Có con riêng vẫn chưa bao giờ... phản bội vợ!

07/11/2018 - 14:24

PNO - Chị nghẹn ngào: “Năm đó, cô gái sinh con, được vài hôm thì chồng tôi về, tôi lấy xe anh đi công chuyện nên mở cốp đổ xăng, thấy cái giấy chứng sinh nên tôi đi phô-tô, giữ cho đến bây giờ”...

Suốt phiên xử tại Tòa án nhân dân Q.Bình Tân, TP.HCM vào cuối tháng Mười, người chồng khăng khăng chưa bao giờ phản bội vợ, để rồi bất ngờ khi người vợ đau đớn chìa ra tờ giấy chứng sinh - bằng chứng cho thấy trong quá trình hôn nhân, anh có con cùng người phụ nữ khác.

Gái có công, chồng vẫn phụ

Người vợ đến tòa. Đoàn “hộ tống” chị gồm có ba đứa con, mẹ ruột và dăm người bạn hàng. Trong mắt họ, chị lúc này đã như người mất hồn, không đủ sức để rạch ròi trước tòa. Mẹ chị lo lắng, dặn: “Câu nào thấy khó thì bảo để luật sư trả lời nghe con”. Người bạn hàng sốt ruột: “Đừng có dại mà giao con giao nhà hết cho chồng nha em. Em thiệt thòi lắm rồi, đừng dại dột thêm nữa”. Chị ôm đầu, lắc nhẹ. Nhìn ra cơn mệt mỏi của mẹ, con gái chị lật đật mở bịch thuốc mang theo, tìm chai dầu gió ra thoa cho chị.

Co con rieng van chua bao gio... phan boi vo!
Hai đương sự trong phiên xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân Q.Bình Tân

Cuộc hôn nhân của chị tái hiện qua lời kể đầy bức xúc của những người “hộ tống”. Chị buôn bán hàng mã ở chợ Tân Hương (Q.Tân Phú), lấy chồng năm 2001. Ngoài ba đứa con, vợ chồng chị còn tạo dựng tài sản chung là một căn nhà, được định giá 4 tỷ đồng. Một ngày đẹp trời năm 2012, chị mượn điện thoại của chồng gọi nhờ thì phát hiện có “người lạ” gửi cho anh những lời thương nhớ. Anh thừa nhận đang yêu người khác, hứa sẽ chấm dứt. Thế nhưng đến năm 2013, cô gái anh yêu bất ngờ xuất hiện trước mặt chị, bảo “tác giả” cái thai cô đang mang chính là chồng chị. Muốn gia đình được yên ổn, chị dằn lòng, suy tính, rồi đưa ra một thỏa thuận: cho cô gái 700 triệu đồng, yêu cầu cô đi thật xa, tìm một chỗ định cư; kể từ lúc ấy cho đến khi đứa trẻ tròn 18 tuổi, mỗi tháng chị sẽ chu cấp 5 triệu đồng. Cô gái nhận 700 triệu đồng, cam kết không làm phiền vợ chồng chị nữa. Người chồng cũng thề thốt sẽ không tìm kiếm hay liên lạc gì với mẹ con cô gái.

Không ngờ, chẳng lâu sau đó, chị phát hiện chồng cùng cô gái ấy đã dùng 700 triệu đồng đó mua đất, xây nhà, tạo lập một “tổ ấm” khác. Chị đau khổ, mất ngủ, đâm ra ngây dại đến mức phải nhập viện vài lần. Mẹ chồng chị khuyên: “Gái có công, chồng không phụ; con cứ làm tốt phận sự của mình”. Chị vốn yêu chồng, thuộc lòng “chân lý” ấy từ thuở mới làm vợ anh. Em dâu của chồng nhập viện, chị đóng sạp hàng, vào viện túc trực hai tuần để chăm sóc. Cha chồng từ quê vào khám bệnh, chị theo ông từng ngày điều trị; ông mất, chị nghỉ bán về quê lo hậu sự, cúng kiếng suốt một tháng ròng. Ba đứa con đều một tay chị chăm sóc, để anh được thong dong quản lý xưởng của mình. Nay nghe lời mẹ chồng, chị càng tin sẽ có ngày anh hồi tỉnh, quay về với vợ con, nên chấp nhận để anh đi về giữa “hai mái gia đình”.

Năm 2017, anh về rủ chị hôm sau… đi chỗ kia ký cái này. Đã nhiều lần như thế nên lần này bạn hàng khuyên chị, nếu “chỗ kia” là ngân hàng hay bất cứ đâu mà thấy ký vay tiền thì nhất định không ký. Hôm sau, chị theo anh đến ngân hàng, thấy giấy vay 300 triệu đồng, chị tá hỏa bỏ về. Dọc đường, anh đay nghiến, chửi bới chị làm vợ mà ngoan cố, không biết nghe lời chồng. Anh “trừng phạt” vợ bằng cách ở hẳn bên “tổ ấm” với người tình. Nhiều người bảo chị nên ly hôn, sợ một ngày chị bị anh lừa. Chị xin ly hôn.

Những món nợ trời ơi

Hôm làm đơn ly hôn, chị rớt nước mắt viết: “Anh giành con, ba đứa con tôi nhường cho anh nuôi. Anh nói căn nhà do một mình anh tạo dựng, tôi nhường nhà cho anh”. Người ta biết chuyện, hỏi chị có… ngu không, chị khóc: “Sợi dây tơ hồng se cho tôi nhầm người, còn thiết gì. Anh cũng bảo anh lo cho con tốt hơn tôi. Riêng nhà cửa, còn sức thì tôi gầy dựng lại”. Ba đứa trẻ nằng nặc muốn sống với chị, thêm mẹ chị phân tích thiệt hơn; cuối cùng, chị ra tòa yêu cầu được quyền nuôi con, không cần anh cấp dưỡng; tài sản và nợ chung chia theo tỷ lệ 60-40 dựa trên lỗi ngoại tình của anh.

Giữa tòa, con gái của chị xin kể một câu chuyện, rằng cách đó mấy hôm, anh về, viết sẵn một lá đơn nêu nguyện vọng “muốn ở với cha”, yêu cầu các con viết lại, kẹp thêm 50.000 đồng gọi là phần thưởng. “Nhưng ba chị em con lâu nay quen sống với mẹ, nên sẽ không theo ba đâu, vì theo ba là phải sống với dì, bọn con không muốn” - cô bé khẳng định. Tòa hỏi phần tài sản, nợ chung chị tính sao. Luật sư của chị cho biết, số tiền nợ ngân hàng khoảng 1,2 tỷ đồng, do vợ chồng cùng vay, nên chị đồng ý chia đôi. Riêng số nợ 1,5 tỷ đồng anh bảo vay của hai người quen thì chị không đồng ý là nợ chung, do anh vay lúc nào chị không biết, cũng không ký tên vào giấy vay tiền này.

Bà T. - một người cho anh vay tiền - quay sang chị: “Sao em nói không biết khoản nợ chồng em mượn chị được. Em có nhớ hôm đó, chị mang tiền đến nhà mà không có em, sau đó chị về giữa đường thì gặp em đi chợ về, chị kéo em vô quán nước, báo là chồng em mượn tiền của chị không? Em biết chồng em có mượn tiền chị mà. Rồi trước phiên tòa này, em còn gọi cho chị, bảo là bọn em sắp ly hôn nên có gì thì chị lo đòi tiền chồng em đi, nhớ không?”.

Chị choáng váng, xin tòa cho ngồi xuống để trả lời lâu hỏi của bà T. Chị quay ra sau, giọng lạc đi: “Chai dầu”. Con gái chị lật đật mở bịch thuốc, không tìm thấy chai dầu, vội vã chạy ra đường mua dầu cho mẹ. Chị nức nở, run giọng: “Sao chị lại bịa đặt chuyện đó với em? Em không biết chị cho chồng em mượn tiền từ lúc nào, cũng không có cuộc gặp nào ở quán nước. Mãi đến sau này, xác định ly hôn em mới biết chồng em nợ tiền chị, rồi vì lo chị không đòi được nên em gọi báo để chị thu xếp đòi nợ ảnh”. Người bạn hàng của chị phẫn nộ đứng lên, xin tòa cho nói: “Chuyện chồng nó vay mượn người khác nó làm sao mà biết. Nhiều lần vậy rồi. Như tôi nè, có lần vợ chồng nó ký sạp hàng để vay tôi 300 triệu đồng. Vì thương nó hiền lành, uy tín, nên tôi cho vay. Sau đó không lâu thì chồng nó đến gặp tôi, bảo: “Giờ em trả chị 300 triệu, chị đưa giấy tờ sạp để em đi vay chỗ khác 500 triệu”. Tôi không chịu, vì ít nhất phải có nó lên tiếng, nhưng khi tôi hỏi lại thì nó ngơ ngác, nói có biết gì đâu”.

Anh chồng dõng dạc: “Nếu không vay mượn thì tiền đâu ra mà cất nhà. Nhà đó chỉ một mình tôi vay mượn cất lên. Tôi cũng không hề ngoại tình thì không thể chia tài sản theo tỷ lệ 60-40, dù nói thật, ngay từ đầu, tôi với cô ta chẳng yêu đương tìm hiểu gì, chỉ là qua mai mối”. Tuy bọn trẻ đã quá tuổi quy định, nên cần hỏi ý kiến muốn sống với ai, song anh cho rằng vợ mình… khù khờ, không đủ sức dạy con, định hướng tương lai, nghề nghiệp cho con. Anh cũng tuyên bố, lâu nay ít về nhà không vì có tổ ấm thứ hai mà vì phải lo làm ngày làm đêm, kiếm tiền trả nợ.

Anh vừa dứt lời, mấy bạn hàng của chị xuýt xoa: “Ai chẳng biết vợ hai và con nó tên gì, sống ở đâu, mà giờ còn chối”. Tòa hỏi chị có chứng cứ chứng minh anh ngoại tình. Chị thẫn thờ, rồi như nhớ ra, quay ra sau, nhờ mẹ đưa cho luật sư trình lên tòa tờ giấy chứng sinh của bệnh viện Hùng Vương; trong đó ghi ngày tháng đứa trẻ chào đời, có chữ ký và tên anh trên đó như bằng chứng đứa con ngoài giá thú của anh. Chị nghẹn ngào: “Năm đó, cô gái sinh con, được vài hôm thì chồng tôi về, tôi lấy xe anh đi công chuyện nên mở cốp đổ xăng, thấy cái giấy chứng sinh nên tôi đi phô-tô, giữ cho đến bây giờ”. 

Mong một kết quả công tâm

Theo quy định, tranh chấp tài sản trong hôn nhân có xét đến yếu tố lỗi ngoại tình. Trước chứng cứ mới, luật sư của chị yêu cầu hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để làm rõ giấy chứng sinh có thể hiện được người chồng là cha của đứa trẻ, qua đó chứng minh việc anh ngoại tình, có con riêng trong quá trình hôn nhân với vợ. Luật sư Đặng Đức Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Ngoài giám định chữ ký để xem xét tính hiệu quả, pháp lý của giấy chứng sinh; cần thiết, việc xác định ADN giữa đứa trẻ và người đàn ông này cũng là điều tòa nên xem xét”.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI