Con sinh ra từ tinh trùng trữ đông của người cha đã qua đời, có được ghi tên cha?

04/04/2019 - 14:00

PNO - Anh tôi bị bệnh nặng khó qua khỏi. Chị dâu muốn lấy tinh trùng của chồng gửi vào bệnh viện để khi anh mất đi, chị có thể thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con. Như vậy bé có được công nhận là con của anh?

Hỏi: Vợ chồng anh ruột của tôi cưới nhau được 3 năm nhưng chưa sinh con, họ chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Vừa rồi anh biết tin mình bị bệnh nặng, khó qua khỏi. Chị tôi muốn lấy tinh trùng của chồng gửi vào bệnh viện để khi anh mất đi, chị có thể thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con. Trong trường hợp này, con sinh ra có được xác nhận là con ruột của anh tôi không?

Hoàng Thị Yến (Vũng Tàu)

Con sinh ra tu tinh trung tru dong cua nguoi cha da qua doi, co duoc ghi ten cha?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào chị, 

Khoản 1, điều 93, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau: Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại điều 88 của luật này.

Điều 88 quy định:

- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về “hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết”.

Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, đứa trẻ sinh ra trong trường hợp này (chị của bạn tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm sau khi chồng chị ấy qua đời) không được xác định là con ruột của anh bạn, vì đứa trẻ được sinh ra sau khi hôn nhân đã chấm dứt. Khi đó, giấy khai sinh của trẻ sẽ không ghi tên người cha.

Con sinh ra tu tinh trung tru dong cua nguoi cha da qua doi, co duoc ghi ten cha?
Ảnh minh họa

Khoản 1, điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Trong trường hợp này, người được yêu cầu xác định là người cha đã chết và đứa bé là người chưa thành niên, do vậy người mẹ sẽ là người có quyền yêu cầu tòa án xác định đứa con sinh ra là con của chồng mình.

Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (điều 101 khoản 2 luật HNGĐ 2014).

Khi đó, tòa án sẽ gửi quyết định xác nhận đứa con là con của anh ruột bạn cho cơ quan hộ tịch. Cơ quan hộ tịch sẽ ghi nhận lại nội dung này và chị của bạn có thể làm thủ tục cấp đổi giấy khai sinh cho con để được ghi tên người cha trên giấy khai sinh.

Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI