Hôn nhân cô đơn

07/04/2018 - 16:40

PNO - Còn điều gì bất hạnh hơn cảm giác cô đơn trong chính gia đình mình. Ngày cưới, ta vẫn thề nguyền “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”. Nhưng thực tế lại khác hẳn.

Tôi vẫn nhớ gương mặt rạng rỡ của bạn mình trong ngày cưới - thật hạnh phúc. Nhưng, chỉ hai năm sau, những dòng trạng thái buồn bã, bế tắc liên tục được bạn chia sẻ trên trang cá nhân. Bạn luôn nói mình quá đơn độc trong cuộc hôn nhân ấy.

Còn điều gì bất hạnh hơn cảm giác cô đơn trong chính gia đình mình. Ngày cưới, ta vẫn thề nguyền “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”. Nhưng thực tế lại khác hẳn. Không cần cái chết, không cần ly hôn. Có khi vẫn chung một nhà mà người này đã không còn biết đến sự tồn tại của người kia.

Hon nhan co don
 

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ), hôn nhân có thể là một trong những nguồn cơn gây căng thẳng xã hội lớn nhất. Khi kỳ vọng không được đáp ứng ở cả hai, nó có thể dẫn đến trầm cảm, oán giận và cô đơn. Nỗi cô đơn gây đau đớn tinh thần và tàn phá thể chất. Sự cô đơn làm suy giảm hệ thống miễn dịch, làm tăng các phản ứng viêm, nguy cơ gây bệnh tim mạch và có thể rút ngắn tuổi thọ. Sự cô đơn cũng khiến chúng ta có nguy cơ bị trầm cảm và lo lắng. Hơn nữa, cô đơn còn khiến chúng ta lệch lạc nhận thức, khiến chúng ta nhìn nhận bản thân, cuộc sống và mối quan hệ theo những cách tiêu cực.

Trong nỗ lực tự bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương tinh thần, chúng ta trở nên cảnh báo quá mức đối với bất kỳ dấu hiệu bị từ chối của người khác và có xu hướng bỏ lỡ những dấu hiệu chấp nhận. Vì thế, càng ngày ta càng bị đẩy xa người bạn đời.

Sự cô đơn trong hôn nhân thường diễn ra chậm chạp. Mỗi ngày, bạn xem ti vi vào buổi tối trong khi chồng bận ôm máy tính, hoặc bạn đi ngủ lúc 21g và thức giấc lúc 5g sáng, trong khi người kia đi ngủ vào nửa đêm và thức giấc lúc 8g. Việc bỏ lơ nhau làm mất đi tình yêu và tình cảm dành cho nhau.

Wendy Walsh, chuyên gia về các mối quan hệ, giải thích: “Đôi khi hôn nhân rơi vào mô hình tự hành. Cả hai không còn quan tâm nhau hoặc trao đổi sự chăm sóc mà họ đã làm trong những ngày đầu. Họ dần quan tâm hơn đến lợi ích cá nhân”. Lý do khác: một trong hai người có thể không hạnh phúc nhưng không thể truyền đạt cảm giác của mình đến người kia, rồi cảm thấy cô đơn.

Khi có con, các cặp vợ chồng dễ rơi vào các vai trò giới tính truyền thống hoặc bắt đầu cuộc chiến về các vai trò giới tính mà họ không ngờ tới. Người chồng cảm thấy mình phải làm việc nhiều hơn để nuôi sống gia đình, trong khi người vợ chỉ muốn dành thời gian để chăm sóc con. Đây chắc chắn là thời điểm khó khăn của cả hai. Rõ ràng, trẻ em đặt rất nhiều áp lực vào một cuộc hôn nhân của bạn. 

An Đông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI