp đi chiều xách cặp về, lương bổng không bao nhiêu. Chị lăn xả gánh kinh tế gia đình.

Có lần, hai chị em ăn sáng, chị cười: “Không có anh, chị không làm được như giờ

Mọi thứ trên đời vẫn vậy - lựa chọn điều này thì phải mất điều kia. Còn loay hoay, mỏi mệt phải chăng do ta không thấu đáo lẽ đời giản dị đó?

đâu em.15 năm nay, mình anh đưa đón hai đứa nhỏ. Có những lúc, như năm rồi, con bé học lớp Chín, một ngày anh đưa đón tất cả tám lần, chưa kể đứa nhỏ. Rồi đi bơi, đi học đàn, học múa, chơi với con, kiểm tra bài vở... Nếu anh cũng lao vào kiếm tiền như những người đàn ông chị gặp, ai lo cho mấy cháu? Có những ngôi sao mà vẻ rực rỡ đập ngay vào mắt mình, nhưng cũng có những ngôi sao phải nhìn gần, nhìn kỹ mới thấy lấp lánh”. Tôi nhìn sững chị. Thốt nhiên, tôi hiểu vì sao chị đẹp, hiểu sao khi ngồi gần chị tôi lại thụ cảm một nguồn năng lượng tốt lành.

Tôi nhớ hình ảnh tán cây mà một cô MC từng nói trên truyền hình: “Cây người ta có hoa thì người ta hưởng hoa, cây người ta có trái thì người ta hưởng trái, cây mình không hoa không trái thì mình ngồi dưới tán lá để thưởng thức bóng râm”. Thật dễ thương và thâm trầm, minh triết! Hài lòng với lựa chọn của mình hóa ra là gốc rễ bình yên. 

 Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI