Không thể sở hữu một người đàn ông, nên đòi lại chồng cũng vô ích

19/04/2017 - 12:11

PNO - Trong đời sống vợ chồng, chắc chắn cặp đôi nào dù yêu nhau sâu đậm cũng có những lúc giận hờn hay phai nhạt, kể cả xao lòng. Và ai cũng dùng cách này, chiêu nọ để giữ chân bạn đời của mình.

Lâu nay người ta thường gán ghép đặc tính “chủ sở hữu” vào chuyện tình cảm. Tình yêu chỉ có nghĩa khi đó là cam kết tự nguyện giữa hai phía.

Bất kỳ sự ràng buộc mang tính nghĩa vụ,chiếm hữu, cưỡng đoạt, ép buộc trong chuyện tình cảm đều không mang lại hiệu quả cao và không giữ được người kia ở với mình.

Khong the so huu mot nguoi dan ong, nen doi lai chong cung vo ich
 

Trong câu chuyện Hy hữu đám cưới miền Tây nhốn nháo vì người phụ nữ xuất hiện 'đòi' chú rể, chị Thúy dẫn con trai đến đám cưới của chồng, của cha mình để đòi chú rể tôi không dám phán xét ai đúng ai sai trong quá trình chung sống. Chuyện tình cảm giữa chị Thúy với chồng chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ nguyên do.

Tuy nhiên, dù với lý do gì thì khi anh chồng âm thầm chọn cưới một người phụ nữ khác nghĩa là anh đã hết muốn chia sẻ cuộc đời mình với chị Thúy, nghĩa là anh đã tìm thấy sự rung động với người phụ nữ khác.

Trong hoàn cảnh này, nếu chị Thúy còn yêu chồng chắc chắn sẽ thấy đau lòng và oán giận người chồng bội bạc của mình. Nhưng dù có những kiểu cảm xúc gì thì chị cũng không thể giữ anh, không thể níu kéo anh, càng không thể đòi chú rể từ tay một phụ nữ khác như đòi một vật sở hữu vô tri vô giác.

Còn nếu chị Thúy đã hết yêu chồng thì chuyện đòi chú rể kiểu này cũng chỉ để khẳng định tính chủ quyền và cảm xúc chiếm hữu chứ cũng không làm anh chồng quay về bằng cách này được.

Xã hội sẽ loạn nếu loài người chỉ yêu nhau, chung sống với nhau dựa trên đơn thuần tình cảm vì cảm xúc của con người thay đổi mưa nắng thất thường, chính vì vậy pháp luật đã can thiệp và quản lý hôn nhân bằng tờ giấy đăng ký kết hôn.

Sự chứng nhận của nhà nước là một cách nhắc nhở chúng ta về cam kết của mỗi người đối với gia đình và bạn đời. Nhưng khi tình yêu đã thực sự hết và một trong hai người đã chọn cách quay lưng thì dù có đem giấy đăng ký kết hôn ra cũng không giúp cho mọi thứ vẹn nguyên trở lại.

Trong đời sống vợ chồng, chắc chắn cặp đôi nào dù yêu nhau sâu đậm cũng có những lúc giận hờn hay phai nhạt, kể cả xao lòng. Và chắc chắn ai cũng dùng cách này, chiêu nọ để giữ chân bạn đời của mình.

Dù lạt mềm buộc chặt hay ghen kiểu sư tử Hà Đông cũng chỉ hiệu quả khi người kia vẫn còn muốn quay đầu. Còn trong trường hợp này, anh chồng đã thể hiện sự chọn lựa rõ ràng như vậy thì chị Thúy còn giằng co để làm gì?

Chúng ta quen đặt tình yêu và bạn đời trong mối quan hệ sở hữu, chúng ta cũng quen nghĩ rằng người kết hôn hợp pháp sẽ được quyền và được phép thể hiện tính chủ quyền của mình dưới sự bảo hộ của pháp luật mà quên rằng khi cảm xúc và tình yêu không còn thì những người thi hành pháp luật không thể đem người chồng phản bội quay trở về với người vợ.

Về mặt pháp luật, nếu đã có giấy chứng nhận kết hôn thì chị Thúy là người vợ hợp pháp và được sự bảo vệ của pháp luật. Về mặt lý chị có quyền thưa kiện khi chồng mình làm đám cưới trái luật với người phụ nữ khác.

Nhưng về mặt tình thì mọi thứ cũng đã chấm dứt rồi, thôi chị hãy quên anh và sống tận hưởng trọn vẹn phần đời còn lại của mình, có thể chọn cách quên anh như anh đã chết hay chưa từng tồn tại. Người đi cũng đã đi rồi, tình yêu cũng đã hết rồi và tôi chắc chị cũng đã đau khổ, oán hận nhiều rồi.

Sau này có tha thứ cho chồng cũ hay không là quyền của chị nhưng tôi nghĩ chị cũng nên cho phép mình mở lòng với cuộc sống mới với nhiều cảm xúc tích cực, chăm sóc bản than, yêu thương chính mình. Và dù có anh hay không tôi vẫn mong chị hãy sống thật hạnh phúc.

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI