'Săn' chồng ngoại

24/09/2018 - 17:00

PNO - Nếu cứ ngồi đó mà chờ thì làm sao có thể "sắm" được một chàng ngoại kiều và rời khỏi Việt Nam, sống đời hạnh phúc như trên… Facebook. Nhiều cô bước vào cuộc “săn” chồng ngoại quyết liệt.

Ông bà có câu “cọc đi tìm trâu”, có ý chế giễu những cô gái chủ động đi tìm người yêu. Thời nay đã khác - ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình. Vấn đề là, ngày nay, nhiều phụ nữ đặt hạnh phúc ấy vào một hình mẫu “lạ” và lao đi tìm, đôi khi mất cả lý trí và… tự trọng.

'San' chong ngoai
 

Cách đây chừng 20-30 năm, nhà nào có con lấy chồng nước ngoài, nhất là những gia đình còn giữ nền nếp gia phong thuần Việt, thường rất buồn. Rồi cuộc sống trở nên cởi mở, phụ nữ Việt lấy chồng ngoại trở nên phổ biến. Tâm lý “tốt khoe, xấu che” khiến những cô hạnh phúc trong hôn nhân với chồng ngoại thích kể, thích khoe; còn các cô khác thì coi như lỡ rồi, đành im lặng cam chịu. Có lẽ vì thế mà trong mắt nhiều phụ nữ Việt, lấy chồng Tây là hạnh phúc, vì họ tâm lý, họ tôn trọng, họ chiều chuộng vợ…

Trên Facebook, hạnh phúc của các cô gái Việt lấy chồng ngoại luôn long lanh: nào là quà cáp, du lịch đó đây, hành động chăm chút. Chồng ngoại trở thành giấc mơ của nhiều người. Nhưng cứ ngồi đó mà chờ thì làm sao có thể "sắm" được một chàng ngoại kiều và rời khỏi Việt Nam, sống đời hạnh phúc như trên… Facebook. Nhiều cô bước vào cuộc “săn” chồng ngoại quyết liệt.

Bạn bè của Thanh Nghi, hơn năm nay, thường xuyên bị bất ngờ vì các chuyến xuất ngoại nhanh, gọn của cô. Vừa thấy cô đi Canada, trượt tuyết, tay trong tay với một anh chàng mắt xanh, tóc vàng thì thoắt cái đã thấy ở Hà Lan, ngắm hoa lá, rạng ngời niềm vui với một chàng bồ ngoại khác. Chuyến đi đầu tiên của Nghi được bạn bè chúc mừng, khen họ đẹp đôi, khen cô may mắn. Thế nhưng, đến chuyến thứ tư và nhiều nữa thì những lời chúc trở nên dè dặt. Mọi người bắt đầu hỏi nhau: ủa, con Nghi nó làm sao vậy?

Có gì đâu. Nghi chỉ đang “săn” chồng ngoại thôi mà. Thời xưa, phải làm việc gì đó có tiếp xúc với người nước ngoài mới có cơ hội quen, chứ giờ thì quá đơn giản. Hàng chục trang mạng làm quen với người nước ngoài, rồi mạng xã hội, các nhóm. Chỉ cần vài ba ngày trò chuyện, “tình yêu” giữa Nghi và các chàng nảy nở, bởi Nghi khá xinh, tiếng Anh giỏi và mạnh mẽ, cá tính lẫn có điều kiện vật chất. Quen được một thời gian ngắn là Nghi tìm cách xác định tương lai, vì cô đã qua hàng băm vài ba nấc. Nhưng các “con trâu” đều bận việc, chưa có ý định đến Việt Nam. Nghi lên đường vào hang, mong bắt được cọp.

'San' chong ngoai
Ảnh minh họa

Không khó đoán kết quả các cuộc tìm hiểu đó. Ngay sau những chuyến đi, Nghi xóa hết hình ảnh, thay hình đại diện trên Facebook và lặng im một thời gian. Rồi vài tháng sau lại lên đường. Cũng có chuyến đi của Nghi mang về kết quả khả quan: kéo dài được thêm ít lâu, thậm chí có chàng còn sang thăm Nghi, du lịch Việt Nam đôi tuần, nhưng rồi họ cũng biến mất. Bạn bè lúc đầu còn đồng tình với sự can đảm, mạnh mẽ của Nghi trong việc tự “kiến tạo” hạnh phúc. Nhưng dần dần cũng thấy bất bình và… buồn cười.

Nghi giỏi, có kiến thức, làm ra tiền, có vị trí xã hội, tự mua được nhà cửa, xe hơi khi mới 34 tuổi, nhưng cô lại đặt ước mơ vào hình mẫu hạnh phúc của người khác. Sòng phẳng và đầy khao khát, các cuộc du lịch của Nghi đa phần là tự cô bỏ tiền mua vé, làm visa. Đến nước người ta, cô cũng tự lo ăn ở hay chia với bạn trai chứ chẳng được ai lo. Cô chấp nhận tất cả với mục đích duy nhất: lấy chồng ngoại.

'San' chong ngoai
Ảnh minh họa

Trào lưu săn chồng ngoại lan sang cả những phụ nữ từng có chồng, có con. Lý luận của Huỳnh Thư - một bà mẹ đơn thân có con trai 4 tuổi - là: “Đàn ông ngoại dễ thông cảm với đổ vỡ cũ của vợ, biết cách đối xử với con riêng của vợ hơn”. Nhiều phụ nữ từng đổ vỡ cũng kêu rằng, không thể tin và yêu đàn ông Việt Nam được nữa, cũng tìm cách xuất ngoại kiếm chồng. Họ cương quyết và can đảm đến mức nhiều đứa trẻ 4, 5 tuổi phải sống cảnh xa mẹ nhiều tháng, nhất là khi những người mẹ tìm được người mới và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới, nhưng chưa dám, chưa đủ can đảm và điều kiện để bảo lãnh con, hay thậm chí là nói với chồng ngoại. Những đứa trẻ dần lớn lên cùng ông bà ngoại, cậu dì, trong khi mẹ chúng còn chưa có được bến đậu bình yên ở phương xa.

Tuần trước, tôi có tư vấn cho một bà mẹ đơn thân vừa trở về từ Đức sau chuyến “tìm hiểu” bất thành, vì cô nhận ra chàng không đủ khả năng kinh tế đùm bọc cô và hai con. Nghe cô quyết tâm chuyển hướng sang chồng Mỹ, tôi cố khuyên cô đừng bỏ con mà đi hoài như thế thì… bị cô khuyên lại.

Biết tôi đã qua tuổi 45, ly hôn, con đã tốt nghiệp đại học, có nhà cửa, xe cộ đàng hoàng, cô reo lên: “Điều kiện như chị mới dễ kiếm chồng nước ngoài đó. Chị có điều kiện vật chất, còn xinh đẹp, không có gánh nặng nào. Các ông trên 50 góa vợ, ly hôn bên kia tìm người như chị đầy”. Tôi ngạc nhiên hỏi, tuổi chị còn kiếm chồng ngoại làm gì nữa. “Thì xuất ngoại cho sướng và cho cái thằng chồng cũ của chị nó tức đỏ mắt, chứ còn làm gì nữa”! 

 Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI