Miệng hùm gan sứa

26/10/2018 - 12:00

PNO - Em bị rụng tóc, quét cỡ nào nhà cũng còn sót mấy cọng, vậy là má chồng nói: “Nhà gì đâu tóc không vầy nè, cạo trọc đi cho khỏe!”. Em ứa nước mắt, cảm thấy tổn thương vô cùng…

Em mới lập gia đình được hơn một năm, hiện đang “làm dâu”. Má chồng em có một thói quen rất khó chịu, mà em cố gắng bao nhiêu cũng không thể hiểu và thông cảm được: bà thường nói rất to, dù trong nhà chỉ có mấy người: vợ chồng em, ba má và một cậu em trai út đang học đại học.

Má to tiếng đã đành, cách nói của má còn rất bỗ bã. Ví dụ mèo nhà hàng xóm hay vô nhà, má đuổi mèo ra là được rồi, còn nói: “Mấy con mắc dịch, tao mà nắm được đầu là tao đập chết tươi liền!”. Xe chú Út đi về mà để chảy nhớt ra nền nhà, má nói: “Có ai đem cái xe bỏ ra ngoài đường giùm cái, không thì tao đốt bỏ, chớ để dơ nhà dơ cửa tùm lum”... Nói chung là cái gì má cũng hăm đập, giết, đốt, bằm, chém… rất bạo lực. 

Mieng hum gan sua
 

Hồi đầu nghe vậy, em sợ lắm nhưng mọi người trong gia đình thì cứ xem như không. Sau rồi em hiểu ra má chỉ nói vậy thôi, trước giờ thành tật quen rồi, chứ trong tâm má không nghĩ vậy. Em cũng hiểu má nhiều khi làm ngược lại với lời nói, ví dụ xe chú Út cứ để vậy, đâu có sửa chữa gì, chảy nhớt hoài, má để cái ca nhựa dưới xe hứng nhớt. Em nghĩ thôi mình cố gắng bỏ qua đi.

Nói thì dễ, chừng động tới mình thì khó quá. Em bị rụng tóc, quét cỡ nào nhà cũng còn sót mấy cọng, vậy là má nói: “Nhà gì đâu tóc không vầy nè, cạo trọc đi cho khỏe!”. Em ứa nước mắt, cảm thấy tổn thương vô cùng. Nếu cứ như vậy, em khó lòng sống nổi trong nhà…

Anh Thư (TP.HCM)

Em Anh Thư thân mến, 

Ở đời có người làm mà không nói, cũng có người nói mà không làm; miệng mồm nói năng hùng hổ, có khi ác khẩu nữa nhưng chỉ vậy thôi, nói xong là xong, không để bụng, không ghim gút. Đôi khi sống với người như vậy mà khỏe, bởi mình không phải đoán mò, mệt đầu phân tích qua lại để hiểu được ý tứ sâu xa; mình chỉ cần hiểu tâm hiểu tính của má, là bỏ qua được lời nói khó nghe. Căn bản là việc làm, phải không em? Khi hiểu được tính cách con người rồi, thì không cần chấp nệ vào lời nói nữa. Má chồng em nói vậy nhưng bà không làm vậy. Mình chấp vô lời nói thì mình khổ, mình nghĩ tới nghĩ lui mà tự tổn thương, chứ má nói xong là quên hết, coi như không có gì. Theo chị, mình đừng chấp nữa thì hơn.

Cũng không phải mình bỏ qua hết những lời của má, chỉ cần cài một hệ số giảm nhẹ cho mình là an toàn. Ví dụ má nói “đập chết tươi mấy con mèo”, em chỉ cần để ý đóng cửa kỹ để mèo khỏi vô nhà; má nói đồ đạc nọ kia cứ “quăng hết ra đường”, em chỉ cần sắp xếp lại gọn gàng sạch sẽ. Cũng như cà phê, có người uống nặng đô, có người nhẹ đô. Má quen xài ngôn ngữ “hạng nặng”, chứ không phải tâm tính nặng nề như thế. Bằng cách nói chuyện của mình, em có thể cân bằng lại sắc thái ngôn ngữ gia đình.

Có thể má không thay đổi được ngay, bởi thói quen đó được hình thành từ lâu, nhưng về lâu dài có lẽ sẽ giảm dần được đôi chút. Em cũng có thể tâm sự nhẹ nhàng với má: “Hồi đầu mới về nhà nghe má nói chuyện vậy con sợ quá, lâu rồi con mới hiểu tâm tính của má…”; má sẽ nhận ra và điều chỉnh từ từ. Mình là “nhân vật mới” của gia đình, cần có thời gian để hai bên điều chỉnh cho phù hợp với nhau. 

Cần nhất là em đừng trả treo, chỉ trích, vì việc này sẽ dẫn đến hai bên cũng dùng ngôn ngữ “bạo lực” như nhau. Mình cứ nhẹ nhàng, từ từ từng việc một mà làm, tự nhủ mình bình tĩnh, nghe và hiểu nghĩa thực của lời, chứ đừng bị lời nói làm cho bực dọc, mất bình tĩnh. Hài hước cũng là một kỹ năng, để khiến mọi việc nhẹ nhàng hơn. Chúc em sống vui trong gia đình mới.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI