Đã có tình gần mà vẫn yêu xa

24/12/2018 - 18:00

PNO - Sẽ thế nào khi nhiều người cho rằng, điện thoại bây giờ giống như một nhân vật thứ ba trong chuyện tình yêu đôi lứa và ám ảnh cả đời sống vợ chồng?

Chị, mẹ đơn thân, một doanh nhân thành đạt. Qua sinh nhật 60 tuổi, chị quyết định giao công ty lại cho con trai để được nghỉ ngơi, tận hưởng, hoặc có yêu đương chút đỉnh chẳng sao.

Chị bắt đầu bằng những chuyến du lịch. Bao nhiêu năm, đi công tác, ký hợp đồng, gặp đối tác… trong hay ngoài nước chị đã đi nhiều lắm. Nhưng lúc đó là đi làm việc; còn bây giờ đi là để tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, quan sát đời sống, tiếp xúc với dân bản địa… Điều hay nữa là chị có bạn đồng hành.

Da co tinh gan ma van yeu xa
Ảnh minh họa

Anh - một công chức cũng vừa nghỉ hưu. Về mức độ “tự do” thì anh không như chị. Vợ chồng anh chưa chính thức ly hôn, dù đã ly thân nhiều năm. Bạn bè biết họ quen nhau đã lâu, nhưng chưa chính thức. Còn bây giờ, họ công khai. 

Những tưởng ở tuổi 60, tình yêu sẽ đằm thắm và đẹp, bởi cả hai đã từng trải, va vấp, biết rút kinh nghiệm, nhưng không. Bắt đầu từ chuyến đi châu Âu và ở cùng nhau, chị phát hiện anh có nhiều cô bồ trên mạng. Ngày đi chơi, đêm về anh ôm điện thoại.  Chị sinh nghi, kiểm tra, phát hiện anh tình tứ chat với nhiều cô trẻ trung, xinh xắn, thậm chí gửi hình, bảo anh đang cô đơn, đi du lịch một mình… Cuộc tranh cãi nổ ra, xóa sạch những ngày hạnh phúc trước đó. Chị cay đắng nhớ lại, những chuyến đi mà hầu như chị bao cấp hoàn toàn. Chị cảm thấy mình bị lợi dụng, uổng công xúc tép nuôi cò. Còn anh bảo, chỉ là chơi trên mạng ảo cho vui, chứ có tình ý gì đâu.

 “Có gặp nhau bao giờ đâu mà yêu?” là câu biện luận của anh với chị. Thế nhưng, chị không chấp nhận. Riêng việc chụp hình gửi cho nhau đã là vấn đề rồi. Từng tuổi này, quỹ thời gian không còn bao nhiêu, đã yêu là phải thật lòng với nhau. Nếu không thể rời cái điện thoại khi chỉ có hai người thì tốt nhất nên chia tay.

Mạng ảo có lỗi với tình yêu chăng? Không thể “kết tội” mạng xã hội khi chính mạng đã giúp  bao nhiêu người tìm thấy nhau, đến với nhau. 

Da co tinh gan ma van yeu xa
Ảnh minh họa

Như ngày trước, trong cuộc hôn nhân bế tắc với cô vợ, nếu không có mạng ảo để anh giao lưu, làm sao anh đến với chị? Thế nhưng, chị vẫn dứt khoát. Một là chị - đời thực, cùng nhau hạnh phúc tuổi già, một ngôi nhà nhỏ, trồng hoa, nuôi cá… rảnh thì ngồi đọc sách, uống trà, thích thì cùng nhau đi du lịch; hai là anh cứ ôm điện thoại và sống ảo.

Lúc này thì anh cảm thấy như bị xúc phạm. Kết tội một người qua việc ôm điện thoại là duy ý chí, là không thể cùng nhìn về một hướng được. Chị kết câu cuối cùng: em không thể sống với anh mà luôn nghi ngờ anh đang tơ tưởng tới ai đó trên mạng.

Chỉ là một trường hợp rất nhỏ. Nhìn rộng ra xã hội mới thấy, điện thoại giờ chi phối phần lớn đời sống con người, riết thành một thói quen và… gây nghiện. Tất nhiên, không thể kết tội chiếc điện thoại, vì sự tiện ích của nó. Nhưng sẽ là thế nào khi nhiều người cho rằng, điện thoại bây giờ giống như một nhân vật thứ ba trong chuyện tình yêu đôi lứa và ám ảnh cả đời sống vợ chồng?

Chấp nhận và tạo thói quen tốt là trách nhiệm của mỗi người. Khi yêu nhau, nên chấp nhận nhau những gì chấp nhận được, còn không thì phải từ bỏ thói quen làm ảnh hưởng đến mối quan hệ. Liệu con người thời công nghệ có dám từ bỏ thói quen ôm điện thoại chỉ vì người mình yêu không thích thế? 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI