Bước qua giới hạn an toàn

28/05/2018 - 06:00

PNO - Những người phụ nữ ấy có chung một đặc điểm là rất tự tin. Họ luôn tràn đầy năng lượng tiến về phía trước. Nét chung ấy có thể là ưu điểm để họ rẽ ngang, ít e dè hơn người khác, dù không thiếu những băn khoăn.

Vùng an toàn thường tạo nên rào cản với giới nữ, khi chúng ta bị cảm xúc chi phối trong mọi việc. Những băn khoăn: liệu có làm được không, nhỡ tháng đó không có tiền thì con cái thế nào... vây kín, trì níu khiến chị em không dám bước ra ngoài. Tuổi tác lại là một lực cản lớn khác, để phụ nữ vin vào đó mà ừ à, vậy là ổn rồi, nhỡ có gì thì sao.

Nhưng, có những người phụ nữ dám đi ra khỏi vùng an toàn của mình với đam mê và quyết tâm đáng ngạc nhiên.

Bước chân khởi đầu để...

Buoc qua gioi han an toan
Bùi Phi Giao

Ngày nay, phụ nữ khởi nghiệp không có gì xa lạ, bỏ việc “lương ngàn USD” để khởi nghiệp cũng không hiếm. Nên không có gì ngạc nhiên khi một ngày có ai nói sẽ nghỉ việc và làm điều gì đó mới mẻ. Sự băn khoăn lẫn tò mò về những phụ nữ dám dấn bước vào khung trời mới thường nhằm vào độ tuổi. Một bạn trẻ ngoài 20 tự tin khởi nghiệp sẽ có nhiều tung hô, chào đón lẫn háo hức đợi chờ. Nhưng quyết định nghỉ việc của một phụ nữ ngoài 40 sẽ nhận lại rất nhiều lo lắng, can ngăn. Trở ngại lớn nhất chính là áp lực từ phía cha mẹ họ. Với các bậc sinh thành thế hệ trước, khái niệm “an toàn” đã trở thành hơi thở, nên điều đáng sợ nhất với họ là thấy con mình - đã hết tuổi xin việc, bỗng một ngày... thất nghiệp.

Là mẹ đơn thân của hai đứa con, Bùi Phi Giao rất ít khi nói về mình, về công việc, chỉ hay cười. Ngồi với Giao, cảm giác thật dễ chịu vì nguồn năng lượng tích cực từ cô tỏa ra, lan sang cả những người xung quanh. “Nuôi con, lo cho ba mẹ...” là câu thần chú mỗi ngày của Giao. Thế nên, khi nghe Giao từ bỏ công việc có mức lương 2.000 USD ở MC Living, một công ty trực thuộc Mitsubishi Nhật Bản, gia đình, họ hàng, bạn bè cô đều choáng. Mẹ Giao kịch liệt phản đối, sợ cô kinh doanh không thuận lợi, lấy gì nuôi con. 

Là kỹ sư hóa, công việc của Lê Thục Châu yêu cầu tiếp xúc với hóa chất, hóa dầu và những chỉ số lạnh lùng. Cô có cảm giác mình không hợp với nghề này. Thời của Châu, người ta thi đại học, ra trường đi làm đôi khi chỉ vì thấy mình học giỏi môn đó hay nhìn vào sự thành công của anh chị mà noi theo. Ngày ấy, mấy ai được định hướng nghề nghiệp, mấy ai đủ can đảm thi vào ngành học mình yêu thích. Châu cũng vậy. Dân trường chuyên nên cô đi học rồi đi làm như lẽ đương nhiên. Đến một ngày, đột ngột, Châu nghỉ làm dân hóa học, bước ra khỏi công việc ổn định vẫn nuôi cô ngần ấy năm và khởi nghiệp.… những bước còn lại nhẹ tênh.

Đó là câu nói của Phi Giao khi mở Công ty thiết kế, thi công nội thất Interior Nhật Bản SPG. Giao có lợi thế về kinh nghiệm làm trong ngành trang trí nội thất, từng du học Nhật. Trong tim Giao luôn ấp ủ việc mang đến cho những ngôi nhà Việt một không gian kiểu Nhật, gần gũi thiên nhiên, giản dị mà tinh tế. “Nếu không liều thì biết đến bao giờ mới có cái gì đó cho riêng mình, để cho con cuộc sống tốt đẹp hơn”, Giao tự nhủ khi thấy thời cơ chín muồi và bung ra mở công ty, mở xưởng sản xuất. “Tôi muốn người Việt Nam sử dụng hàng nội thất với chất lượng tốt như tiêu chuẩn Nhật...”, đó là tiêu chí mà công ty của Giao hướng đến. 

Những ngày mới mở công ty, Giao sụt gần 5kg. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Giao luôn tâm niệm, chất lượng sẽ làm nên thương hiệu. Cô miệt mài ở xưởng, giám sát từng chi tiết, đeo bám công trình không rời. Với mỗi công trình, Giao đều làm với tâm thế như làm cho chính mình, mình hài lòng thì khách hàng mới hài lòng. Đi làm công, tháng nào cũng có lương, dù có đau ốm cả tuần; giờ làm chủ nhưng Giao không cho phép mình nghỉ ngơi. Điều khiến Giao hạnh phúc là tinh thần được hồi sinh sau quyết định “động trời” này.

Buoc qua gioi han an toan
Lê Thục Châu

Chuyện cửa hàng hoa có tên May Flowers (150 Quang Trung - TP.Quảng Ngãi) của Châu ra đời khiến cha mẹ cô bàng hoàng. Ai ngờ một ngày đẹp trời, cô kỹ sư 40 tuổi lại lui cui ngồi cắm từng bình hoa rồi chào bán. Để đi đến quyết định mở cửa hàng hoa, Châu cũng phải đấu tranh với chính mình rất nhiều giữa một bên là công việc an toàn, có thu nhập đảm bảo cuộc sống bình an và một bên là được làm công việc nhẹ nhàng, lãng mạn trái ngược với những công thức hóa học khô khan kia. Chẳng nói chẳng rằng, Châu gác hết mọi thứ, khăn gói vào Sài Gòn học cắm hoa. Với Châu, con đường tự kinh doanh chỉ mới bắt đầu nhưng ít ra, cô không còn lệ thuộc vào sự an toàn nên thấy lòng nhẹ nhõm. Nói khởi nghiệp cho lớn lao nhưng Châu thấy mình trưởng thành hơn từ khi làm chủ. Công việc của Châu trước kia ít va chạm, giờ cô phải khéo léo hơn, phải hiểu ý từng người để chiều lòng khách hàng.

Những phụ nữ như Châu, như Giao… kể về ngã rẽ của mình một cách nhẹ tênh nhưng bên trong cái nhẹ tênh đó chứa đựng một quyết tâm rất lớn, đủ để họ dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và tìm cho mình những lối đi mới mẻ, táo bạo.

Khi tôi viết bài này, cô bạn - trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng lớn - gọi điện hồ hởi thông báo: “Hết tháng này mình nghỉ việc rồi, ở nhà bán sa kê chiên”. Rồi bạn tôi say sưa nói về những ngày sắp tới của mình...

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI