Của chồng công vợ?

21/03/2019 - 06:00

PNO - Tiền chung, tiền riêng luôn là những thỏa thuận nên được rạch ròi và đồng thuận ngay từ đầu. Đừng vì ngó “nhà người ta” hay tư duy thuận theo cái tình mà bỏ quên cái lý, để ấm ức chuyện mình chẳng quản được tiền chồng...

Chẳng hiểu sao, ngày càng có nhiều bà vợ hỏi nhau chuyện làm sao để có thể quản lý được hết tiền của chồng, làm sao để chồng nộp hết tiền lương cho mình, làm sao để chồng không thể có quỹ đen quỹ đỏ. Quan trọng là, họ chưa bao giờ phân vân khi hỏi như thế.

Họ không thắc mắc chuyện mình có quyền giữ hết tiền của chồng hay không, hay chuyện vợ chồng rạch ròi tiền bạc là đúng hay sai. Câu họ vin vào là “của chồng, công vợ” và cảm thấy không thể chịu được khi chồng có tiền riêng, có quỹ riêng, chồng tiêu xài gì đó mà không có ý kiến của mình.

Cua chong cong vo?
Ảnh minh họa

Chị Hương lấy chồng được 12 năm và có hai con - đứa 10 tuổi, đứa 8 tuổi. Vợ chồng chị yêu nhau từ thời sinh viên và kết hôn trước khi ra trường chỉ một tháng. Cưới xong, chị ở nhà luôn, sinh con, nuôi con và làm nội trợ. Gia đình chị gây áp lực với anh để chị không phải đi làm, với lý do chị là con út nên tính cách yếu đuối, dựa dẫm; nếu đi làm, sẽ dễ bị bắt nạt. Người anh cả của chị, đang là giám đốc một công ty tương đối thành công, hùng hồn tuyên bố: vì cậu cũng mới ra trường, đi làm, nên tôi sẽ chu cấp cho vợ cậu 5 triệu đồng/tháng, thế là đủ tiền ăn của nó; cậu chỉ phải lo cho chính cậu và con cái thôi.

Trước lý lẽ của gia đình vợ, dù không thích vợ ở nhà, chồng chị đành chấp nhận. Một phần vì khi đó lương của anh cũng chỉ bằng khoản tiền mà anh vợ tuyên bố cho em gái, phần vì tự ái khi gia đình vợ đay đi đay lại cái luận điểm - đàn ông thì ít nhất cũng phải nuôi được con và lo cho gia đình.

Mười năm sau của cuộc hôn nhân, gia đình đã phát triển lên thành 4 người. Chị vẫn không đi làm, nhưng khoản trợ cấp của ông anh cả thì đã bị cắt từ lâu. Chồng chị hằng tháng vẫn đưa cho chị khoản tiền, theo như anh tính toán, đủ chi tiêu cho gia đình - chợ búa cơm nước và các sinh hoạt khác. Tiền học hành của con, anh tự đóng. Hết.

Chị muốn phát điên, vì với số tiền như thế, chị không thể tiêu pha gì nhiều cho riêng mình. Mua sắm lặt vặt thì được, còn cà phê với bạn bè, massage, làm đẹp hay đi chơi thì "bó tay". Nhưng chị không thể chất vấn anh, vì có lần anh từng nói: khả năng của anh chỉ đến thế, nếu muốn nhiều hơn thì em hãy đi làm. Chị không muốn đi làm. Chị càng bực hơn khi biết anh vẫn phụ cha mẹ nuôi các em ăn học; trong khi không chu cấp thêm cho chị. Chị tức tối đến ăn không ngon, ngủ không yên với ý nghĩ anh rạch ròi, tính toán với mình, với gia đình.

Cua chong cong vo?
Ảnh minh họa

Sống với nhau hơn mười năm, chị Lan luôn hãnh diện vì có người chồng tài giỏi, là "cái máy in tiền". Chẳng những thế, anh lại rất tin tưởng chị - luôn để chị quản lý tài chính, chi tiêu thoải mái. Nhờ giỏi thu vén, chẳng mấy chốc, chị Lan tiết kiệm được hơn hai tỷ đồng. Chồng chị thường bảo, tiền đó để vài năm nữa, cho con đi du học. Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, chị Lan nghe lời bạn, mang số tiền để dành đi cho vay lấy lãi, muốn tự kiếm tiền cho chồng “biết tay”, vì xưa nay anh vẫn ngấm ngầm coi thường khoản tiền lương ít ỏi của chị và cả hai đều hiểu số tiền dư ra kia hoàn toàn do anh làm ra.

Nào ngờ, chị bị người ta giật nợ. Chồng chị tuy chẳng nặng lời hay to tiếng với vợ, nhưng từ đó, anh không đưa hết tiền cho chị nữa, chỉ đưa một khoản đúng bằng tiền lương của vợ. Gia đình cần thêm gì, anh lo hết, nhưng bao nhiêu tiền dư, anh tự giữ. Quen được chi xài rộng rãi, nay bị "thắt hầu bao", chị Lan hết sức bực bội, cứ loay hoay bàn tính với người nhà bên ngoại và bạn bè cách kiểm soát tiền của chồng.

Cách đây hai năm, dư luận ồn ào vì vụ án hy hữu ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) - người vợ bị khởi tố vì tội… lấy trộm 54 triệu đồng trong túi chồng để trả nợ tiền xây nhà. Câu chuyện khiến nhiều người té ngửa vì luật pháp hóa ra lại cho việc tự ý lục ví chồng lấy tiền mà không được chồng cho phép là có tội; rằng trong chuyện tài sản, vợ chồng vẫn là hai cá nhân độc lập, với phần tài sản chung - riêng rạch ròi. Lý và tình, “của chồng, công vợ” là những chuyện tưởng như rất rõ lại rất mập mờ, dễ nhầm lẫn.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chuyện tiền nong trong gia đình cũng vậy. Tiền chung, tiền riêng luôn là những thỏa thuận nên được rạch ròi và đồng thuận ngay từ đầu. Một khi đã chấp nhận cách phân chia đó, hãy cứ thế mà làm, đừng vì ngó “nhà người ta” hay tư duy thuận theo cái tình mà bỏ quên cái lý, để ấm ức chuyện mình chẳng quản được hết tiền chồng.

Nếu cư xử, quản lý tốt, để được lòng tin của chồng, để chồng giao hết quyền chi tiêu, quản lý tài chính thì đó là hạnh phúc của mình. Bằng như chẳng làm được điều đó hay gặp ông chồng quá chặt chẽ thì mình vẫn có chọn lựa riêng của mình cơ mà. Hãy cứ giữ tinh thần độc lập, tự chủ về tài chính, để được nhẹ nhàng, thanh thản. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI