Nghĩa tào khang trên lằn ranh sinh tử (Bài 2)

15/11/2017 - 11:39

PNO - Giữa lúc phải chứng kiến cảnh nhiều người phụ nữ bị bỏ rơi, một thân một mình chống chọi căn bệnh ung thư, chúng tôi đồng thời ghi được không ít hình ảnh xúc động của những người chồng chăm vợ tại Bệnh viện Ung Bướu...

BÀI 2:  24 GIỜ NƠI CỬA TỬ

Chuyện dưới gốc cây cổ thụ

6g sáng, tôi xếp hàng chờ xin cháo từ thiện cạnh chân cầu đi bộ đường Nơ Trang Long. Sau tôi là người đàn ông trạc 50 tuổi, gương mặt sạm đen, khắc khổ, cầm cái hũ thủy tinh xoay xoay trong tay. Thấy anh xếp hàng, một dì lớn tuổi đứng cạnh xe cháo vừa kéo tay anh lên phía trên vừa nói: “Xin lỗi mọi người nha, ưu tiên cậu này trước, vợ cậu nặng lắm rồi”. Tôi hấp tấp chạy theo anh, nhìn kỹ, hóa ra anh chính là người đàn ông “thương vợ quá trời” mà các anh chị ở Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã nhiều lần kể tôi nghe.

Nghia tao khang tren lan ranh sinh tu (Bai 2)
Anh Nguyễn Văn Hoan chăm vợ

Anh tên Q., ở thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), còn chị tên H., 39 tuổi, bị ung thư vú, đã di căn nặng làm lòa đôi mắt. Suốt bốn năm chị điều trị ở bệnh viện, sáng nào anh cũng dìu vợ xuống chiếc ghế đá cạnh gốc cây cổ thụ to nhất sân bệnh viện và ngồi bón từng muỗng cháo cho chị. Người chị gầy đét, trơ xương, cái đầu thường phải nghểnh lên nên phải thật lâu anh mới đút được một muỗng. Thế nhưng anh không chút phàn nàn, chỉ cười. Không rõ nói chuyện gì mà anh cứ thủ thỉ, rù rì bên tai chị suốt buổi.

Nghe lệnh tập trung của khoa Ngoại 1, lúc 9g ngày 30/10, tôi ôm túi xách, ghé phòng 104 nghe buổi trò chuyện đầu tuần của bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Tiến - trưởng khoa. Trong phòng, hơn 40 bệnh nhân nữ chen vai, nghe rõ từng tiếng thở dài, nhịp tim hồi hộp của nhau. Các anh chồng cũng bám sát cửa sổ, cố nuốt từng lời của vị BS trưởng khoa. Các anh cũng hồi hộp, chờ kết quả hội chẩn. Tôi nhìn ra, có người mắt đỏ hoe.

Ngỏ lời xin anh Q. cho chụp một tấm hình vợ chồng anh, anh mỉm cười: “Thôi, cô ấy không thích đâu. Cô ấy lúc nào cũng muốn mình xinh đẹp. Chờ vợ tôi khỏe lại rồi cô hẵng chụp nghen”.

Trong lúc BS phân tích những khả năng có thể xảy ra sau hội chẩn, một người đàn ông mặc quần short, áo thun, chen vội vào phòng, đến chiếc giường cuối cùng, đưa tay đỡ người phụ nữ lên, xoa lưng, nhẹ giọng: “Ráng nghe em, biết đâu khối u của mình lành tính”. Chị vợ nhăn mặt, hình như một cơn đau nữa đang kéo về. Anh với lấy chai nước, mở nắp, đưa sát chị: “Em uống chút nước nha”. Chị nhấp ngụm nước xong, ngả đầu vào vai chồng. Anh lại tiếp tục vỗ nhẹ lưng chị, mắt đăm đăm dõi theo vị BS đang hướng dẫn bệnh nhân trong phòng.

“Tuần nào cũng vậy, trước giờ hội chẩn, chúng tôi đều tập trung bệnh nhân để làm công tác tư tưởng - vừa để bệnh nhân hiểu hơn về ung thư và phương thức điều trị, vừa khuyến cáo về những nguy hiểm nếu bỏ điều trị giữa chừng. Quan trọng hơn là chúng tôi sẽ nắm được tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của bệnh nhân để có hướng giúp đỡ kịp thời” - BS Tiến nói. Quả vậy, ngồi giữa những người bệnh, cùng nghe BS Tiến và điều dưỡng trưởng Trần Thị Kim Liên trao đổi, tôi nhận ra rằng dù cùng vào “cửa tử”, tâm trạng, thái độ của mỗi bệnh nhân lại khác nhau - người đầy niềm tin, người rươm rướm nước mắt, người ủ rũ, người được chồng con, cha mẹ đứng ngoài vẫy tay an ủi…

11g, theo chân chị Ngô Thị Công, quê ở Quảng Nam - người thường xuyên ra vào khoa Ngoại 1 để chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân khó khăn - mới thấy hết hình ảnh động lòng của những anh chồng chăm vợ. Ngoài hành lang, một người đàn ông trạc 60 tuổi, tay giơ cao chai nước biển, tay dìu vợ đi tới đi lui, chậm rãi từng bước. Trong phòng hậu phẫu 103, quanh tám chiếc giường là sáu anh chồng đang bón cháo, bón nước cho vợ. Chị Công kể: “Mười bảy năm gắn bó với bệnh viện này, tôi đã thấy không ít anh chồng một tay chăm sóc cho vợ. Có người nuôi 5 năm, 10 năm rồi nhưng vẫn hết sức chăm chút, yêu thương hệt như ngày đầu, không một lúc xa rời”.

Yêu thương còn mãi

14g, tôi ngồi cùng chị Ánh Hồng (quê ở An Giang) đợi kết quả hội chẩn. Người phụ nữ đối diện nước mắt như mưa. Bên cạnh, anh chồng ôm chặt vai chị, cuống quýt: “Em đừng sợ, anh về bán đàn bò lo cho”. Như kìm nén từ lâu, chị òa lên: “Bán hết đàn bò, anh và con còn gì để sống?”. Anh nói: “Chừng em khỏe, anh đi làm kiếm lại”. Nhiều chị ngồi gần đó, đưa tay quệt nước mắt. Các anh chồng đi theo vợ lại lặng lẽ vỗ bờ vai các chị.

16g, anh A. - người đang nuôi vợ ở phòng 403 - khều vai tôi: “Ê, đi lấy cơm từ thiện. Hai xe nha, xe chay, xe mặn”. Tôi xếp chiếu, vọt theo anh. Anh kể: “Hồi mới vô chăm vợ, nghe rủ đi lấy cơm từ thiện, tôi xấu hổ lắm, nghĩ mình cũng có sức, sao tới nước xin cơm người khác. Nhưng bốn năm qua đi, chuyển từ khoa Ngoại, sang khoa Xạ, rồi về khoa Nội, lâu ngày quen dần, không “quê” nữa. Nhờ tấm lòng của các y - BS và các nhà hảo tâm tôi mới mua được thẻ bảo hiểm y tế điều trị dài ngày cho vợ. Nhờ mấy hộp cơm, hộp cháo này, tôi mới có sức chạy đi phụ hồ, kiếm tiền vô máu cho cô ấy”.

Nghia tao khang tren lan ranh sinh tu (Bai 2)
Bà cụ 70 tuổi ở Đồng Tháp, bệnh nhân giường số 10, phòng 105 khoa Ngoại 1 được chồng chăm sóc ân cần suốt hơn 10 năm

Lời anh nhắc tôi nhớ lúc 20g hôm trước - anh ngồi ở góc phòng, bóp tay cho vợ, bị chị đập tay, la đau: “Chồng con gì nhờ có chút chuyện cũng không xong”. Tôi hỏi anh đi làm đã cực, lại nghe chị cằn nhằn hoài có mệt không. Ánh mắt anh như ánh lên, hỏi lại: “Bộ cô nghe cô ấy rầy tôi hả? Rầy vậy thôi chứ không có gì đâu. Tại cô ấy đau nên mới vậy chớ bình thường hiền lắm”.

Những người đàn ông tôi gặp nơi “cửa tử” này không ai tuyên bố mình thương vợ, nhưng từng sự tận tụy, hết lòng của các anh đã tỏa ra hình ảnh yêu thương lấp lánh. Như lời anh Nguyễn Văn Hoan, 58 tuổi, ở TP. Nha Trang, tâm sự: “Hơn cả tình thương là cái nghĩa vợ chồng, là sự mang ơn cô ấy đã hy sinh vì chồng, vì con suốt một thời khó khăn. Tuổi trung niên chưa hưởng được chút nhàn thì cô ấy đổ bệnh. Tôi không tự tay chăm vợ thì còn gì tình nghĩa”.

Nghe chồng nói, chị Thúy Phạn - vợ anh - nghẹn ngào: “Nếu không có anh ấy, chắc

Cụ S., 70 tuổi, đã 10 năm ra vào bệnh viện theo bốn lần mổ của vợ. Nhà cửa đã bán sạch, con cái tản mác. Hỏi ông có thấy nản không, ông cười hiền: “Mình mà nản, bà ấy buông xuôi thì làm sao hết bệnh”. Nói rồi, bàn tay thô ráp của ông nhúng chiếc khăn, vắt nước, lau nhẹ trán vợ. Bà đang sốt nhẹ sau ca phẫu thuật. Ông trêu bà: “Tội chưa, người ta mổ một lần đã mệt chết rồi, đằng này bà bị “phanh thây” bốn lần. Bà “ngon” hơn người ta nghe”. Khóe môi bà nhếch nhẹ như cười: “Ông suốt ngày chọc tôi, kiếm chỗ ngồi nghỉ tí đi, tôi thấy đỡ hơn rồi”.

tôi đã quỵ từ hai năm trước khi biết mình bị ung thư cổ tử cung. Lo mình chết, con cái không được quan tâm, chăm sóc, tôi dặn anh mai này đừng lấy vợ. Anh ghẹo: “Anh phải lo xong bà vợ này tới trăm tuổi rồi tính”. Anh bỏ hết việc ở đầm tôm, chạy hết bệnh viện này sang bệnh viện khác lo cho tôi từng chút một, học cách gội đầu, thay tã cho vợ...”.

BS Tiến nói: “Bệnh nhân phải được chăm sóc chu đáo cả tinh thần và thể xác thì việc điều trị mới đáp ứng tốt. Do vậy, người thân cần ân cần, tận tụy và cảm thông sâu sắc với người bệnh để kịp thời an ủi, xoa dịu và nâng đỡ họ, giúp họ đủ sức chịu đựng và đủ mạnh mẽ để vượt qua”.

Ở lằn ranh sinh - tử, chúng tôi được trải nghiệm nỗi đau cùng tình yêu thương ở hai đỉnh cực của nó. Có anh chồng thức trắng suốt năm đêm chỉ để cùng vợ nhìn vào gương xem bên ngực đã bị cắt đi, để khẳng định với chị: “Em vẫn đẹp và anh luôn cần có em”. Có anh chồng tuổi mới 30, bám gót BS cả tuần mới ấp úng nhờ tư vấn cho vợ yên lòng cắt bỏ tử cung theo đúng phác đồ điều trị. Anh còn xin được thắt ống dẫn tinh, triệt sản, dù vợ chồng chưa sinh đứa con nào cả để vợ tin anh không rời bỏ chị.

Dẫu biết mỗi người một số phận, nhưng cứ ước một sớm mai, chồng chị P., chồng chị T.N. và nhiều đức ông chồng khác nữa, bỗng thức tỉnh, hiểu và san sẻ cùng vợ những nỗi đau. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI