McMahon và Cúc

07/02/2019 - 12:00

PNO - Tôi may mắn được gặp những người nghị lực mạnh mẽ, vượt qua mọi trói buộc, rào cản sau chiến tranh. Câu chuyện gây ấn tượng, truyền cảm hứng cho tôi nhiều năm là mối tình xuyên biên giới của Pat McMahon và người phụ nữ tên Cúc.

60 năm lặng lẽ một mối tình

Pat McMahon là một trong 50 cố vấn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam, bị cô y tá Nguyễn Thị Cúc và những cộng sự trói ở núi rừng Phan Lý Chàm (thuộc tỉnh Bình Thuận) khi đi săn. Sau sự cố hiểu lầm ông là “Fulro”, một tình yêu thầm lặng, cao thượng, đẹp đẽ của viên sĩ quan cố vấn Mỹ dành cho cô gái Việt Nam đã tượng hình.

Năm 1968, ông đã can đảm lái xe tiếp tế lương thực cho trại xã hội, nơi bà Cúc làm việc khi những họng súng đối phương sẵn sàng nã vào những người lính Mỹ. Tháng 3 năm 1973, ông trở lại Việt Nam, thuyết phục bà sang Mỹ chung sống nhưng Cúc đã từ chối. Sau 1975, bà cũng không chọn con đường sang Mỹ với ông vì muốn ở lại Việt Nam giúp những người phụ nữ yếu thế là vợ, con sĩ quan chế độ cũ sinh sống bằng sản phẩm mây tre lá của bà, giúp những người dưới đáy xã hội vươn lên, tìm lại phẩm giá con người.

Bà chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất dũng cảm chiến đấu với cơ chế quan liêu bao cấp đầy trói buộc một thời, đã nuôi sống hàng ngàn phụ nữ cơ nhỡ, cứu vớt nhiều gia đình từ những cọng lục bình, dây chuối... rẻ tiền. 

Trở lại Việt Nam, đến tham quan phòng trưng bày sản phẩm của bà, ông càng thêm trân quý người phụ nữ mình yêu thương. Ông chân thành nói: “Tôi yêu mến và kính trọng Cúc vì lòng yêu nước, yêu người nghèo của cô ấy. Nhiều lần tôi ngỏ lời đưa Cúc sang Mỹ bởi có lúc Việt Nam rất khó khăn về kinh tế, song câu trả lời của Cúc làm tôi bất ngờ và kính trọng hơn: “Cảm ơn ông, nhưng tôi yêu người nghèo, yêu đất nước Việt Nam của tôi hơn cả bản thân tôi”. 

McMahon va Cuc

Ông xúc động nhận bức tranh hoa tôi vẽ tặng ông, với đóa hoa cúc và chiếc lá mang biểu tượng bàn tay, bỏ lại sau lưng quá khứ đau buồn cuộc chiến tranh ở Việt Nam

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, hợp tác xã Ba Nhất của bà Cúc ngày nay trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ, có thị trường ở 40 quốc gia, nuôi sống hàng vạn lao động. Trở lại chiến trường xưa sau hơn 40 năm, Pat McMahon xúc động nói: “Bà Cúc là người anh hùng của Việt Nam và của tôi”. 

Gần 60 năm, Pat Mcmahon vẫn âm thầm, lặng lẽ đi bên cuộc đời bà Cúc, yêu thương, giúp đỡ bà không điều kiện. Mối tình xuyên không gian, thời gian của McMahon và Cúc khiến tôi càng cảm nhận sâu sắc, rằng chiến tranh dù rất tàn nhẫn nhưng tình yêu là có thật ở trên đời. Mối tình ấy thôi thúc tôi vượt qua nửa vòng trái đất, tìm đến người cựu binh Mỹ ở một làng xa xôi của bang Wisconsin, để đi tìm những ẩn số cho quyển sách mới của mình. 

Người đàn ông kỳ lạ

Tháng Bảy năm 2018, tôi sang Mỹ, nhờ con trai lái xe từ Chicago đến làng Endeavor, Wisconsin, để gặp người đàn ông “kỳ lạ” ấy. Ở tuổi 91, lịch đi săn của ông vẫn dày đặc. Từ cuối năm 2017, Pat McMahon đã thông báo cho tôi một lịch trình: “Tôi săn nai ở đây cho đến giữa tháng 12, sau đó đi South Dakota để săn chim trĩ cho đến 20 tháng 12. Vào ngày 21 tháng 12, tôi rời khỏi đây và lái xe đến Texas (một mình), làm tiệc Giáng sinh cho cháu tôi (tôi không trở lại Wisconsin cho đến tháng Tư). Tháng Giêng năm 2018, tôi đến Mexico với một chuyến săn hươu đặc biệt. Sau đó, tôi cùng bạn bè đến vịnh Mexico để săn cá biển sâu và làm điều đó một lần nữa vào tháng Ba, với một nhóm khác. Trong tháng Tư và tháng kế tiếp, tôi có kế hoạch đi săn gà tây Osceola với một người bạn ở Florida...”. 

Với những kế hoạch như thế, ông chỉ dành cho tôi cuộc viếng thăm vào cuối tháng Bảy và đầu tuần tháng Tám năm 2018. 

Bảy ngày ở làng Endeavor cho tôi nhiều khám phá, trải nghiệm. Người đàn ông đam mê săn bắn có gần 100 giải thưởng quốc tế, người đã đến Việt Nam từ những năm đầu Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam trong vai trò cố vấn, cũng chỉ vì đam mê săn bắn; người dám xuyên qua lửa đạn để giải cứu những dân nghèo ở một huyện xa xôi nơi rừng núi Phan Thiết; người đàn ông suốt đời chỉ yêu một người phụ nữ Việt Nam… lại hiển hiện trước mắt tôi, trong gian bếp gọn gàng, chất đầy gia vị các vùng miền. 

McMahon va Cuc

Ở tuổi 91, McMahon vẫn đi săn, lái xe xuyên bang hàng ngàn cây số...

Ông tự tay làm món bít tết đãi khách buổi tối. Ném lên bàn những chiếc dĩa xinh xắn một cách điệu nghệ, ông xếp những miếng thịt sốt nóng, cùng những miếng khoai tây giòn tan, thơm lựng. Trên bàn ăn, bình hoa tươi tự tay ông cắm rất phong cách. 

Sau những buổi ăn tối, ông mở lòng kể những câu chuyện về Việt Nam. Ký ức những ngày ở Phan Lý Chàm, nơi ông gặp và quen biết bà Cúc luôn chiếm dung lượng lớn trong những câu chuyện. Tôi hỏi, cơ duyên nào ông đến Việt Nam. Ông mỉm cười, nói như đùa: “Tôi học lịch sử Nga. Trường đại học của tôi có mấy người bạn ở Việt Nam. Tôi chơi thân với họ. Biết tôi mê săn bắn, họ rủ tôi, rất nhiệt tình: “Ông sang Việt Nam đi. Đi săn ở Việt Nam đã lắm”. Vậy là tôi đi. Tôi suýt mất mạng vì con cọp mà tôi săn ở rừng Bình Thuận. Tôi rình nó. Nó rình tôi. Tôi nổ súng trước khi nó vồ tôi. Chỉ một khoảnh khắc thôi nhưng mọi việc sẽ thay đổi trong khoảnh khắc ấy. Một lần tôi đi săn, nhờ cô Cúc mua giùm mấy con dê thả nhử cọp. Cô ấy không mua, tôi chờ mãi, không thấy con mồi đến. Cô Cúc rất ghét săn bắn nhưng đó là đam mê của tôi”. 

Con cọp vồ ông giờ đây đang nằm trong góc trưng bày thành quả cả cuộc đời đi săn của ông. Ở đó, những con thú săn ở Việt Nam được ông đặt một góc trang trọng, ghi rõ ngày tháng. Những năm tháng ở Việt Nam luôn là một phần đời ông cất giữ. 

Tôi chợt bắt gặp gương mặt ông chùng xuống nỗi buồn: “Nhiều lần tôi giải thích với cô Cúc, tôi đi săn không phải là hủy diệt động vật. Nhiều người nghĩ sai về những thợ săn chuyên nghiệp. Chúng tôi chỉ được phép săn bắn những con thú nhà nước cho phép, vào những thời điểm thích hợp, nhằm cân bằng môi sinh. Như nai ở đây, mùa săn chỉ bắt đầu vào tháng 11. Nếu để đàn nai sinh sôi nhiều, chúng sẽ ăn hết cây cối. Chúng tôi chỉ săn trong những tuần lễ được cho phép mà thôi”. 

Tôi thật sự kinh ngạc về ông. Ông vẫn lái máy cày, lái tàu đưa chúng tôi thăm sông hồ ở Wisconsin. Ông lái xe vào rừng, tự tay cưa những cây đã chết khô, cắt thành từng khúc củi. Giờ tôi hiểu, lửa trong lò sưởi tầng hầm nhà ông là do chính ông mang từ rừng về. Ông dẫn chúng tôi đi săn nai, ngồi nấp cả buổi trên chiếc chòi canh. Và rồi những con nai hiện ra. Chúng tôi nín lặng. Ông đưa súng lên ngắm rồi hạ xuống, là vì ông chỉ muốn cho chúng tôi hình dung cảnh săn nai để chụp ảnh, quay phim thôi. 

McMahon va Cuc

Theo McMahon vào rừng cưa củi

Lúc lái xe xuyên rừng, trở về nhà trong đêm tối, ông nói: “Mùa săn chưa đến, không được phép hạ chúng”. Rồi ông hỏi: “Đi canvas chưa?”. Chỉ tay xuống lạch nước xuyên ngang cánh rừng, ông nói: “Con lạch này đi mãi là ra sông Mississippi đó. Các bạn đi canvas ra sông, sẽ thấy nhiều loài cây thủy sinh giống như đầm lầy ở miền tây Nam Việt Nam”.

Đi canvas ra sông Mississippi

Một buổi sáng, Pat McMahon thức dậy rất sớm. Lúc ông bước lên, rồ ga chiếc xe “cào cào” - một loại mô tô phân khối lớn, tôi hỏi ông đi đâu, cho tôi theo với. Ông khoát tay, khôi hài: “Đừng bận tâm, các bạn ở nhà ăn sáng đi. Tôi đi làm công việc của anh nông dân “cổ đỏ” một chút”. 

Hôm sau, ông lên kế hoạch: “Hôm nay các bạn đi canvas được rồi đó”. Nhìn con gái tôi trong chiếc váy đầm lướt thướt, ông nói: “Đây là môn thể thao chèo thuyền. Các bạn phải ăn mặc gọn gàng. Nếu máy ảnh, máy quay phim không chống được nước thì tốt nhất không mang theo. Các bạn có thể bị lật thuyền, người lấm bùn đấy!”. Tôi cố tìm cách mang theo chiếc máy ảnh nhỏ. 

Ông nhờ bà Mork - bạn ông chở chúng tôi trên chiếc ô tô của bà. Một mình ông lái chiếc xe tải, chở hai chiếc canvas. Xe đi dọc cánh rừng ven lạch nước Nina, rồi dừng lại ở một bãi đất trống. Vừa xuống xe, nhìn thấy một khoảng 300 thước vuông được phạt cỏ quang đãng, tôi hiểu ra tất cả. Thì ra sáng hôm qua, ông một mình đi dọn đường cho chúng tôi trải nghiệm môn đi thuyền canvas. 

Con trai tôi cùng ông mang những chiếc canvas từ trên xe tải xuống, rồi vác ra lạch nước. McMahon căn dặn: “Các bạn cứ xuôi dòng, bơi theo con lạch này đi mãi, đi mãi. Khi nào thấy trên bờ có cắm cây cờ Mỹ thì dừng lại. Tôi đón các bạn ở đấy. Nhớ cây cờ Mỹ nhé. Không dừng lại là các bạn trôi ra cửa sông Mississippi đấy”. 

Thật thú vị khi đi canvas trên lạch nước trong veo. Hai bên bờ có những loài cây giống như lau sậy, năn, lát của đầm lầy miền Tây xứ mình. Xen lẫn những bãi lầy hai bên con lạch là rừng, lác đác có những chòi săn nai bằng gỗ, trông vừa bí ẩn, vừa cô độc. Thỉnh thoảng, những đàn chim trời bay túa lên, càng gợi nhớ cò vạc ở quê mình. Chợt hai chiếc canvas bị chặn lại bởi một thân cây lớn vắt ngang lạch nước. Hình như cái cây ấy vừa bị bật gốc, gãy đổ trong cơn gió đêm qua. 

McMahon va Cuc

McMahon và bà Nguyễn Thị Cúc tại Việt Nam năm 2017

Tôi ngước nhìn quanh, không thấy cây cờ Mỹ nào làm dấu hiệu để dừng lại. Nếu bỏ cuộc, kéo xuồng lên bờ, cũng không thể vì hai bên là đầm lầy. Tôi thầm nghĩ: “Không biết McMahon có biết chúng tôi gặp trở ngại, hay là ông thử thách bản lĩnh đoàn người có hai phụ nữ chân yếu tay mềm? Không, phải đi đến nơi có cắm cây cờ Mỹ”. Con gái Kỳ Nam nhát nhất nhưng trong lúc này cô bé tỏ ra rất can đảm bước tới. Vậy là chúng tôi lội xuống nước, đẩy từng chiếc canvas qua khe hở thân cây vừa đủ cho thuyền đi qua. 

Thật thú vị khi càng lúc chúng tôi càng trôi về phía mênh mông đầm nước, với những kỳ hoa dị thảo loài thủy sinh cùng đàn chim trời chào đón chúng tôi. Và kia, bên phải bờ con lạch, nơi bãi cỏ xanh ngắt, cây cờ Mỹ được cắm tự bao giờ, bay phần phật trong gió. McMahon xuất hiện. Ông vui mừng đón chúng tôi đến đích an toàn.

Đêm trước ngày chia tay, bên lò sưởi, ông thêm một lần trải lòng về những câu chuyện thời ông sang Nam Việt Nam làm cố vấn. Dưới ánh lửa bập bùng, tôi nhận ra đôi mắt ông rướm lệ: “Chuyện tôi và cô Cúc dài, dài lắm; có những khúc quanh số phận như nước Mỹ và Việt Nam, đã phải trải qua trắc trở, chia ly, băng giá. Cô Cúc lúc đầu rất ghét tôi, thật dễ hiểu, khi cô ở một chiến tuyến khác. Dù với vai trò một y tá làm việc ở một huyện nghèo nơi có nhiều người dân tộc sinh sống, nhưng mục đích của cô ấy là chống lại sự có mặt của người Mỹ chúng tôi. Khi gặp cô lại đúng lúc tôi đi săn, cô càng ghét. Nhưng rồi một hôm phát hiện cô bị sốt ác tính, rất nguy kịch. Tôi đã tìm cách đưa cô về bệnh viện của quân đội Mỹ chữa trị. Cha Nguyện hay tin đã đến thăm cô. Ông đặt lên đầu giường cô bức tượng chúa với lời cầu nguyện. Cô tỉnh dậy, rất xúc động vì được cứu sống. Cha Nguyện là cầu nối để cô Cúc hiểu về tôi hơn. Nhưng rồi cô Cúc vẫn giữ nguyên tắc sống của mình. Cô vì người nghèo, đã quyết ở lại Việt Nam. Cuộc đời là vậy. Khi người ta yêu nhau không có nghĩa là phải luôn bên nhau, chồng vợ của nhau. Tình yêu ấy, tôi vẫn mang theo bên mình”. 

Rồi ông đột ngột cởi nút chiếc cổ áo gài chặt, lấy ra sợi dây chuyền với chiếc móng cọp. Ông viết lên tờ giấy: “Hỏi cô Cúc đã tặng chiếc móng cọp của tôi cho ai rồi?”. Tôi trở về Việt Nam, trao cho bà Cúc dòng chữ viết tay của McMahon. Bà lặng đi một lúc, rưng rưng nói: “Không, chiếc móng cọp McMahon tặng, tôi vẫn đang đeo bên mình. Đây là một trong hai chiếc móng của con cọp đã vồ ông ấy khi đi săn ở Bình Thuận. Ông đeo một chiếc, còn một chiếc tặng tôi”. Rồi bà lấy ra từ cổ chiếc áo bà ba sợi dây chuyền có chiếc móng cọp ở rừng Phan Lý Chàm năm ấy. 

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI