Như chiếc lò xo bị nén quá lâu, khi họ bật lên, ai cũng choáng

18/08/2017 - 13:00

PNO - “Trên tất cả, tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi muốn chứng minh bất cứ điều gì. Tôi không muốn chứng minh bất cứ điều gì cả. Tôi chỉ muốn sống…”

Đó là câu nói là của Anna Karenina, khi cô khẳng định mong muốn được sống hết mình và được là chính mình. Cô là hình ảnh của những bà vợ nổi loạn nổi tiếng trong văn học cổ điển Nga, đã cố gắng giải phóng bản thân, vùng vẫy thoát khỏi khuôn khổ đè nén của phong kiến quý tộc.

Phải kết hôn với người mình không yêu, rồi tình cảm nồng nhiệt của Vronsky, đã đánh thức những khát khao yêu đương trong Anna. Cô đã phải đánh đổi rất nhiều để có được hạnh phúc bên Vronsky. Phải rời xa con trai và chịu bao gièm pha. 

Nhu chiec lo xo bi nen qua lau, khi ho bat len, ai cung choang
 

Trong thư gửi chị Hạnh Dung, một người vợ tâm sự: “Tôi lấy chồng năm 30 tuổi, do mai mối, vì nghĩ mình đã lớn tuổi. Ba năm sau tôi sinh liền hai con, một trai một gái. Cuộc sống cứ bình lặng trôi. Ngày đi làm, tối về tôi dọn dẹp, nấu nướng, chơi với con. Lễ thì cả nhà đi đâu đó chơi vài ngày. Tết luân phiên, năm về quê tôi, năm về quê chồng. Bình an nhưng cũng thật tẻ nhạt.

Tôi chưa bao giờ có cảm giác mình muốn điên lên vì vui. Cảm xúc với chồng cũng nhàn nhạt, không hề biết thế nào là mê đắm hay thăng hoa. Nói với nhau vài câu trong bữa ăn tối. Họa hoằn nhắn một cái tin, cũng chỉ là những việc liên quan đến gia đình.

Từ khi lấy chồng, tôi chưa lần nào ra ngoài vào buổi tối, chưa khi nào đi đâu một mình qua đêm mà không có con theo cùng. Nhiều lúc tôi chỉ muốn bỏ hết mọi thứ để đi đâu đó vài tháng, phiêu lưu một chút, sống khác với cách mình đang sống mỗi ngày, một lần rồi thôi; mặc người khác dòm ngó, gièm pha; mặc chồng có thể điên tiết lên… Ngày mai có ra sao cũng không sao.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi, mình không làm bây giờ thì bao giờ? Tuổi xế đã lấp lửng sau lưng, nếu không thử một lần nổi loạn, chắc chắn đời tôi rồi sẽ cứ đều đều như vậy đến ngày cuối cùng; như tác giả của Mật mã Tây Tạng viết: “Cuộc đời của người phụ nữ học, đi làm, lấy chồng, sinh con và chết…”.

Nhu chiec lo xo bi nen qua lau, khi ho bat len, ai cung choang
Ảnh minh họa

Thư của chị cũng là tâm tình chung của nhiều phụ nữ, dù đang sống những ngày bình an, nhưng lại không như những gì họ từng hình dung về đời mình. Họ không muốn cả đời mãi đều đều một điệp khúc nhàm chán…

Có nhiều nguyên nhân khiến những bà vợ đột nhiên “nổi loạn”. Một bà vợ vốn hiền dịu, chiều chồng thương con, ở nhà nội trợ mấy mươi năm, cho đến khi con cái trưởng thành, ra riêng. Chỉ còn hai vợ chồng già bên nhau. Ông có những bận tâm riêng, vẫn chưa đến tuổi hưu nên đi về giờ giấc thoải mái. Con cái ổn định, cũng chẳng nhờ cậy mẹ việc gì. Bà rảnh rỗi ngẫm lại đời mình, tự dưng muốn thay đổi. Ít nhất là để thấy đời mình còn có gì đó để mà vui.

Bà đi chơi, học khiêu vũ, gặp mặt bạn bè hàng tuần... Cả nhà nháo nhào. Ông về không có cơm ăn. Con ghé lại thấy nhà cửa lặng ngắt vì mẹ đã du lịch với nhóm bạn tập thể dục chung. Con cái lo lắng không biết mẹ thế nào mà cứ đòi sống cho bản thân. Ông hoang mang không biết vì đâu vợ tự nhiên cứ nhắc đi nhắc lại: “Mình không thương mình trời tru đất diệt”. Giờ ông toàn nghe ở bà chuyện cả đời lo cho chồng con rồi, giờ đã đến lúc phải thương lấy mình rồi, phải sống cho mình, ôm đồm thêm lúc nào là khổ cho mình lúc ấy… Hóa ra, bà “nổi loạn” vì thấy đã hy sinh nhiều rồi, giờ không hy sinh nữa mà sống cho mình.

Chồng Mây ngoại tình. Chuyện vỡ lở thì được dàn xếp ổn thỏa ngay. Nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, lòng Mây lại trào lên một nỗi ấm ức không thể diễn tả được. Cô nghĩ tới nghĩ lui lý do chồng ngoại tình. Có phải do mình quá an phận, mình quá cũ kỹ?… Vậy thì phải “bùng” cho chồng biết mình từng là người thế nào.

Vậy là, tan sở Mây không về nhà ngay nữa mà đi spa; sắm một lúc hơn mười bộ váy bó mà trước giờ cô không bao giờ mặc. Cô còn đi tập gym, tham gia câu lạc bộ khiêu vũ. Bận rộn, Mây thưa dần chuyện cơm nước cho chồng con. Cô tự biện minh: “Mình nổi loạn vì thương mình chứ đợi chồng thương thì biết đến bao giờ…”  Cô “nổi loạn” trong hôn nhân sau những xáo trộn từ chính hôn nhân của mình. Một kiểu “nổi loạn” cho … bõ tức.

Nhu chiec lo xo bi nen qua lau, khi ho bat len, ai cung choang
Ảnh minh họa

Một buổi sáng, mọi người trong cơ quan hết sức bất ngờ khi Hoa xuất hiện khác hẳn thường ngày. Tóc uốn xù, vest phối quần lửng, bên trong áo ống hở 1/3 khuôn ngực đầy đặn. Nước hoa mùi mạnh. Hoa cười thú vị bởi những xuýt xoa khi cô qua các dãy ghế của đồng nghiệp. Hoa giải thích với cánh gái trẻ ở cơ quan là chị đang… yêu mình đấy. Chị phải như vậy mới thật là chị. Trước giờ, chị chỉ sống dưới sự gia trưởng cực đoan của chồng.

Chồng Hoa là con duy nhất của một gia đình địa chủ ở Châu Đốc. Giờ mà mẹ chồng Hoa vẫn còn ngồi trên đi-văng cho người giúp việc đấm lưng mỗi tối. Vì thế, việc mặc một bộ quần áo thời trang hay một chiếc đầm, với Hoa, là không tưởng. Chồng Hoa kiểm soát vợ đến cả việc mua một đôi giày. Hoa ngày càng khép kín, ăn mặc thuần màu trầm, đi thưa về trình, khép nép trong chính căn nhà mình, dù hai con đã lớn. Cô khác hẳn hình ảnh thời son rỗi, một cô Hoa hiện đại, khôn ngoan trong giao tiếp, sành điệu trong ăn mặc. Việc Hoa thay đổi hoàn toàn để đáp ứng yêu cầu của chồng từng trở thành đề tài bàn tán của mọi người một thời gian dài. Giờ Hoa đùng đùng tuyên bố trở lại là chính mình, cùng lắm thì…ly hôn.

Sống khác mình là một bi kịch. Thay đổi thói quen, sở thích, nhu cầu cá nhân vì người khác là một bi kịch. Yêu mình, trở lại là chính mình, như Hoa đang làm, là chuyện phải được động viên, ủng hộ; chỉ cần không thái quá hay sa đà. Dung hòa giữa hiện tại với hình ảnh của mình ngày xưa là một lựa chọn hợp lý.

Có những cuộc “nổi loạn” đơn thuần chỉ do những bà vợ, một ngày chợt nhận ra mình đã đến lúc phải thay đổi, phải có một hình ảnh khác hoặc trở lại với mình ngày xưa. Lại có những “nổi loạn” mà nguyên nhân là từ sự tác động bên ngoài.

Nhu chiec lo xo bi nen qua lau, khi ho bat len, ai cung choang
Ảnh minh họa

Minh Ánh, quản lý nhân sự một công ty đa quốc gia, khi lấy chồng thì chỉ biết có chồng. Điện thoại ra kiểu mới, Ánh sắm ngay cho chồng. Quần áo của chồng, Ánh nhờ người mang về từ Mỹ hoặc các nước châu Âu. Chồng Ánh bảnh bao trong khi vợ thì ngược lại hoàn toàn. Ánh chỉ ăn mặc đơn giản, xài lại điện thoại cũ chồng thải ra. Lúc nào Ánh cũng lùi xùi, xấu xí dù cô đang làm việc trong một môi trường hiện đại, trẻ trung.

Các đồng nghiệp đã hạ quyết tâm “cứu” Ánh. Ngày nào mọi người cũng khuyên Ánh đủ điều trong giờ ăn trưa. Có bài báo nào nói về kiểu phụ nữ như Ánh và kết cục tệ hại họ nhận được, là mọi người gửi ngay cho Ánh xem. Không ai mong Ánh quậy tưng lên, nhưng muốn Ánh phải biết sống vì mình trước. Mình có vui, có đẹp, có khỏe thì gia đình mới vui vẻ, hạnh phúc. Rồi Ánh cũng dần thay đổi, đến mức chồng Ánh phải ngạc nhiên khi thấy vợ mình ngày càng như xinh đẹp hơn. Biết vì mình hơn, đâu phải là “nổi loạn” xấu. 

Phụ nữ vốn quen nhẫn nhịn và thường nghĩ nếu phải bớt đi của mình một chút niềm vui mà mọi việc dễ dàng hơn, thì họ luôn sẵn sàng… Cũng chính họ luôn tìm cách tự an ủi và thỏa hiệp khi cuộc sống không được như mong muốn.

Họ phớt lờ những trục trặc; chịu đựng và tự ru ngủ mình như vậy là cũng ổn, bình an là tốt lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa… Để đến một lúc nào đó, họ chợt bật lên. Như một chiếc lò xo bị nén quá chặt, quá lâu… Có khi chuyển biến đột ngột từ thái cực này sang thái cực khác. Ai cũng ngỡ ngàng…

Ái Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI