Già thôi mà, có gì phải sợ!

11/09/2018 - 06:00

PNO - Tôi vẫn không hiểu sao rất nhiều người sợ già, nhất là phụ nữ. Sao chúng ta lại phải sợ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân nhỉ?

Trời mưa như con nít dỗi. Từng hạt thong thả rơi hoài không dứt. Trùm cái áo nhựa to đùng, vướng víu, chen chúc giữa dòng người xe, tự nhiên tôi thèm dừng lại trú ở một mái hiên vắng nào đó, đưa chân đưa tay hứng những giọt trong veo chạm vào thịt da mát lạnh.

Nhiều lần, tôi cũng mơ được ngồi chồm hổm nơi góc chợ quê, ăn chén bánh lọt nước dừa, nhìn những khuôn mặt sạm đen sau miếng vải lụa to như cái khẩu trang dưới vành nón lá của các cô hàng rong, nghe đời bình yên, giản đơn không lo nghĩ, nghe hạnh phúc nhẹ vỗ về như sóng mơn man bờ cát.

Một lúc nào đó trong đời, tôi run rẩy khát khao sống chậm, sống bình yên giữa màu xanh của thiên nhiên trong trẻo, nhìn đời nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng. Phải chăng tuổi già đã chạm đến mình rồi?

Gia thoi ma, co gi phai so!
 

Tôi vẫn không hiểu sao rất nhiều người sợ già, nhất là phụ nữ. Thi thoảng ai đó hỏi tuổi của mình, tôi vẫn vui vẻ trả lời, không hề ngập ngừng hay thầm phàn nàn chuyện người kia khiếm nhã. Sao chúng ta lại phải sợ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân nhỉ? Thời gian đi qua và tuổi tác chất chồng đâu tùy vào chủ quan mình muốn. Lý gì để chúng ta đắn đo hay lo sợ cho những điều hiển nhiên phải đến.

Thiết nghĩ, đâu chỉ tuổi trẻ mới có niềm vui, hạnh phúc. Đâu phải cứ ở thành phố lớn, đầy đủ tiện nghi là hạnh phúc. Đâu phải có chồng có con, có đàn cháu đông đúc mới hạnh phúc. Vậy tuổi già, ở trong ngôi nhà nhỏ vùng quê hay ngoại ô một mình cũng đâu phải là bất hạnh.

Tôi nhớ ngày còn bé xem một bộ phim Mexico. Cô bé đáng yêu Luz Clarita hỏi cô tiên mặc chiếc áo bồng bềnh màu xanh, tay cầm một chiếc đũa gắn ngôi sao thần kỳ, rằng: “Hạnh phúc là gì hả cô?”. Cô tiên đưa cho bé một tờ giấy và một cây bút chì, bảo bé hãy vẽ hay viết lên giấy bất cứ thứ gì em muốn. Cô bé Clarita vẽ một đường tròn xộc xệch. Cô tiên cầm lấy cây bút chì và vẽ tiếp một hình vuông nhỏ kề bên, rồi cô giảng giải: “Con vẽ hình tròn phải không? Còn của cô là hình vuông. Hạnh phúc chính là cái do mình muốn và tạo ra con ạ. Con muốn nó là thế nào nó sẽ như thế ấy. Hạnh phúc của con là hình tròn, của cô là hình vuông, nó luôn khác nhau”. Nếu chúng ta thấu hiểu được điều đó, bất cứ tuổi nào, ở đâu làm gì hay là ai, có lẽ chúng ta cũng sẽ luôn hạnh phúc.

Gia thoi ma, co gi phai so!
Ảnh minh họa

Tôi chợt nhớ đến chị - nhớ cảm giác sợ hãi khi ngồi cạnh chị vào buổi sáng sớm ở cơ quan, mặc dù tôi yêu quý và ngưỡng mộ sự chu toàn, chịu khó ở chị. Con cái, nhà cửa, nói không ngoa, một mình chị gồng gánh suốt 20 năm qua. Tôi chưa bao giờ nghe chị thôi càm ràm về chồng, về con, rằng họ làm cái này hỏng, cái kia vụng, không biết nghe lời chị. Tôi luôn nghe chị nói về sự khó đoán của lòng người, rằng con trai cũng không thể trông mong, con gái cũng không dám chờ đợi một ngày nào đó chị có thể cậy nhờ, vì rồi chúng sẽ có vợ có chồng, có “người dưng” xen vào. Tôi luôn nghe chị nói về những nỗi bực dọc, bất hạnh, hoài nghi, những cơn bốc hỏa, đau lưng mỏi mắt... Hiếm hoi lắm tôi mới nhìn thấy chị cười thì chị cũng kịp khép khuôn miệng sao cho đừng quá hớn hở.

Đôi khi tôi thấy thương chị. Với từng ấy những sợi dây tự buộc lấy mình, chừng nào chị mới có thể nhẹ nhàng để thấy đời hạnh phúc? Ước gì tôi có thể khuyên chị hãy thả lỏng mình, chấp nhận rằng tất cả những gì mình có cũng như nắm cát trên tay - luôn có thể trôi tuột đi, chỉ có cảm xúc của mình ở lại. Muốn đôi chân cất bước trên đường đời thật nhẹ, chỉ có cách quẳng đi càng nhiều hành lý càng tốt. Càng cuối đường, không mang vác gì, bước chân sẽ càng thư thái, càng vui.

“Con cái đã trưởng thành, có gia đình, có vợ có chồng có con, hà cớ chi mình còn mong con phải nghe theo mình răm rắp? Cháu trai, cháu gái cũng là máu mủ, cớ gì mình than vãn khi nghĩ đến cảnh nhà toàn cháu gái? Ông lão nhà mình không mê rượu chè, thuốc lá, không bồ bịch cỏ non cỏ dại, ngày mua vài tờ vé số như một niềm vui giải trí, sao mình lại cằn nhằn? Mình tóc bạc hết, chân lại đau, tim phập phồng không khỏe, nhưng mắt vẫn còn thấy đường, tháng dăm ba lần nhìn con cháu lớn nhanh như dây bầu dây bí, vui không hết, có gì mà buồn. Mẹ tôi - người đàn bà nông thôn lam lũ, cả đời không đọc hết một trang sách - đã nói với tôi như thế”.

Tôi nhớ lời mẹ, tự nhắc mình mỗi ngày, để dẫu tuổi già có chạm đến mình cũng không có gì phải sợ; quan trọng là mình cảm thấy hạnh phúc. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI