Chuyện ít biết về người mẹ danh tướng Trần Nhật Duật

11/09/2015 - 08:08

PNO - Có công sinh thành, nuôi dưỡng Trần Nhật Duật, tạo nền căn bản để sau này ông trở thành danh tướng kiệt xuất thì không phải ai cũng rõ về bà.

Ly kỳ chuyện đồng tử giáng sinh

Chuyện lạ về sự ra đời của Trần Nhật Duật được ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí như sau: “Ông là con thứ 6 của Trần Thái Tông. Khi chưa sinh ông, có một đạo sĩ vào đền cầu tự cho vua, vua mộng thấy Thượng đế sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh. Sau sinh ra ông, ở cánh tay có hai chữ “Chiêu Văn”. Lúc lớn lên, ông rất thông minh, có nhiều chí lược, thông hiểu sử sách, đánh giặc rất giỏi…

Ông là người nhã nhặn, có độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt; lại thông hiểu kinh điển, giỏi âm luật; người đời ấy khen là hiểu biết rộng rãi. Những văn thư của triều đình đều do ông thảo ra. Ông lại thông tiếng các nước phiên, khi tiếp người Tống nói chuyện được suốt ngày. Sứ nước Chiêm, sứ các nước Man và người Sách Mã Tích đến, ông đều tiếp đãi theo tục nước họ và cùng họ nói chuyện… Ông là thân vương quý hiển, trải thờ bốn triều, ba lần lĩnh chức ở trấn lớn”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng viết như sau: “Đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong tâu với vua: "Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ". Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", nét chữ rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi”.

Chuyen it biet ve nguoi me danh tuong Tran Nhat Duat
Hoàng đế và mỹ nữ chốn thôn quê (Tranh minh họa)

Duyên tình, thôn nữ nhập cung

Chính sử và một số tác phẩm khảo cứu đều không cho biết thông tin về thân mẫu của Trần Nhật Duật. Tuy nhiên, theo bản thần tích ở đền thôn Miễu, xã Mạt Lăng, huyện Tây Chân (nay thuộc Nam Trực, Nam Định), có nhắc đến những chi tiết thú vị về người mẹ của ông như sau:

Vào năm Kỷ Hợi (1239), một lần Trần Thái Tông đi tuần du qua phủ Thiên Trường, xa giá dừng lại nghỉ ở làng Miễu. Nghe tin vua đến, dân chúng đem lễ vật tới dâng và để tỏ lòng sùng kính, Trần Thái Tông mới hỏi chuyện nông tang, và điều ngạc nhiên là người trả lời không phải là các bô lão, chức dịch trong vùng mà là một cô gái trẻ được cử ra hầu đáp với hoàng đế. Cô gái đó tên là Vũ Thị Vượng, còn gọi là Vượng Nương, hình dung yểu điệu, nhan sắc tuyệt trần, giỏi nghề canh cửi, chăm việc ruộng đồng, nổi tiếng cả vùng vừa đẹp người lại đẹp nết.

Thấy cô gái trả ứng đối thông minh mẫn tiệp, hiểu biết sâu rộng, nhất chuyện nghề nông nên nhà vua thấy rất quý mến. Ngay sau ngày hôm đó, Trần Thái Tông cho làm lễ, đón Vũ Thị Vượng về cung, lập Cung phi thứ năm, hiệu là Vũ phi.

Nặng ơn dưỡng dục, mẹ hiền

Nhập cung hơn 10 năm, dù được vua sủng ái nhưng mãi chưa sinh hạ được người con nào; một hôm, Vũ phi xin vua cho làm lễ cúng bách thần để cầu tự. Hiểu được nỗi lòng của bà, Trần Thái Tông chuẩn y ngay.

Truyền rằng, lễ cầu tự kéo dài 21 ngày, một đêm Vũ phi nằm mộng thấy ngôi sao lớn từ trên không rơi xuống giường nằm của mình, từ đấy bà có mang, đến giờ Ngọ ngày mồng 10 tháng 4 năm Ất Mão (1255) sinh một hoàng tử, dung mạo khác thường, được đặt tên là Nhật Duật.

Biết con mình không giống những đứa bé cùng trang lứa nên Vũ phi đã hết lòng chăm sóc, nuôi dạy con. Nhờ sự quan tâm của mẹ, sự chú ý bồi dưỡng của vua cha mà Nhật Duật từ nhỏ đã nổi tiếng là hoàng tử “hiếu học và sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết”; lớn lên thì trở thành một người thông minh, nhã nhặn lại đa tài, đặc biệt giỏi tiếng các dân tộc thiểu số và tiếng lân bang.

Chuyen it biet ve nguoi me danh tuong Tran Nhat Duat
Mẹ bồng con (Tranh minh họa)

Không rõ Vũ phi mất năm nào, chỉ biết thi hài được đưa về quê an táng tại mảnh đất “Song Ngư” có hình dáng kỳ lạ như hai con cá lớn, cá nhỏ giữa cánh đồng thôn Miễu.

Còn Trần Nhật Duật khi tuổi già cũng muốn được chôn cất bên lăng mộ mẹ. Năm Canh Ngọ (1330) sau khi ông mất, triều đình theo nguyện vọng đó đưa linh cữu về táng tại mảnh đất “Song ngư” và lập đền thờ cúng hai mẹ con ông. Tại ngôi đền có bức đại tự nhắc đến sự huyền ảo khi bà Vũ phi hạ sinh Trần Nhật Duật: “Thiên giáng phúc tinh” (Sao phúc từ trên trời xuống), ngoài ra còn nhiều câu đối ca ngợi khác.

Dân gian có câu: “Phúc đức tại mẫu”, trong trường hợp của Trần Nhật Duật hoàn toàn chính xác, ông không chỉ có cha là vị vua anh hùng, tài giỏi mà còn có người mẹ tuyệt vời. Có thể nói, sự nghiệp và danh tiếng của ông một phần nhờ công lao của mẹ, người phụ nữ tuy xuất thân ở chốn thôn quê nhưng vẫn ngời lên phẩm chất cao quý và đức độ của một người vợ, một người mẹ hết lòng vì chồng, vì con.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI