Khi một bên không hợp tác định giá tài sản, phải làm sao?

24/07/2018 - 12:00

PNO - Hiện nay chồng tôi không hợp tác với tòa, cố tình cản trở trong việc định giá tài sản. Tôi muốn biết, theo quy định hiện nay có biện pháp nào tháo gỡ việc này không?

Hỏi: Tôi đang làm thủ tục ly hôn, trong đó có yêu cầu chia tài sản chung là 1 căn nhà và 1 miếng đất do vợ chồng tôi tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Do vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng tôi phải ra ngoài thuê nhà ở còn chồng tôi vẫn đang sử dụng căn nhà nói trên. 

Khi mot ben khong hop tac dinh gia tai san, phai lam sao?
Ảnh minh họa

Nhân cơ hội tôi ra ngoài sống chồng tôi cho thuê một phần nhà và lấy tiền tiêu xài. Hiện nay ông ấy không hợp tác với tòa, cố tình cản trở trong việc định giá tài sản. Tôi muốn biết, theo quy định hiện nay có biện pháp nào tháo gỡ việc này không? 

(vannhi…@...)

Chào chị, 

Điều 17, Thông tư liên tịch số 02/2014 của tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, thì tòa án có thể xác định giá tài sản trong một số trường hợp sau:

1. Các bên đương sự không tự thỏa thuận được về việc xác định giá tài sản, nhưng không yêu cầu tòa án tiến hành định giá tài sản: Trong trường hợp này Tòa án yêu cầu các bên đương sự đưa ra giá của tài sản. Nếu các bên đương sự đưa ra được một mức giá thống nhất, thì tòa án lấy mức giá này làm giá tài sản. Trường hợp các đương sự đưa ra các mức giá khác nhau, tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra. Trường hợp chỉ có một đương sự đưa ra giá tài sản còn các đương sự khác không đưa ra giá đối với tài sản đang tranh chấp thì tòa án xác định giá tài sản theo mức giá của bên đương sự đã đưa ra.

Khi mot ben khong hop tac dinh gia tai san, phai lam sao?

2. Có đương sự cản trở hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản: Trong trường hợp này tòa án yêu cầu các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá của tài sản. Nếu các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra được một mức giá thống nhất, thì tòa án lấy mức giá này làm giá tài sản. Trường hợp các đương sự không có hành vi cản trở đưa ra các mức giá khác nhau, thì tòa án lấy mức giá trung bình cộng của các mức giá do các đương sự đã đưa ra. Trường hợp chỉ có một đương sự không có hành vi cản trở đưa ra giá tài sản còn các đương sự khác không đưa ra giá đối với tài sản đang tranh chấp thì tòa xác định giá tài sản theo mức giá của đương sự đã đưa ra.

Như vậy, pháp luật đã có những quy định “khắc chế” những trường hợp đương sự cố tình gây khó, cản trở đến việc định giá tài sản, bằng việc tòa án có thể xác định giá trong một số trường hợp cụ thể. Theo đó, trường hợp trên, chị có thể đưa ra giá và nhờ tòa án xác định giá làm căn cứ để giải quyết vụ án mà không nhất thiết phải tiến hành thủ tục thẩm định giá hoặc lập hội đồng định giá.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

(VPLS Huỳnh Minh Vũ – Đoàn luật sư TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI