Con trai mắc bệnh tâm thần, bố mẹ có quyền yêu cầu con dâu ly hôn?

05/10/2018 - 12:00

PNO - Con dâu trở mặt, xem con trai tôi là gánh nặng. Làm bố mẹ, chúng tôi không thể ngồi yên để con trai mình bị hành hạ về tinh thần. Chúng tôi có quyền yêu cầu thay con trai không?

Hỏi: Tôi là M. Nhờ luật sư tư vấn giúp vấn đề sau: Con trai tôi tên B., 38 tuổi, kết hôn với chị N., 26 tuổi, được 6 năm. Cách đây 2 năm con trai tôi bị tai nạn giao thông, sau đó mắc bệnh tâm thần. Đây là cú sốc với gia đình và con dâu tôi.

Mới đầu, con dâu tôi vẫn chăm sóc chồng chu đáo. Nhưng 1 năm sau, mỗi lần đi làm về nhìn thấy chồng là cháu N. mắng nhiếc chửi bới chồng là đồ vô dụng cùng nhiều lời lẽ khó nghe. Dần dà N. bỏ mặc, không quan tâm chăm sóc chồng nữa. Tôi còn nghe hàng xóm mách, con dâu tôi đã có người đàn ông khác bên ngoài. 

Tôi đã nhiều lần bảo con dâu làm đơn ly hôn, chồng nó sẽ do tôi chăm sóc. Nhưng N. không chịu vì sợ khi ly hôn thì tài sản sẽ bị chia đôi, do trong thời kì hôn nhân, trước lúc bị bệnh con trai tôi có mua một mảnh đất và một căn nhà và có số tiền tiết kiệm lớn đang gửi ngân hàng.

Xin hỏi, tôi là mẹ thì có thể làm đơn yêu cầu xin ly hôn cho con trai tôi được không? Nếu được, tôi sẽ phải làm những gì? Vấn đề chia tài sản khi ly hôn nếu không thỏa thuận được thì sẽ như thế nào?

M. (Phú Yên)

Luật sư trả lời:

Chào bác! Cảm ơn câu hỏi của bác.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về quyền yêu cầu ly hôn : “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

Con trai mac benh tam than, bo me co quyen yeu cau con dau ly hon?
Ảnh minh họa

Trong trường hợp này, bác là mẹ của anh B. đang mắc bệnh tâm thần, tuy nhiên chị N. không có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của anh B. Do đó, chưa đủ các điều kiện để bác có thể yêu cầu giải quyết ly hôn cho con trai.

Về vấn đề phân chia tài sản, vì con trai bác và con dâu chưa ly hôn, tức vẫn là vợ chồng hợp pháp, nên nếu muốn tiến hành các thủ tục để chia tài sản vào thời điểm hiện tại sẽ cần phải giải quyết theo thủ tục phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể, trước tiên, bác cần làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố con trai bác mất năng lực hành vi dân sự. 

Khoản 2, Điều 35 Bộ luật Trách nhiệm dân sự 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi con trai bác đang cư trú.

Về thủ tục tuyên bố con trai bác mất năng lực hành vi dân sự:

Hồ sơ gồm:

- Đơn yêu cầu tòa án tuyên bố con trai bác mất năng lực hành vi dân sự.

- Kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh con trai bác bị bệnh tâm thần.

- Bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của bác.

- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh nơi cư trú của con trai bác.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ thủ tục, bác có thể liên hệ với TAND cấp huyện nơi con trai của mình cư trú để yêu cầu tuyên bố anh ấy bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định tuyên bố con trai bác mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi đã có quyết định tuyên con trai bác mất năng lực hành vi dân sự, tòa xác lập người giám hộ cho con trai bác.

Con trai mac benh tam than, bo me co quyen yeu cau con dau ly hon?
Ảnh minh họa.

Khi trở thành người giám hộ, bác có thể yêu cầu chia tài sản chung theo thủ tục người đại diện hợp pháp của con trai trong các giao dịch. Tòa án chỉ giải quyết về việc chia tài sản chung, thực hiện thông qua người đại diện và để tránh xung đột, đối lập về quyền lợi thì tòa án có thể chỉ định người đại diện theo quy định tại khoản 1, Điều 88 Bộ luật Trách nhiệm dân sự 2015.

Việc giải quyết tranh chấp tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được giải quyết theo thủ tục chung được quy định ở Bộ luật Trách nhiệm dân sự mà vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự. 

Nếu phân chia tài sản, tòa án sẽ dựa trên nguyên tắc quy định tại điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

Nếu còn vấn đề thắc mắc, bác vui lòng liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.

   Luật sư Đỗ Quốc Toản (Đoàn Luật sư TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI