Ông có chút chạnh lòng, chẳng lẽ bà đi thế không nhớ ông sao...

24/09/2016 - 11:30

PNO - Nếu bà về, ông sẽ không để bà đi nữa. Ông sẽ bù lại những thiệt thòi mà bà đã chịu đựng suốt những năm tháng tuổi trẻ để tuổi xế chiều không còn mãi chông chênh.

1. Mọi người trong xóm đã quen với sự vắng mặt của bà bởi gần hai năm nay không thấy bà về. Dù trước đó, vài ba tháng bà lại về một lần, ở vài tuần rồi lại đi. Ông ngại ra ngoài hơn, vì gặp ai cũng nhận câu hỏi quen thuộc lúc nào bà ấy về, sao dạo này đi lâu thế? Biết người ta tò mò là chính chứ chẳng phải quan tâm gì nên ông thấy khó chịu. Lần nào ông cũng trả lời qua quýt “Ừ, cũng sắp về rồi” và bước thật nhanh trước ánh mắt nghi ngờ như chưa được thỏa mãn của người hỏi. Mà nói cặn kẽ sao được vì ngay chính ông cũng chẳng rõ lý do.

Bà bắt đầu vào thành phố từ ngày ông nghỉ hưu. Tính ra đã gần bốn năm tròn. Lý do cũng chính đáng thôi: vào chăm cháu cho con gái đi làm. Vậy mà, hai đứa cháu lần lượt đi học rồi mà bà cứ nấn ná không về. Ông gọi điện, thậm chí vào tận nơi giục về thì được dăm bữa nửa tháng, bà lại quầy quả đi, bảo là nhớ cháu. Ông có chút chạnh lòng, chẳng lẽ bà đi thế không nhớ ông sao.

Ong co chut chanh long, chang le ba di the khong nho ong sao...
Ảnh mang tính chất minh họa: Internet

Rồi con gái ly hôn, bà chuyển vào ở hẳn với con, ông cũng không cản nữa. Phần vì thương con gặp cú sốc lớn trong đời cần bàn tay mẹ chở che, phần vì ông cũng đã quen cuộc sống thiếu vắng bà.

Từ ngày bà đi, con cái đi làm, ông ở nhà lủi thủi mãi cũng buồn mới lọ mọ tập nấu cơm, lau nhà, phơi áo quần, nhặt rau... - những việc mà trước đây chưa bao giờ đụng tay vào. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ làm cho vui nhưng lâu dần, con dâu bận nên ông gánh luôn việc nhà.

Khi tự tay làm những việc vặt đó, ông mới thấy ở nhà cũng chẳng sung sướng gì, làm không nghỉ tay mà chẳng hết việc. Con cái đi làm về mà mình chưa bắc kịp nồi cơm đã thấy líu ríu chân tay, lắm khi tiếng thở dài vô tình của con cũng khiến ông suy nghĩ. Vậy mà, trước đây, ông về nhà mà cơm canh chưa xong là quát tháo ầm ĩ. Bởi ông nghĩ người đi làm mới mệt, ở nhà có mấy việc mà làm cũng không xong. Ông ít khi để ý đến cảm xúc của vợ, cứ nghĩ cuối tháng đưa đủ tiền là làm tròn trách nhiệm với gia đình rồi.

Ngày còn đương chức, được người đưa kẻ đón, ông cứ mặc nhiên cho vợ bổn phận phải phục vụ mình. Nhiều lúc, nghe phong thanh chuyện tằng tịu trai gái, bà nhắc nhở, ông còn lớn tiếng: không có ông, chắc gì bà đã sống được, bởi bà đâu kiếm ra tiền. Nghĩ lại, ông xót xa!

2. Thật sự, bà không muốn rời xa quê hương để đến cái thành phố ồn ào này - nơi chỉ có con gái và hai đứa cháu ngoại là người thân. Nhưng vì bà thương con và cũng muốn tìm cho mình một lối thoát. Suốt gần 30 năm làm vợ, bà câm nín hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Bây giờ, chồng đã về hưu, thân danh trọn vẹn, bà cần có một chút cho riêng mình. Có lẽ, bà không đủ can đảm để đi nếu không có sự thúc giục của con gái. Hơn ai hết, con gái hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ. Bà còn nhớ những đêm ôm con đợi ông trở về sau những cuộc nhậu say khướt, nước mắt ướt đẫm gối khi nghe tin ông có tình nhân.

Ngày còn trẻ, nhiều lần bà muốn dứt bỏ nhưng không dám bởi “xấu chàng thì hổ ai”. Bà chẳng phải kém cỏi không làm ra tiền mà chỉ vì hy sinh cho chồng cho con nên phải nghỉ việc, nhưng ông nào có hiểu.

Năm con gái lên lớp 9, nó nhiều lần cự nự ông và tuyên bố “Sau này con sẽ nuôi mẹ”. Dường như những ký ức không vui về cuộc sống gia đình nhìn bề ngoài êm đềm nhưng bên trong đầy sóng gió đã hằn lên con gái. Sau này, lập gia đình, con gái quyết chẳng chịu thua thiệt chồng, muốn công bằng bình đẳng. Có lẽ vì thế mà hôn nhân của con gái tan vỡ. Bà cảm thấy có lỗi một phần.

Sống với con, bà khá an nhàn, thỉnh thoảng con đưa đi du lịch đây đó nhưng trong lòng bà vẫn canh cánh về ông. Bà lấn cấn suy nghĩ, bao nhiêu giông bão tuổi trẻ đều vượt qua để giữ gia đình êm ấm, sao khi về già lại nỡ dứt bỏ. Ông và bà khác nào sống ly thân nhưng thiên hạ chẳng có cớ đàm tiếu bởi hoàn cảnh tự nhiên phải vậy. Quan trọng hơn, bà vẫn thương ông lắm.

3.Chiều nay, con trai gọi điện báo ông trở bệnh. Bà bồn chồn không yên bởi “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Bệnh của ông kiêng khem như thế nào thì chỉ có bà mới biết, con dâu làm sao quán xuyến được. Ngoài này, ông chỉ hơi mệt thôi nhưng cứ bảo con gọi cho bà. Ông muốn biết bà có còn nghĩ đến ông nữa không. Ông lờ mờ nhận ra những khoảng hở chưa được lấp đầy giữa mình và vợ.

Lần này, nếu bà về, ông sẽ không để bà đi nữa. Ông sẽ bù lại những thiệt thòi mà bà đã chịu đựng suốt những năm tháng tuổi trẻ để tuổi xế chiều không còn mãi chông chênh.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI