Hợp pháp hóa mại dâm: nên hay không?

02/04/2018 - 12:09

PNO - Kiến nghị xem mại dâm là một nghề hợp pháp đã gây ra một cuộc tranh cãi rộng rãi với hai luồng ý kiến trái chiều: ủng hộ và phản đối. Sự ủng hộ/phản đối ấy, thật ngạc nhiên, không phụ thuộc vào giới.

LTS. Rất nhiều người vợ lên tiếng ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm như một cách để bảo vệ hạnh phúc gia đình, trong khi cũng không thiếu đàn ông gay gắt phản đối một “phố đèn đỏ”, cho rằng điều đó sẽ phá vỡ cấu trúc xã hội và nền tảng đạo đức truyền thống cũng như chà đạp lên phẩm hạnh phụ nữ.

Hợp pháp hóa mại dâm: nên hay không? Nếu nên thì vì sao và cần phải kèm theo những điều kiện gì. Nếu không, bạn sẽ bác bỏ quan điểm của những người ủng hộ ra sao?

Đừng hợp pháp hóa “tệ nạn xã hội”!

Là một người đàn ông, 28 tuổi, chưa có vợ, sức khỏe hoàn toàn bình thường, cũng có nhu cầu sinh lý, ham muốn đối với phái nữ. Nhưng, khi người ta có ý định hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, tôi thực sự phẫn nộ. Ở Việt Nam, mại dâm lâu nay vẫn được xem là “tệ nạn xã hội”, gây ra bao hệ lụy, khiến nhiều gia đình tan nát.

Hop phap hoa mai dam: nen hay khong?
 

Khi tôi còn là sinh viên, làm cộng tác viên cho một tờ báo, từng có một phụ nữ tìm đến báo cầu cứu vì... bị chồng “ngó lơ”. Chị kể, vợ chồng chị cưới nhau đã bảy năm, sống rất hạnh phúc. Hai năm trước, anh chồng bị mất việc ở công ty, phải đi làm phụ hồ để nuôi vợ sắp sinh. Buồn, cần “giải quyết” sinh lý lúc vợ đang mang thai, người đàn ông tìm vui ở mấy tụ điểm “cô chủ mồ côi”. Lâu dần, việc tìm vui bên ngoài trở thành thói quen. Biết chuyện, chị tìm đến tận quán, bắt quả tang. Anh chồng bẽ mặt, đánh chị ngay tại quán, rồi từ đó, anh chồng gần như công khai chuyện mình đi vui vẻ bên ngoài. Nửa năm sau, chị xin ly hôn vì không chịu được cảnh chồng mình thường xuyên đi “ăn đêm”. Mại dâm đã phá nát gia đình chị như thế.

Nhiều người đàn ông thường biện hộ rằng, tìm đến mại dâm là để “giải quyết nhu cầu sinh lý” khi cần, rồi cuối cùng vẫn quay về với gia đình. Thật vậy không? Những người khuyến khích “tệ nạn xã hội” sẽ có muôn vàn lý do cho thứ ham muốn tầm thường của mình. Thứ gọi là “nhu cầu sinh lý” chỉ là chúng ta không thắng được bản thân. Tôi tin rằng, cấm mại dâm ở Việt Nam là chủ trương đúng đắn. Đừng cố thay đổi điều đó.

Công nhận mại dâm hợp pháp sẽ ảnh hưởng đến quyền con người. Khi mại dâm được hợp pháp hóa, sẽ có những “đặc khu” để cánh đàn ông kéo đến “giải sầu”. Những người phụ nữ hành nghề ở đây đương nhiên trở thành công cụ giải trí, được định giá bằng nhan sắc và kỹ năng phục vụ.

Nhiều người lấy Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan để chứng minh cho sự hợp lý của phố đèn đỏ, thậm chí khẳng định đó là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch. Xin thưa, họ khác chúng ta. Dù phát triển đến đâu, tệ nạn mại dâm vẫn kéo theo nguy cơ mắc bệnh qua đường tình dục, đặc biệt là HIV. Dĩ nhiên, sẽ có những quy định về khám xét, kiểm tra, nhưng các nghiên cứu cho thấy, mại dâm càng phát triển, các bệnh liên quan đến tình dục càng tăng. Một nghiên cứu chỉ ra: 20% gái mại dâm ở Thái Lan dương tính với HIV. Để có thể kiếm tiền nhiều hơn, rất nhiều gái mại dâm còn dùng đến ma túy để “tăng ca”.

Phụ nữ thường sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để gìn giữ mái ấm gia đình. Nhưng nếu người chồng cứ mải mê với thứ “tệ nạn xã hội” đã được công nhận hợp pháp thì lấy đâu ra gia đình hạnh phúc? Có bà vợ nào vui được không khi thấy chồng hồ hởi bước ra từ “phố đèn đỏ”?

Hợp pháp hóa mại dâm còn là sự phủ nhận những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Bao nhiêu đời nay, phụ nữ Việt luôn đặt mình theo những tiêu chí công - dung - ngôn - hạnh. Mỗi thời, các khái niệm này mang những diện mạo khác, nhưng cốt lõi vẫn là đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ. Nếu mại dâm là hợp pháp, phẩm hạnh người phụ nữ ở đâu?

Một trong những hệ lụy có thể nhìn thấy trước chính là vấn đề an ninh trật tự khó lường ở những “đặc khu mại dâm”. Ai dám khẳng định rằng, có thể kiểm soát được an ninh trật tự ở đây khi những cái đầu “nóng”, đang mê muội với dục vọng, gặp nhau. Hiểm nguy sẽ luôn rình rập. Những con người hiền lành sẽ nơm nớp sợ hãi mỗi khi bước ra đường nếu như họ không may cư trú hoặc ở gần những khu vực đó.

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, chưa đủ nhân lực, vật lực để lập một khu “phố đèn đỏ” và quản lý. Không lẽ, chúng ta phải sang các nước đang công nhận mại dâm hợp pháp để “học tập kinh nghiệm”? Thôi, hãy dành thời gian đi học tập kinh nghiệm phát triển nhiều thứ khác, cần thiết hơn.
Nhìn ở góc độ văn hóa, cuộc sống và quyền lợi của chính bản thân mỗi người, tôi tin rằng, chúng ta không nên hợp pháp hóa “tệ nạn xã hội” vào lúc này. 

 Hoàng Lâm

Bài tham gia diễn đàn, xin vui lòng email về địa chỉ: honnhangiadinh@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI