Ăn vạ hôn nhân

12/03/2018 - 06:00

PNO - Hôn nhân, như đường chỉ may, có chìm có nổi. Nổi phụ họa chìm tạo nên cái áo hạnh phúc mang tên gia đình. Giá chị nhận ra điều này sớm hơn thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Vợ chồng chị Liên lùng tùng mãi chưa xong thủ tục ly hôn, ai cũng ngạc nhiên tưởng chị sẽ nhanh chóng giải thoát cho mình sau chuyện vừa xảy ra.

Chị vẫn bừng bừng lửa: “tại sao lại dễ dàng thế, để cho chúng nó đến với nhau à?”. Rồi chị nước mắt hai hàng nhớ lại thời anh chị quen nhau. Khi ấy anh là sinh viên, chị đã đi làm nên có đồng ra đồng vào, tuần hai lần ghé phòng trọ anh "tiếp tế", có lúc chỉ dám mua một cây kem rồi ăn chung.

Lấy nhau rồi vẫn khổ, anh là con cả, chị phải cùng anh nuôi một cô em gái ăn học vì bố mẹ anh nói ông bà dồn sức nuôi anh, nay anh phải có trách nhiệm nuôi lại em, sau đó mới được tính chuyện vợ con. Trách nhiệm thì trách nhiệm, chị chung vai cùng lo, có khi anh chưa nhắc chị đã chủ động gửi tiền cho cô em chồng tương lai, đến giờ biên lai gửi tiền chị còn giữ cả xấp dày. Ra trường rồi anh vẫn lận đận lẹt đẹt khi nhảy việc như tôm, chỗ nào cũng không ở lâu được. Chị nuôi cả anh và em gái anh, còn dúi tiền cho anh mua quà mỗi lần về thăm nhà.

An va hon nhan
Ảnh minh họa

Lấy nhau khi công việc của anh ổn định hơn và em gái đã ra trường, có được thằng nối dõi như ý nguyện của bố mẹ anh, chị nghỉ làm ở nhà chăm con, thằng bé gần hai tuổi chị cũng không có ý định đi làm lại, lương công nhân được bao nhiêu trong khi con phải mang gửi lắt lay, không được chăm sóc kỹ nay con đau mai con ốm còn tổn hại hơn, chị nói với anh thế và vui vẻ ở nhà làm "nội tướng".

Anh sợ chị ở nhà buồn, gợi ý cả nhà đi đâu du lịch, chị gạt phăng “Con còn nhỏ, đi chơi đường xa đau ốm biết làm sao?”. Ăn tối bên ngoài chị cũng lắc đầu: “Hàng quán nấu toàn lạm dụng gia vị, ăn vào sinh bệnh lại khổ”. Anh mua thứ gì về chị cũng săm soi rà soát chán chê, nói anh không biết mua sắm, phí tiền. Thằng anh chưa được ba tuổi thì chị bầu con em, con nhỏ quặt quẹo đau yếu càng khiến chị đầu bù tóc rối.

Anh gợi ý nói chị nên kiếm gì đó làm, hoặc buôn bán, anh sẽ đầu tư, lời lãi không quan trọng, quan trọng là chị có cơ hội ra ngoài học hỏi thêm nhưng chị thương con lại không nỡ. Chị đi làm nhà cửa ai lo, chị không yên tâm giao con cho người lạ, nhà cũng đâu thiếu thốn, mấy năm ở nhà, nay quay lại sáng sáu giờ tất tưởi, tối tăng ca, chị… ngại. Thật ra anh cũng có xúm tay vào trông con nhưng nhìn anh lóng ngóng chị ngứa mắt đuổi anh ra. Chủ nhật anh xung phong giữ con cho chị đi cà phê với bạn, mua sắm này kia nhưng chị… làm biếng, nghĩ ở nhà sắm sanh gì cho tốn kém.

Có lần anh đùa, nhìn vợ người tưởng tiên nga, nhìn vợ mình tưởng tiên ma, và hỏi chị, đàn bà làm đẹp giữ chồng, sao chị ỷ khi khinh nhờn quá vậy. Đàn ông ra khỏi cửa là gặp đầy rẫy nguy cơ biết không? Khi ấy chị còn tự tin nói đố chồng dám léng phéng, tòm tem.

Tất cả đều sụp đổ khi chị phát hiện anh lèm nhèm với cô đồng nghiệp kém mười tuổi, còn quăng vào mặt chị "Cô nhìn lại bản thân đi, bằng một góc người ta không mà đòi ghen?"

Ngay cả quyền ghen anh cũng đòi tước nốt của chị? Anh không nghĩ chị hy sinh vì ai?

An va hon nhan
Ảnh Internet

Chị ôm con đến công ty anh làm ầm ĩ cho anh và người đàn bà kia bẽ mặt. Chị đã thỏa mãn khi anh bị công ty cho nghỉ việc một tháng để "thu xếp gia đình" mà ai cũng biết một tháng đó có thể kéo dài mãi mãi. Người phụ nữ kia thì bị chồng đưa đơn ly hôn, rơi vào trầm cảm phải ôm con về quê tránh mặt. 

Chị làm ầm ĩ rùm beng nhưng chẳng thể giữ được chân anh, anh bỏ lại tất cả và ra đi, nhưng chị nào để yên, chị không chịu ký đơn với lý do "giam cho chúng nó không đến được với nhau".

Có lẽ chị đang tiếc những năm tháng tuổi xuân, chị đã hy sinh để mưu cầu hạnh phúc. Điều đó không sai nhưng có vẻ chị đã chọn sai cách. Chị sai khi cứ chăm bẵm bảo bọc chồng con quá mức, đâu phải cứ ở nhà trông con mới là yêu con? Chị có thể gửi con và đi làm, có thể lương chị không đủ tiền sữa của con nhưng ít ra cũng có thể nuôi bản thân, chưa kể khi ra ngoài, chị sẽ mở rộng tầm nhìn, thêm những mối quan hệ xã hội để thay đổi và cải thiện mình. Để những tối vợ chồng gặp mặt, anh không im lìm khi chị ngày nào cũng một đề tài con ho, sốt, mọc răng.

An va hon nhan
Ảnh: Internet

Chẳng người đàn ông nào vui vẻ nổi khi sau một ngày vất vả trở về nhà không thấy vợ đâu, chỉ thấy mẹ sề nhếch nhác, giận dữ và cáu bẳn, bưng bát cơm lên nhưng nuốt không trôi vì những tiếng quát tháo, càm ràm than vãn. Chị nên chủ động lên kế hoạch cho những cuộc vui, không có điều kiện đi xa thì đi gần. Đi đâu không quan trọng, miễn là đi cùng nhau, cùng nhóm lên ngọn lửa ấm để gắn kết gia đình. Đâu phải tận dụng mấy bộ đồ từ thời bầu bì để tiết kiệm ít tiền quần áo là tốt? Đâu phải cứ hy sinh là người khác phải ghi công và biết ơn?

Giá chị nghe lời góp ý của anh, làm mới và hoàn thiện mình, đừng quá coi trọng sự hy sinh của mình mà quên chị là bạn đời, là người chia sẻ vui buồn cùng chồng chứ không phải là sự ban ơn, là món nợ chồng phải trả. Để khi gia đình lao xao lục đục, thay vì tìm hiểu nguyên nhân để sửa chữa thì chị lại trút hết lỗi sang anh, cho rằng anh vô ơn, bạc bẽo quên hết tình hết nghĩa khi xưa.

Hôn nhân, như đường chỉ may, có chìm có nổi. Nổi phụ họa chìm tạo nên cái áo hạnh phúc mang tên gia đình. Giá chị nhận ra điều này sớm hơn thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Phạm Mai Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI