Chuốc khổ vào thân

07/06/2017 - 17:30

PNO - Ra trường, kiếm một công việc tàng tàng, lấy một ông chồng sang sang, chấp nhận về làm một bà nội trợ đảm đang. Thế là hân hoan hạnh phúc!

Có lần trò chuyện với một người đàn ông ngoại quốc, tôi có hỏi anh về việc là một Tây trẻ, Tây đẹp, Tây tài năng, hẳn anh phải được nhiều cô yêu quý lắm. Chàng Tây ấy mặt hình như vênh lên một tí, tự tin bảo: “Không cần trẻ và đẹp đâu, cứ trai Tây là họ mê rồi mà”. 

Đàn ông Việt, thỉnh thoảng nhìn xuống thấy cơ bụng trườn ra ngoài thắt lưng của mình vẫn có chút tủi hờn với đàn ông ngoại quốc. Lâu lâu lại thấy một vài em đã xinh lại còn trẻ không lên xe hoa với đại gia nước Việt thì cũng có bầu với đàn ông nước người ta. Sầu ơi là sầu! Nhưng phụ nữ họ cũng có lý của họ khi chọn người để gửi gắm. 

Chuoc kho vao than
Ảnh minh họa

Lại nhớ, xứ mình có một em đã từng được đại gia bỏ tiền ra cho làm phim về đời mình, rồi em thủ luôn vai chính. Ngày gặp em ở buổi ra mắt phim, nghe em nói, xem em cười, tôi đã rút ra một chân lý: ngây thơ cũng là một loại tài năng. 

Trời ơi, nếu đàn ông thường cuốn hút phụ nữ ở sự mạnh mẽ thì cái chết người ở họ chính là sự ngây thơ và ngấm ngầm yếu đuối ấy. Trước mặt những người như thế, đàn ông dù mỏng manh nam tính vẫn thấy mình bỗng thành người hùng. 

Đàn ông xứ mình đầy khuyết điểm. Nhưng phụ nữ nước ta cũng tràn trề tồn tại. Vậy nên, cứ như đã tiềm tàng mặc định ở trong đầu, lâu lâu lại có một người nào đó thảnh thơi lên mạng chỉ ra thói hư tật xấu của cả hai giới. Mà tác giả của những "tút" đó thường là người có dính dáng đến chút lang thang xứ người hoặc đang định cư ở một quốc gia nào đó. Phương thức của họ là đặt đàn ông và phụ nữ Việt trong thế so sánh với phụ nữ và đàn ông các nước khác, chung nhất là Tây. 

Thật ra chúng ta vẫn bàn quá nhiều về những biểu hiện hình thức, nhưng ít khi đề cập đến gốc gác của vấn đề. Người ta vẫn phải cãi nhau là phụ nữ có hơn nhau một tấm chồng hay không. Ở xứ người, người đàn bà sẵn sàng ca bài ca “Em sẽ là người ra đi” khi cảm thấy hôn nhân đã đứng bên vực thẳm, nhưng người vợ nước Nam sẽ nhiều lần vò đi viết lại tờ đơn xin ly hôn, sau đó lại gọi điện về thủ thỉ với mẹ nỗi lòng của mình. Rồi cả mẹ lẫn bố đều sẽ đưa ra cho con gái một lời khuyên kinh điển: “Mày làm gì thì làm, đừng để người ta nói tao không biết dạy con. Rồi người ta bảo nhà này có đứa bị chồng bỏ”. Cô con gái sẽ thút thít cãi lại: “Không, lần này con là người bỏ chồng”. 

Chuoc kho vao than
Ảnh minh họa

Nề nếp gia phong, uy tín gia đình và đặc tính bảo toàn vỏ hình thức khiến cho người phụ nữ không dám đi đến lựa chọn có lợi cho mình mà phải chấp nhận nó để bảo toàn vỏ hình thức. Lựa chọn an phận cũng khiến cho người phụ nữ mất đi thế chủ động. Họ thường có quan điểm, ra trường, kiếm một công việc tàng tàng, lấy một ông chồng sang sang, chấp nhận về làm một bà nội trợ đảm đang. Thế là hân hoan hạnh phúc. Thế nhưng, đó lại là lựa chọn đánh mất đi vị thế của chính mình. Họ, khi trong đêm gặp ông chồng say rượu có sở thích đánh vợ cũng chỉ biết trốn sang ngủ nhà bạn, vì tiền chồng phát cho đi chợ đã tiêu hết vào chiều nay. 

Họ dù biết chồng đánh được một lần có thể đánh thêm lần nữa, nhưng lại cực kỳ bao dung khi tin tưởng rằng, mỗi lần nhìn anh ấy ngủ, thấy anh ấy lương thiện hẳn. 

Thế mới khó! 

Hồ Viết Thịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI