Không phải là bạc tiền hay nhà cửa, thứ 'tài sản' mà bố để lại cho chúng tôi không gì so sánh được

17/06/2018 - 06:00

PNO - Dù mới 5 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đoàn người dài dằng dặc theo sau quan tài, lặng lẽ đưa bố về nơi yên nghỉ, những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào cùng ký ức theo tôi đến mãi hôm nay

Năm tôi lên 5 tuổi, bố qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ tôi một mình tần tảo nuôi nấng hai đứa con nên người, một mình gồng gánh trên vai bao nỗi nhọc nhằn suốt mấy chục năm. Khi tôi lớn lên, đủ để hiểu và thương nỗi cô đơn của mẹ, tôi thường khuyên mẹ tìm một người phù hợp để làm bạn lúc tuổi già. Nhưng lần nào mẹ cũng lắc đầu. Mẹ bảo, mẹ sống một mình bấy nhiêu năm đã quen. Nhưng tôi biết, hình ảnh của bố chưa khi nào hiện diện trong suy nghĩ của mẹ. Bởi suốt những tháng năm sống bên nhau, bố đã dành cho mẹ thứ tình yêu ấm áp và trọn vẹn nhất.

Mẹ kể, thời ấy bố mẹ đều là giáo viên, nhà rất nghèo nên bố mẹ phải làm thêm đủ mọi việc từ sớm tinh mơ đến khuya. Nhưng khi mẹ sinh anh trai tôi, bố kiên quyết bắt mẹ nằm cữ, tuyệt đối không cho mẹ đụng tay vào nước hay làm bất cứ việc gì suốt ba tháng ròng rã. Mọi việc từ nấu nướng, giặt giũ đến dọn dẹp nhà cửa bố đều tự tay làm hết. Ban đêm, bố còn giành bế con thường xuyên để mẹ chợp mắt, dù ban ngày bố vẫn vừa phải lên lớp, vừa làm việc đồng áng. Có những đêm mùa đông, anh tôi sốt mọc răng, bố cứ ngồi bế anh cả đêm để anh ngủ bởi bố sợ đặt xuống, anh lại khóc quấy còn mẹ mất ngủ. 

Khong phai la bac tien hay nha cua, thu 'tai san' ma bo de lai cho chung toi khong gi so sanh duoc
Tất cả những gì khó khăn vất vả, bố tôi nhận về mình, để những điều tốt đẹp nhất cho vợ và các con (ảnh do tác giả cung cấp).

Trong cuộc sống hàng ngày, bố cũng chăm sóc mẹ và chúng tôi từng ly từng tí. Bố đun nước lá cho mẹ gội đầu, nấu từng nồi nước lớn cho mẹ tắm suốt mùa đông. Hồi mới chào đời, tôi  hay quấy khóc vì nổi mụn nhọt khắp mình, bố lại đi khắp nơi hái các loại lá rừng về tắm cho tôi mau khỏi. Bữa cơm có chút đồ ăn nào, bố đều gắp cả cho vợ, cho con, phần mình nói thế nào cũng chẳng chịu ăn. 

Có lần, bố đang ốm lại phải đi công tác trong ngày, mẹ giúi vào tay bố mấy đồng dặn bố ăn tô phở cho lại sức, nhưng tối bố về số tiền ấy đã biến thành miếng thịt bố mua để mẹ nấu cho cả nhà cùng ăn. Đi công tác xa, tiền công tác phí bố không bao giờ tiêu một đồng cho mình mà nhờ người tìm mua những món quà "xa xỉ" thời ấy như quần sa tanh và guốc cao gót tặng mẹ. 

Bao nhiêu năm sống cùng nhau, bố luôn giành làm những việc nặng nhọc để mẹ bớt vất vả phần nào. Khi dạy con, bố luôn nhẹ nhàng chứ chẳng ưa dùng bạo lực hay to tiếng. Có lần, bố đánh anh tôi một roi vì tội nghịch ngợm, đêm ấy bố không ngủ được, ra đầu hè hút thuốc. Mẹ hỏi, bố bảo thấy day dứt quá vì lỡ đánh con. Đến giờ, trong ngăn tủ riêng của mẹ vẫn còn giữ cuốn nhật ký bố viết cho gia đình, cuốn thơ tình bố làm tặng mẹ. Có lần mẹ đưa anh tôi về thăm nhà ngoại, bố ở nhà khóc vì nhớ. Những trang nhật ký ấy mỗi lần đọc lại tôi đều nhòe nước mắt. 

Khong phai la bac tien hay nha cua, thu 'tai san' ma bo de lai cho chung toi khong gi so sanh duoc
Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn giữ lại kỷ vật quý giá của bố là những cuốn sổ thơ bố viết tặng các con (ảnh tác giả cung cấp).

Không chỉ yêu thương vợ con, bố còn quan tâm gia đình vợ rất chân thành. Hồi ấy cậu tôi còn tuổi thiếu niên ham chơi, lười học, ông ngoại tôi vô cùng nghiêm khắc nên thường dùng đòn roi dạy cậu. Nhưng càng đánh cậu càng lì lợm, ngang bướng. Một ngày khi sắp thi tốt nghiệp phổ thông, cậu bỏ học nhà theo bạn bè, định lên vùng cao đào vàng. Ông tôi tìm bắt cậu về nhà, trói lại, đánh lằn những vệt máu trên người rồi nhốt lại, không cho ăn uống. 

Bố tôi biết chuyện, lên ngay nhà ông xin ông cho bố mang cậu về sống cùng. Bố hứa sẽ giúp cậu thay đổi. Rồi bố làm được thật. Mỗi ngày bố nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên, khích lệ cậu từng chút. Năm ấy cậu trượt tốt nghiệp nhưng năm sau cậu đã lấy được bằng và đậu một trường cao đẳng. Sau này, mỗi lần gặp tôi, cậu vẫn thường bảo, ngày xưa nếu không nhờ bố cháu, cậu hẳn đã mất xác ở một bãi vàng nào đấy hoặc thành thứ bỏ đi. 

Khong phai la bac tien hay nha cua, thu 'tai san' ma bo de lai cho chung toi khong gi so sanh duoc
Bố làm rất nhiều thơ tình tặng mẹ từ lúc mới yêu cho đến cả khi hai người đã về chung một nhà (ảnh tác giả cung cấp).

Ở xóm nhỏ nơi nhà tôi sống hồi ấy, ai cũng ngưỡng mộ bố bởi sự nhiệt tình và can đảm. Có lần, một cô bé đi chăn trâu bị trượt chân rơi xuống hồ nước sâu mà không biết bơi. Rất nhiều người nhìn thấy nhưng không ai dám xuống cứu bởi hồ nước đó nổi tiếng nguy hiểm và rất nhiều người đã mất mạng. Chỉ mình bố tôi không ngần ngại lao xuống cứu người ngay khi biết chuyện. 

Bố tôi dạy giỏi, dần dần lên chức vụ phó khoa phụ trách chuyên môn. Nhiều sinh viên đến nhờ cậy, có người mang quà cáp, tiền bạc đến biếu. Dù nhà còn nghèo, thiếu thốn nhiều thứ nhưng bố luôn kiên quyết từ chối tất cả. Thế nhưng mỗi khi đồng nghiệp và sinh viên cần giúp đỡ gì bố đều sẵn lòng, dù phải thức khuya hơn, dậy sớm hơn. Mẹ kể rằng, những buổi bố giảng văn trên giảng đường, cả các cô lao công, nấu bếp cũng bỏ dở công việc, đứng thập thò ngoài cửa lắng nghe say sưa từng lời.

Khong phai la bac tien hay nha cua, thu 'tai san' ma bo de lai cho chung toi khong gi so sanh duoc
Một trang nhật ký bố viết về nỗi nhớ khi mẹ tôi đi vắng (ảnh tác giả cung cấp).

Dù bố mất khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đoàn người dài dằng dặc đi trên con đường quê theo sau quan tài của bố, lặng lẽ đưa bố về nơi yên nghỉ. Tôi nhớ cả những giọt nước mắt, những tiếng khóc nghẹn ngào của bạn bè, học trò của bố. Tôi nhớ mẹ tôi gần như ngất đi vì đau khổ bên linh cữu bố. 

Và đến tận bây giờ, gần 30 năm đã trôi qua, tôi vẫn thường được nghe mọi người nhắc về bố bằng những lời lẽ thân thương, trìu mến và biết ơn. Không phải là bạc tiền hay nhà cửa, thứ "tài sản" quý giá mà bố để lại ấy đã giúp mẹ giữ mãi ngọn lửa yêu thương trong tim, giúp tôi mạnh mẽ hơn, biết yêu thương và trắc ẩn, và không bước sai trên hành trình định hình nhân cách của chính mình.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI