Khi nàng lặng thinh

10/06/2018 - 09:00

PNO - Nhiều lần tôi nói với nàng, vợ chồng nên giúp nhau hoàn thiện bằng cách góp ý, nói ra những thiếu sót của nhau. Thế nhưng nàng vẫn cứ im lặng.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Bà xã tôi có tật, hễ cứ giận là im lặng, có khi cả tuần không nói câu nào. Nhiều khi, tôi chẳng biết mình có lỗi gì, cố gắng hỏi vì sao nàng giận thì nàng chỉ nói tôi tự coi lại mình. Tôi ráng suy đoán, rồi hỏi xem có phải nàng giận chuyện này, chuyện kia không.

Khi nang lang thinh
Ảnh minh họa

Nàng không nói, chỉ thở dài. Rồi từ từ nàng cũng hết giận mà tôi vẫn chẳng biết lý do. Có khi nàng nói lý do thì tôi “bật ngửa” vì chuyện quá nhỏ nhặt, như một lời tôi vô tình nói, bị nàng quy kết này nọ. Nhiều lần tôi nói với nàng, vợ chồng nên giúp nhau hoàn thiện bằng cách góp ý, nói ra những thiếu sót của nhau. Thế nhưng nàng vẫn cứ im lặng.

Sau 4 năm chung sống, tôi mệt mỏi quá. Đã có ai ly hôn vì vợ… ít nói chưa nhỉ? 

Tân Thành (Đồng Nai)

Bạn Tân Thành thân mến,

Ly hôn vì vợ ít nói quả là khác người. Đa phần đàn ông than chuyện phụ nữ nói nhiều, nhức đầu nhức óc, chứ ít ai khổ sở vì vợ không nói. Tuy nhiên, Hạnh Dung nghĩ, đây chỉ là câu hỏi mang tính cảm thán, chứ không phải cách bạn định giải quyết vấn đề.

Đã 4 năm bạn chịu đựng thói quen giận là im của vợ mà vẫn chưa rút được kinh nghiệm gì nhỉ. Nó có thể chỉ là một phần tính cách và không gây tổn hại gì đến đời sống gia đình, nếu bạn nhìn nhận theo cách giản dị: cô ấy thấy dễ chịu hơn khi im lặng và cô ấy tự biết điều chỉnh cảm xúc - cứ im lặng rồi từ từ hết giận. Đơn giản vậy thôi.

Khi nang lang thinh
Ảnh minh họa

Dù sao, giao tiếp giữa vợ - chồng là điều vô cùng quan trọng. Hai con người xa lạ, chung sống với nhau, phải có những cầu nối liên kết để dần hòa hợp, gắn bó, trở thành một thể thống nhất. Và chẳng có cái cầu, cái móc nối liên kết nào hay và nhanh bằng ngôn ngữ.

Tất nhiên, học cách chia sẻ, bày tỏ mọi điều trong lòng không phải chuyện dễ, đặc biệt là với người có tính cách khép kín, không muốn nói ra những cảm xúc thật, thích người khác phải tự đoán ý. Bạn hãy tìm cách động viên cô ấy bỏ thói quen này. Hãy nói cho cô ấy biết cảm giác của bạn khi bị “khủng bố” bằng “chiến tranh lạnh” như thế; nói cho cô ấy biết rằng, những ấm ức dồn nén, tích tụ sẽ dần dần hủy hoại các mối quan hệ lẫn chính bản thân cô ấy. Sự chia sẻ chân thành giúp người ta hiểu nhau, tiến đến gần nhau hơn, giúp ta thay đổi để hòa hợp với nhau trong cuộc sống chung.

Bạn hãy nhẹ nhàng, từ từ phân tích cho cô ấy hiểu và học cách nói với nhau. Tất nhiên, “học cách nói” còn có nghĩa là nói thật, nói thẳng, nhưng phải nói sao cho tế nhị, dễ nghe, chứ không phải bạ đâu nói đó, nói cho sướng miệng. Việc này khó hơn im lặng nhiều. Nhưng nếu các bạn thực sự yêu thương và muốn giữ gìn hạnh phúc, các bạn phải cùng nhau học.

 Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gửi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI