Bình đẳng vẫn chỉ là một ước mơ?

26/03/2018 - 05:50

PNO - Nhưng chuyện bình đẳng giới trong nhà tôi vẫn còn xa hun hút dù ba đứa con ra đời.

Có lẽ cho tới bây giờ “mô tuýp” gia đình với khung cảnh chiều chiều vợ quần quật với con cái, nhà cửa, bếp núc… sau khi rời cơ quan còn chồng thì ngồi vắt chân xem tivi chờ cơm vẫn còn nhan nhản. Và “cấp độ" sẽ nâng lên chứ không hề giảm, là người chồng sẽ “mất hút bên kia đồi” hoặc “tôi thấy chồng về trên taxi”. Hay sẽ khác đi một chút, là chồng lướt net, dán chặt người vào màn hình, ngồi trong nhà cho có bóng đàn ông; "đỡ” hơn thì vừa quẹt điện thoại thông minh vừa ú òa nhắc con đừng ra đường, đừng nghịch nước.

Binh dang van chi la mot uoc mo?
Ảnh: Internet

Hơn hai mươi năm trước mẹ tôi là một cô giáo. Ngày một buổi đến trường, buổi còn lại thì ngồi bên bàn may, tỉ mẩn may từng chiếc áo dài cho khách, ráp từng bộ đồ bằng vải vụn cho con cái. Rồi khi chưa sụp tối đã tay dao tay thớt trong bếp khi cha tôi vẫn nằm tòng teng trên võng bên chiếc radio rè rè. Thảng hoặc ngày nào có họp hành thì mẹ cũng tranh thủ về sớm để nấu cơm vì cha sẽ không bao giờ phụ giúp dù hôm ấy ruộng vườn không phải làm, đám tiệc không phải đi.

Cha tôi là nông dân, mẹ cũng con nhà nông, đáng ra mẹ đã theo nghề may của bà ngoại. Nhưng ngoại muốn tương lai con sán lạn hơn nên cho mẹ đi học sư phạm để làm cô giáo. Ngày nhà trai đi hỏi cô dâu, ông bà ngoại vui lòng lắm, bởi chú rể là hàng xóm, sẽ có cha mẹ đôi bên dòm ngó, sẽ không có chuyện “chồng chúa vợ tôi”.

Nhưng chuyện bình đẳng giới trong nhà tôi vẫn còn xa hun hút dù ba đứa con ra đời. Dù lúc bấy giờ mẹ đã là hiệu phó của một ngôi trường hơn ba trăm học sinh. Cha bảo, ra đường mẹ là ông là bà gì cha không cần biết, nhưng về nhà mẹ vẫn là vợ. Vợ thì phải nghe lời chồng“tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu

Mười lăm tuổi, tôi đã biết phản kháng thay cho mẹ. Ấy là khi cha bảo mẹ cưới vợ bé cho cha. Là gái út nên cha rất cưng chiều tôi, nhân dịp tròn 15 tuổi, cha hỏi tôi muốn được nhận quà gì. Tôi nói muốn… đi học võ. “Để làm gì?”. “Để mai mốt con đánh chồng con, nếu nó làm con buồn như cha làm mẹ buồn!”

Cha lặng im xem như không nhắc tới món quà sinh nhật nữa. Đồng thời, hình như cha cũng ít thân thiện với tôi hơn.

Binh dang van chi la mot uoc mo?
Lắm khi thế này đã là bình đẳng - Ảnh minh họa

Sau đó, mẹ rầy tôi chuyện “hỗn" với cha, đồng thời cũng bảo rằng kiếp đàn bà là phải khổ nhọc như vậy đó. Mẹ đọc nhiều kinh phật nên tin rằng chuyện kiếp này là nhân quả của kiếp trước, phải chấp nhận mà “trả nợ”, nếu không kiếp sau nợ sẽ nặng hơn.

Được làm người là “phúc nghiệp” của kẻ tu hành chín kiếp, nhưng phải làm đàn bà cũng là “tội nghiệp” của nhiều kiếp. Tôi cãi, đàn ông đàn bà gì cũng là người, ai cũng phải ăn cơm và lao động. Thì tại sao người vợ phải chịu cực nhọc, khổ sở vậy? Được thì ở, không thì thôi mẹ ạ! Mẹ thở dài “Mai mốt lớn hơn rồi con sẽ hiểu”.

Bây giờ tôi đã là vợ, là mẹ và đã hiểu tiếng thở dài của mẹ hồi hai mươi năm về trước. Không phải cứ “đụng chuyện” là đùng đùng thôi nhau được đâu. Còn cả một mớ nhì nhằng phía sau là tương lai con cái, là công việc, là tâm trạng mất cân bằng, trầm cảm của các con và của chính kẻ ly hôn… Mà trên đời này, nếu còn chịu đựng được, thì không có người vợ nào muốn buông tay cả.

Có lẽ vì biết “yếu huyệt” đó của đàn bà nên quý ông, dù là người có học thức rất cao, có địa vị chót vót trong xã hội, từng đăng đàn nói về bình đẳng giới trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng về nhà lắm khi vẫn là một “ông kẹ” trong mắt vợ.

Vì phụ nữ quá giàu lòng vị tha, quá giàu lòng nhân ái, và cũng quá nhiều lo âu, sợ sệt… những điều tiếng xã hội, những ràng buột vụn vặt nên chuyện bình đẳng sẽ mãi là một ước mơ.

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI