Chia tiền cưới

03/10/2015 - 10:12

PNO - Sau một năm sống chung, vợ chồng em ly hôn. Quyết định của tòa án đã có, nhưng mâu thuẫn giữa hai nhà thì vẫn tiếp tục phức tạp và căng thẳng.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Sau một năm sống chung, vợ chồng em ly hôn. Quyết định của tòa án đã có, nhưng mâu thuẫn giữa hai nhà thì vẫn tiếp tục phức tạp và căng thẳng hơn từng ngày.

Chuyện là khi em ly hôn, mẹ em nói chồng em phải trả lại số tiền mừng đám cưới của bên gia đình em, vì mẹ em không cho số tiền đó. Thực ra, mẹ em muốn lấy lại mấy chục triệu đồng này để mua xe cho em đi làm.

Gia đình anh chỉ trả lại một phần, phần còn lại giải thích là phải trả tiền bàn đám cưới, những bàn nào nhà em mời thì nhà em phải trả. Chuyện chưa xong lại đến chuyện nữ trang vòng vàng em phải đem trả lại; bên đó còn nói nhà em tham tiền, vô đạo đức.

Trả thì em không tiếc, nhưng mẹ em nói họ đã trừ một khoản, thì mình cũng phải trừ lại một khoản… Bao nhiêu chuyện từ album hình cưới ai trả tiền, đến chuyện in thiệp tốn phí, ngày nào cũng có thêm chuyện mới. Chuyện cứ dắt dây khiến em rất mệt mỏi.

Sau ly hôn, em suy sụp, mất lòng tin và xấu hổ với bạn bè. Nay thêm việc như thế này, em không biết làm sao, hai nhà đi qua đi lại cãi cọ, hàng xóm láng giềng xì xào. Em muốn chấm dứt mọi chuyện, nhưng không có quyền quyết định trong gia đình, nên không biết nói sao…

Bích Thuận (Phan Thiết)

Chia tien cuoi
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Em Bích Thuận thân mến,

Một khi đã đổ vỡ, ắt có thiệt hại, có đau đớn, có giằng xé. Cái không hay của việc này là quá tập trung vào tiền bạc, tính toán cả những chuyện tủn mủn, vụn vặt.

Việc chia chi phí đám cưới sao cho vừa ý cả hai nhà là vô cùng khó, vì trong trường hợp này, bên nào cũng nghĩ mình đang chịu thiệt thòi. Em có thể nói với ba mẹ em không cần đôi co tranh chấp với nhà người ta làm gì nữa, coi như cái gì đã mất là mất rồi.

Cái em cần là sự yên tĩnh để bình tâm, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Ba mẹ có tranh chấp cũng vì thương em, Hạnh Dung tin ông bà sẽ hiểu.

Trong trường hợp không thể chịu đựng được những cuộc cãi vã kéo dài này, có người đã chọn giải pháp chuyển đi nơi khác làm việc, sinh sống.

Đó cũng là một cách hay, để dứt hẳn những ám ảnh của mối quan hệ thất bại cũ và dứt khoát thay đổi mình, chuẩn bị cho quãng đời mới. Em có thể cân nhắc cách này.

Tuy phản ứng này chỉ mang tính thụ động, nhưng thực tế là nó nằm trong khả năng chọn lựa và quyết định của mình, có vất vả lúc đầu nhưng bù lại em không cần phải trân mình ra chịu đựng mãi.

Có thể khi dứt áo đi khỏi nơi ấy, em sẽ nhiều lưu luyến, nhớ thương; nhưng lúc bắt đầu lại ở một nơi khác, em sẽ bớt mặc cảm với bạn bè, dù thực tế là không có gì phải xấu hổ, mặc cảm.

Mình quyết định sửa chữa một sai lầm, thì quyết định sớm vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc cứ nín nhịn chịu đựng, để rồi bị trói buộc mãi trong những tính toán nhỏ nhen kiểu đó.

Nhiều phụ nữ làm lại đời mình sau ly hôn đã thành công, đã hạnh phúc. Nếu coi ly hôn là thất bại, thì cả hai đều là người thất bại, không chỉ riêng mình em.

Hãy dứt ra khỏi những cãi vã tính toán buộc mình phải nhớ lại những ngày đau buồn cũ, để bắt đầu cuộc sống mới. Khi em thành công, những người ngày hôm nay tính toán chi li với em sẽ thấy rõ cái tệ trong cách xử sự của họ. Chúc em mạnh mẽ lên, vững lòng vượt qua thử thách.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI