Âm thanh ký ức…

22/10/2014 - 15:24

PNO - PNO - Bạn có lưu giữ trong tim mình một chuỗi âm thanh nào đó xuyên suốt hành trình sống của mình hay không? Giả dụ như tiếng bẻ củi lách cách của mẹ khi ngồi đun bếp. Tiếng giở sách loạt xoạt của người bạn tâm giao từ thời thơ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiếng leng keng mỗi khi xe rác dừng ngay đầu ngõ vào những năm ở trọ trong lòng thành phố. Tiếng còi kem mút bim bíp ở thời hai trăm đồng là cả một tài sản khổng lồ đối với những đứa trẻ quê nghèo. Với tôi, chuỗi âm thanh lọc cọc từ những chuyến xe chở đầy phế liệu rong ruổi khắp các đường cùng ngõ hẻm từ làng quê cho đến thị thành đã để lại trong tôi những kí ức rất đỗi êm đềm, thân thuộc. Tôi nhớ tiếng, nhớ người, nhớ cả những đồng tiền lẻ được vuốt phẳng phiu trên bàn tay bé nhỏ. Nhớ dáng người thu mua đồng nát giống như một dấu chấm nhỏ nhoi lẫn vào trời chiều nhá nhem, lặng lẽ một phận người.


Am thanh ky uc…
 

Người bán kem, người trồng mía, người thu mua đồng nát, người thả sáo diều trên đỉnh núi phía đông… tất cả họ đều là bạn của tôi. Là một phần trong kí ức sống ngồn ngộn, bộn bề trong tâm trí của tôi. Ai cũng có một hình hài, một cái tên, một giọng nói từng làm tôi ngẩn ngơ suốt những tháng năm dài nhìn dòng chảy của thời gian khắc nghiệt. Thỉnh thoảng tôi vẫn được đánh thức sau một giấc ngủ trưa li bì bằng tiếng cô Ơn mua đồng nát. Ngày ấy cổng nhà tôi chưa được san bằng, dốc dựng ngược như núi, ngày mưa nước chảy thành dòng. Tiếng mưa át đi tiếng cô Ơn gọi, át cả liệng lọc cọc, leng keng của lon bia, sắt vụn, hộp xà phòng, xoong nồi thủng va vào nhau.

Cô gò lưng dắt xe lên dốc, đường trơn trượt khiến cả người lẫn xe ngã nhem nhuốc toàn bùn đất. Mấy anh em tôi chạy ra lượm lại từng món đồ, gió thốc lạnh tái tê những con người lầm lũi. Không ai nói với ai một lời nhưng chắc hẳn sự đồng cảm và nỗi buồn thì tràn ngập lòng nhau. Ngày mưa đi qua ngày nắng tới, buổi trưa nào lũ trẻ con chúng tôi cũng đi nhặt nhựa trong doanh trại bộ đội và khu công nhân ở gần nhà. Được bao nhiêu đều tích lại chờ một tiếng gọi thân quen như thể chờ tiếng của bè bạn, của những gì thân thuộc nhất.

Những ngày ốm, bệnh sởi kiêng nước kiêng gió không được ra ngoài, nằm im lìm trong buồng tối khiến tôi nhớ nhung những âm thanh sống động ngoài kia. Nằm vùi trong chăn, cơn sốt hầm hập kéo đến bòn rút tôi đến từng phần sức lực. Nghe tiếng cô Ơn gọi tên dưới cổng mà tủi thân trào nước mắt. Vì cứ nghĩ chắc mình không còn được gặp lại cô để nghe những câu chuyện li kì hấp dẫn mà cô tích cóp được trong suốt những tháng ngày rong ruổi mưu sinh. Cô kể chuyện gặp bà cụ ăn xin đã từng giàu rất giàu nhưng vì chồng chết sớm, thân cô thế cô bị các con bàn tính đuổi mẹ ra đường. Chuyện ông lão ở một nơi xa xôi nào đó một hôm vào rừng kiếm củi, gặp một cái giếng hoang khi nhìn xuống thấy đàn vịt bằng vàng đang bơi lội nhưng không tài nào bắt được chúng. Sau nhiều ngày vào rừng ông lão bỗng hóa điên. Rồi cả chuyện về những người đào vàng ở vùng đất thiêng, cứ mỗi lần đào được cục vàng là một người thân ở nhà lại gặp chuyện chẳng lành. Cô Ơn kể bằng giọng tưng tửng dửng dưng, chúng tôi dài cổ nghe như nuốt trọn từng lời toàn những chuyện ở xứ mình không có. Lớn lên mới biết, cứ gì phải đi xa mới thấy bao chuyện bất nhẫn ở đời. Có lẽ cô Ơn đã rút ruột mà kể với chúng tôi những tiếng lòng chắp vá.

Am thanh ky uc…

Tôi ở phố hơn chục năm trời, ngày nào cũng nghe tiếng rao của những người thu mua đồng nát và đồ cũ đi ngang ngõ. Những âm thanh lọc cọc lại có dịp len lỏi vào thẳm sâu kí ức tôi. Những đồng tiền bán nhựa đút trong cột nhà từng mua thuốc khi tôi đau, mua sách vở khi mùa khai trường đến, mua những món quà quê ngọt lừ trên đầu lưỡi. Giờ tôi giấu kí ức trong túi áo, ngọt ngào như keo ngậm. Thỉnh thoảng buồn sẽ lấy chúng nhâm nhi. Lọc cọc! Lọc cọc! Lọc cọc!

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI